Dựng xe đạp bên gốc cây sung ven suối, Y Lương đầu không mũ nón, lưng đeo gùi, vai vác dao đi trước. Vân Trang đội mũ cối bạc mầu, đeo ba-lô bẹp lép vì trong đó chỉ có chiếc võng dù, bót đánh răng, khăn mặt; ngang hông đeo bình tông nước và con dao găm. Y Dung và Y Za đi sau, chân đi giày vải cao cổ, lưng mang gùi và chiếc xà gạc trên vai giống như Y Lương.
Đang mải nhìn xuống chân để không bị té, bỗng nghe Y Lương reo lên:
- Ta đến nơi rồi thầy ơi.
Ngửng đầu nhìn lên sườn núi phía bên kia suối, Vân Trang thấy có nhiều cây cao vọt lên khỏi tầng lá thấp; trên cây rất ít lá, còn quả thì bám đầy đầu cành mầu nâu nhạt, nổi bật trên nền xanh của rừng già. Vân Trang hỏi:
- Cây ươi là những cây cao nhất rừng, đầy quả đấy à?
- Dạ!
Y Lương trả lời rồi đu dây nhảy luôn xuống lòng khe. Lòng khe rộng khoảng chục mét, hai bên có vách đá dựng đứng, cao đến bốn mét. Bên dòng nước trong vắt, có một đám cát vàng cao hơn mặt nước suối khoảng nửa mét, rộng bằng bốn chiếc chiếu đôi. Y Dung đi phía sau góp lời:
- Hôm nay ta nghỉ tại bãi cát này thầy ạ.
Vân Trang ngạc nhiên, hỏi lại:
- Nằm trên cát đêm về có lạnh không?
Y Za trả lời thay bạn:
- Tối ta đốt lửa sẽ ấm thôi ạ. Bãi cát này phía trên không có cành cây lớn nên đêm không sợ cành cây gãy hay thú dữ leo lên tấn công bất ngờ. Bờ suối có vách đá cao làm tường che, vậy là an toàn rồi.
Vân Trang bỏ ba-lô xuống bãi cát, lại ngồi lên tảng đá ven suối, duỗi thẳng chân cho đỡ mỏi, đầu thoáng nghĩ: Mới học lớp chín mà các chàng trai Ê Đê đã ra dáng thanh niên rồi. Hôm nay thứ bảy, buổi chiều Vân Trang không có tiết nên được các em rủ đi nhặt quả ươi. Quả có tên lạ mà hình như cả tỉnh Đắk Lắk chỉ vùng này mới có nên nổi hứng đi luôn cho biết. Mấy cậu học trò xếp xoong, chén ăn cơm và thìa từ trong gùi lên hòn đá bên cạnh Vân Trang, rồi khoác gùi lên vai. Y Lương nói:
- Thầy mỏi chân ngồi đây nghỉ, bọn em lên nhặt quả ươi một lúc là xuống thôi ạ.
Trang ngạc nhiên hỏi lại:
- Chiều rồi, để sáng mai lên nhặt rồi ta về luôn không được à?
Mấy cậu học trò cười ré lên như bị cù léc, Y Za đỏ mặt nói:
- Chiều gió to nên quả chín rụng nhiều, ta tranh thủ lên nhặt ngay không đêm xuống lũ thú rừng đến ăn hết luôn đó thầy.
Trang tròn mắt nhìn học trò rồi đứng dậy, nói:
- Thế à, để thầy đi cùng lên nhặt quả cho vui và xem cây ươi như thế nào mà bốn năm mới ra hoa một lần, quả lại làm thuốc bổ quý nữa.
Mấy thầy trò bám rễ cây, mỏm đá leo lên sườn đồi.
*
Cuối mùa khô, các cây đại thụ trong rừng Chư Yang Sin vẫn xanh thẫm, dưới mặt đất khô cong, nhiều chỗ vụn nát in dày đặc dấu chân thú rừng qua lại, chồng chéo lên nhau. Thỉnh thoảng một cơn gió ầm ầm lao đến vang động cả cánh rừng và những quả ươi trên cao đến ba chục mét thi nhau rơi xuống tạo nên âm thanh như một trận mưa rào, có quả rơi trúng vào đầu, vào vai cũng đau đau.
