Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (SVWS), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản tại KCN Đồng Văn II (Ninh Bình). Ảnh: TRẦN HẢI
Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (SVWS), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản tại KCN Đồng Văn II (Ninh Bình). Ảnh: TRẦN HẢI

“Nấc thang mới” thu hút FDI

Với chiến lược tập trung vào chất lượng, bền vững và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam không chỉ là điểm đến FDI hấp dẫn, mà còn trở thành trung tâm sản xuất, đổi mới sáng tạo của khu vực.

Hà Nội dẫn đầu, nhiều địa phương bứt phá

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút hơn 21,5 tỷ USD vốn FDI, mức cao nhất kể từ năm 2010. Con số này bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh tăng vốn, cũng như góp vốn và mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, TP Hà Nội dẫn đầu cả nước với 3,677 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục khẳng định vị trí hấp dẫn trên bản đồ FDI. Riêng trong tháng 6, Hà Nội thu hút thêm gần 800 triệu USD, với 41 dự án cấp phép mới trị giá 27,8 triệu USD, 21 dự án điều chỉnh tăng vốn gần 730 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần khoảng 41,7 triệu USD.

Bắc Ninh (cũ) xếp thứ hai với gần 3,15 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong khi TP Hồ Chí Minh (cũ) đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi. Tổng cộng, 54 tỉnh, thành phố (cũ) đã đón nhận dòng vốn FDI trong nửa đầu năm, với sáu địa phương dẫn đầu chiếm gần 65% số dự án mới và hơn 62% tổng vốn đầu tư cả nước.

Các địa phương dẫn đầu đã tận dụng tốt lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư, qua đó giữ chân và thu hút thêm các nhà đầu tư lớn.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, kết quả thu hút FDI cao kỷ lục trong sáu tháng đầu năm 2025 cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Dòng vốn này không chỉ giúp tạo thêm việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.

231.jpg
Việt Nam đang ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực logistics, bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, xe ô-tô điện, năng lượng tái tạo... Ảnh: KHIẾU MINH

Châu Á vẫn chiếm ưu thế, FDI xanh lên ngôi

Về đối tác, các nhà đầu tư đến từ châu Á vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Năm quốc gia dẫn đầu gồm Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia, chiếm gần 63% số dự án mới và khoảng 65% tổng vốn đăng ký. Đây đều là những "bạn hàng" truyền thống, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Việt Nam và đóng góp lớn vào các ngành công nghiệp chủ lực.

Ông Jeong Jihoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận định: "Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ những cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, vị trí địa lý thuận lợi. Chúng tôi coi Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài".

Ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bổ sung rằng xu hướng đầu tư hiện nay không chỉ tìm đến chi phí thấp mà còn ưu tiên tính bền vững. "Các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các dự án xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao. Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng để đón dòng FDI chất lượng cao", ông nói.

Theo Bộ Tài chính, để đón dòng vốn FDI bền vững, Việt Nam đã ban hành nhiều ưu đãi đặc biệt. Chẳng hạn, các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên có thể được hưởng thuế suất ưu đãi tối đa 5% trong thời gian tới 37 năm, miễn giảm thuế tối đa sáu năm và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo.

Đồng thời, Việt Nam tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính, thúc đẩy hợp tác công - tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có kinh nghiệm quản lý và vốn bền vững để phát triển hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.

Từ đại trà đến chọn lọc, nâng tầm chuỗi giá trị

Một điểm quan trọng khác là Việt Nam đang chuyển dần từ thu hút FDI đại trà sang chọn lọc, ưu tiên các dự án chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Các ngành được khuyến khích bao gồm công nghệ cao, bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, xe ô-tô điện, năng lượng tái tạo và logistics.

Chính phủ cũng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư qua đơn giản hóa thủ tục, nâng cấp hạ tầng, đào tạo nhân lực và minh bạch chính sách. Đồng thời, Việt Nam tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, đón làn sóng dịch chuyển từ các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn, Apple, Goertek…

Dù triển vọng sáng sủa, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, những rủi ro về địa chính trị và chính sách quốc tế vẫn hiện hữu. Chẳng hạn, các chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể khiến một số nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, đặc biệt với các dự án dài hạn. Bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp - xây dựng, Cục Thống kê, nhận định: "Chính sách thuế mới của Mỹ có thể khiến chi phí gia tăng, hợp đồng xuất nhập khẩu giảm, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như toàn cầu".

Bởi vậy, bà Nga cho rằng Việt Nam cần gia tăng tính cạnh tranh ở những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế về thuế quan hoặc đang được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. "Môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện, chính sách thu hút ngày càng hấp dẫn hơn cùng với nguồn nhân công dồi dào, thuận lợi trong chuỗi cung ứng, đây vẫn sẽ là những yếu tố giữ chân và thu hút thêm vốn FDI trong thời gian tới", bà nói.

Ở góc nhìn lạc quan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng cho rằng, FDI sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ các ưu đãi đặc biệt theo Nghị định 19/2025, hướng dẫn thủ tục cho các dự án chiến lược, đơn giản hóa thủ tục theo Luật Đầu tư sửa đổi, bãi bỏ yêu cầu thẩm định phòng cháy chữa cháy, môi trường, xây dựng trước khi cấp phép với một số dự án.

Đặc biệt, trong nỗ lực đổi mới và cải cách mạnh mẽ, theo ông Lạng, bốn nghị quyết quan trọng đã được ban hành, tập trung vào những lĩnh vực then chốt sẽ cởi trói cho thu hút FDI trong thời gian tới. Cụ thể, Nghị quyết 57-NQ/TW (năm 2024) của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59-NQ/TW (ngày 24/1/2025) về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66-NQ/TW (ngày 30/4/2025) về đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.

“Mỗi nghị quyết tập trung giải quyết một lĩnh vực trọng yếu, nhằm thông suốt, minh bạch hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nhận định, đây là cú huých cho thu hút FDI những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam không chỉ là điểm đến FDI hấp dẫn, mà còn trở thành trung tâm sản xuất, đổi mới sáng tạo của khu vực.

Xem thêm