Mặt đất đầy quả ươi mới rụng, Vân Trang bước lại nhặt quả cùng học trò. Y Lương mặt vuông chữ điền, lông mày rậm, cao gần bằng thầy, lại nhe răng ra cười, nói:
- Bọn em nhặt quen rồi, chỉ một lát là đầy gùi thôi. Thầy đi chung quanh xem cho biết rừng ươi có gì khác không ạ.
- Thế cũng được.
Vân Trang leo lên phía trên, hình như cũng có người đã vào đây nhặt quả nên quanh các gốc cây ươi, cây con được chặt sát mặt đất tạo nên khoảnh trống như sân nhà. Theo gió, thỉnh thoảng mới có lá ươi rơi xuống. Nhặt một chiếc lá chắc do sâu cắn hay gió đập mạnh làm gãy cuống rụng xuống. Lá ươi hình bầu dục, đầu nhọn, dài hơn gang tay người lớn và rộng khoảng 10 cm; mặt trên lá mầu xanh đậm, bóng; mặt dưới mầu xám nhạt có sợi lông mịn; gân lá trông rất rõ, chạy song song từ gốc đến đầu lá. Mân mê chiếc lá rồi nhìn lên phía trước, sườn núi hơi dốc, có nhiều cây to mọc gần nhau; nhưng thân cây ươi dễ nhận biết nhất vì thân cây thẳng, vỏ mầu xám nâu, gốc phải hai người ôm không hết.
*
- H... ú, thầy ơi tối rồi xuống thôi!
Tiếng gọi của Y Za làm Vân Trang giật mình, cất tiếng hú đáp lại, rồi quay đầu bước nhanh xuống suối.
Sau bữa cơm chiều có cá suối nấu với quả ươi chín, lá rừng, đun trong ống nứa tươi; có vị thơm của lá cây, vị ngọt của quả cây và cá suối học trò vừa bắt được. Bụng no căng mà miệng vẫn còn muốn ăn.
Y Lương tay rửa chén, mắt nhìn Vân Trang hỏi:
- Thầy thấy món canh hôm nay thế nào?
- Rất ấn tượng, nhưng hơi cay.
Y Za nhanh nhảu giải thích:
- Món canh quả ươi nấu cá suối và rau rừng nhất định phải có ớt xanh giã nhỏ mới ngon ạ.
- Em nào nấu món canh hôm nay đổ nước khéo thế, không nhiều, không ít, chỉ vừa đủ thôi.
Mấy cậu học trò lại cười ré lên. Y Dung mặt dài, lông mày hơi xếch một chút, da nâu, cười to nhất rồi trả lời:
- Bọn em chọn cây nứa bánh tẻ, bỏ cá, quả ươi và lá cây rau dớn mọc ven suối rồi lấy lá chuối khô nút lại, đun một lúc lá chuối bật ra khỏi ống là canh chín bằng nước của vỏ cây nứa, không phải đổ nước vào đâu ạ.
Vân Trang buột miệng khen:
- Thông minh.
Y Za cao khoảng mét rưỡi, tóc hoe hoe vàng, nói:
- Người xưa đã biết cách nấu này lâu rồi ạ, chúng em chỉ học theo thôi.
Bỗng trên triền núi tiếng heo cắn nhau chí chóe vọng xuống, Y Lương giải thích:
- Bây giờ là lúc các loài thú đến dự tiệc ăn trái ươi chín đấy thầy ạ. Quả nhiều vậy mà chúng vẫn tranh nhau mới lạ chứ.
Y Dung vui vẻ góp chuyện:
- Thế mới gọi là thú rừng có Luật rừng!
Vân Trang nói:
- Có lý, à khi chiều thầy đi lên triền núi thấy có ánh mắt mầu nâu núp sau cây ươi nhìn mình, khi lên lại chẳng thấy ai cả.
Cả ba cậu học trò đưa mắt nhìn nhau, hình như có một chút bối rối. Lặng đi một phút, Y Lương ngửng mặt lên nhìn Vân Trang, trả lời:
- Người già bảo trong rừng có loài dã nhân sống theo gia đình, chúng đi dưới đất hay chạy nhảy trên cây đều nhanh như gió cuốn. Điều đặc biệt: Chúng luôn tìm cách tránh chạm mặt người. Chỉ ít người may mắn mới gặp được chúng. Thầy hôm nay là người may mắn rồi, ta đi bắt cá để mai ăn sáng thôi ạ.
*
Mấy cậu học trò trổ tài: Tay cầm đuốc, tay cầm cây nứa to bằng ngón tay, dài hơn mét vót nhọn đâm cá suối. Cá suối to hơn hai ngón tay một chút, dài độ gang tay; môi đỏ, vây đỏ, dọc sống lưng vảy mầu vàng nghệ còn phía bụng vảy mầu bạc. Cây lao khi đâm vào cá phải xuyên chéo qua mang lên miệng như kiểu người ta luồn dây vào để buộc.
Các em vừa bắt cá, vừa trêu đùa nhau vui vẻ vượt lên phía trước. Vân Trang theo sau, dùng đèn pin soi bên bờ suối xem cá kéo cả bầy ăn quả ươi rơi chìm dưới nước. Trên mặt đá nằm dưới mặt nước, gần sát bờ có loại rêu mọc xanh mầu đọt chuối, thân và lá gần giống như hoa mười giờ, nở hoa mầu đỏ tươi, năm cánh như cánh hoa hồng. Bầy cá chỉ to hơn đầu đũa một chút, sống lưng mầu đen, phía bụng vảy mầu vàng tươi kéo dài đến tận đuôi vây quanh các bông hoa như đang ngắm.
Bất ngờ xuất hiện một đôi rùa to bằng chén ăn cơm, toàn thân mầu vàng, riêng lưng có ba vạch đen nhô cao, kéo dài tới tận hết mai. Ngạc nhiên quá, Vân Trang reo lên:
- Các em ơi, lại đây xem con rùa lạ này.
Mấy cậu học trò chạy đến, đôi rùa vẫn bình thản đi bên nhau, nhấm nháp từng bông hoa. Cặp mắt tròn, đen, nổi bật trên chiếc đầu như được đúc bằng vàng.
Y Lương đến trước reo to:
- Ui, thầy ơi rùa vàng đấy. Người ta đến buôn em đặt mua giá mười cây vàng bốn số chín đổi một con. Thầy hên rồi!
Y Dung nhanh nhảu thò tay xuống bắt đôi rùa. Lên khỏi mặt nước, trông con rùa không khác gì một cục đá bằng vàng. Đầu, chân, đuôi rùa biến mất. Y Za giải thích:
- Loài rùa này đặc biệt lắm: Chúng không những mai và da có mầu như làm bằng vàng mà mai phía bụng như có bản lề ở giữa, bình thường chúng mở mai dưới bụng, thò đầu, chân và đuôi đi kiếm ăn; khi có nguy hiểm thì đóng mai bụng lại kín mít, không con gì làm hại chúng được.
Y Lương vui vẻ góp chuyện:
- Hôm nay thầy bắt được cặp rùa vàng này đúng là hên rồi; đủ tiền mua nhà, mua xe và cho chúng em uống rượu hồng thoải mái luôn cũng không hết tiền.
Đón hai con rùa vàng từ tay học trò, Vân Trang nhẹ nhàng đặt lại chúng lên đám rong nở đầy hoa; chờ một chút, hai con rùa mới từ từ thò đầu rồi chân ra khỏi mai. Đôi rùa ngẩng cao đầu nhìn ra chung quanh như quan sát.
Vân Trang nhìn đôi rùa chụm đầu nhấm nháp bông hoa, nói với học trò:
- Chúng là động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ, là tài sản của Quốc gia, ta phải bảo vệ, không được bắt làm của riêng cho mình. Các em thấy không, chúng bên nhau trông vui vẻ quá.
Cả ba học trò ngước mắt lên nhìn thầy, trong ánh mắt tỏ ra lòng ngưỡng mộ, khâm phục và gần như đồng thanh trả lời:
- Dạ!