Nhiều trường đại học đang có các giải pháp thu hút giảng viên giỏi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế. Ảnh: PHENIKAA
Nhiều trường đại học đang có các giải pháp thu hút giảng viên giỏi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế. Ảnh: PHENIKAA

Nâng tầm giảng viên đại học

Không dừng ở việc cải thiện cơ sở vật chất, các trường đại học đang có nhiều giải pháp thu hút giảng viên giỏi được đào tạo bài bản, tiên tiến từ nền giáo dục trong và ngoài nước. Đồng thời tạo điều kiện để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Để xây dựng và phát triển nền giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam, Nghị quyết (NQ) 57 của Bộ Chính trị đã xác định rõ mục tiêu, giai đoạn 2030 phải nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Thu hút nhà khoa học trẻ

Phong Nguyễn vừa nhận bằng thạc sĩ loại giỏi về Ngành Hệ thống điện và năng lượng tái tạo tại châu Âu. Thay vì tìm cơ hội làm việc tại nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng sạch, anh về đầu quân làm cán bộ giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Trải qua kỳ “sát hạch” tuyển dụng, Phong Nguyễn đạt yêu cầu tuyển dụng làm giảng viên nguồn tại Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội). Anh cho biết: Thế giới và Việt Nam đang tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng và ô nhiễm môi trường, đây là lĩnh vực tôi đã được học tại nước ngoài. Nhà nước ta lại đang khuyến khích các nhà khoa học trẻ về làm việc nên tôi muốn góp phần xây dựng đất nước mình thông qua việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên.

ĐH Bách khoa Hà Nội đã có “Đề án tạo nguồn giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023-2030”, trong đó nêu thực trạng, hằng năm, số lượng giảng viên tuyển được chỉ đạt 67% so kế hoạch. Ngày 25/3, trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á”. Vì vậy, cần xây dựng nguồn giảng viên có trình độ, năng lực đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành phục vụ lĩnh vực chiến lược của quốc gia.

Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trở thành quốc gia đang phát triển, có tốc độ đổi mới sáng tạo nhanh chóng. Việt Nam có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên số giảng viên trình độ cao, đặc biệt là được đào tạo bài bản từ nước ngoài vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, khoa học công nghệ được đặt làm quốc sách hàng đầu. Đi kèm với đó là sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các nhà quản lý về vai trò của đội ngũ tri thức và các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, khiến việc bổ sung đội ngũ giảng viên ĐH có năng lực thuận lợi hơn. GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa chia sẻ: “Trường hiện cũng có chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ về làm việc. 6 năm qua, chúng tôi đã thu hút được hơn 200 tiến sĩ từ nước ngoài về công tác. Điều đó cho thấy, với một chính sách đúng và một môi trường nghiên cứu thuận lợi thì các nhà khoa học trẻ thật sự phát huy được vai trò của mình”.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, tại các trường ĐH, bên cạnh các định hướng, chính sách mang tính vĩ mô của ban lãnh đạo nhà trường thì chất lượng đội ngũ giảng viên giữ yếu tố then chốt để thực hiện nhiệm vụ này. GS, TS Phạm Thành Huy cho biết: “Vai trò của người hướng dẫn, người thầy là hết sức quan trọng và người thầy phải là người tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp cận với những kiến thức mới nhất về công nghệ mới nhất của thế giới, từ đó truyền đạt lại cho người học. Làm được như vậy, tôi tin chắc rằng, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được nâng cao”.

GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá: Tôi cho rằng, 20 năm vừa qua là quá trình của sự nhận thức trong quản trị của tất cả các cấp trên đất nước chúng ta, kể cả cấp T.Ư đến các trường ĐH như chúng tôi. Riêng với Trường ĐH Công nghệ, thời gian vừa qua, chúng tôi đã xây dựng thành một trường tự chủ và có nhiều cơ chế khuyến khích các nhà khoa học đến làm việc. Họ có điều kiện để toàn tâm, toàn ý trong việc phát triển khoa học công nghệ cũng như giáo dục của mình và thoải mái sáng tạo trong quá trình công tác.

231.jpg
PGS, TS Nguyễn Minh Tân hướng dẫn sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội về hệ thống phân tách lọc nano cao áp. Ảnh: TTXVN

Thắp lửa cho sinh viên trong nghiên cứu khoa học

Việc thu hút đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao sẽ tạo thay đổi tích cực trong phương pháp dạy và học. Đối với đào tạo ĐH, giảng viên ngoài việc cung cấp kiến thức và kỹ năng là căn bản thì việc hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp người học tích lũy những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đặc biệt là được ứng dụng thực tiễn ngay trong quá trình học tập. Trong năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội có 1.600 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học với 510 đề tài, trong đó có 150 công bố khoa học được hình thành từ chính các đề tài này.

Tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025, thạc sĩ Phong Nguyễn đã hướng dẫn nhóm sinh viên K67 ngành Kỹ thuật Điện nghiên cứu khoa học và đạt giải Nhì cấp ĐH Bách khoa với đề tài “Hướng tới điện khí hóa nông thôn bền vững ở Việt Nam: Nghiên cứu tích hợp hệ thống lai điện mặt trời, pin tích trữ, máy phát sinh khối dựa trên phần mềm Homer pro”. Sinh viên Nguyễn Quang Hùng, K67 ngành Kỹ thuật Điện, Trường Điện - Điện tử tham gia nhóm nghiên cứu khoa học nói: “Thông qua các đề tài nghiên cứu và dự án thực tế tại lab, chúng em được rèn luyện khả năng tư duy phản biện, phân tích, thiết kế thử nghiệm và xử lý dữ liệu - những kỹ năng cốt lõi của một nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó chúng em có thêm cơ hội học bổng, thực tập và học cao hơn. Nếu có thành tích nghiên cứu tốt, chúng em sẽ được ưu tiên khi ứng tuyển học bổng sau ĐH, chương trình trao đổi hoặc tuyển dụng vào các viện/trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ”.

Còn sinh viên Phạm Thị Kim Hương cho biết: “Được tham gia nghiên cứu khoa học, chúng em được tiếp cận sớm môi trường làm việc chuyên nghiệp: Các phòng thí nghiệm hiện đại đóng vai trò như một “mô hình thu nhỏ” của doanh nghiệp hoặc viện nghiên cứu, giúp chúng em làm quen với cách thức tổ chức công việc, làm việc nhóm, báo cáo tiến độ và tuân thủ quy trình kỹ thuật”. Thạc sĩ Phong Nguyễn chia sẻ: “Việc trực tiếp nghiên cứu các vấn đề thực tiễn giúp sinh viên nhận ra các khoảng trống công nghệ, từ đó hình thành ý tưởng sáng tạo, phát triển sản phẩm, thậm chí khởi nghiệp với sự hỗ trợ của nhà trường. Từ đó khơi dậy đam mê sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp!”.

Tại Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) với đặc thù đào tạo các chuyên ngành mang tính ứng dụng cao, ngay từ những năm đầu, sinh viên sẽ được đăng ký tham gia vào các đề tài nghiên cứu của các giảng viên. Những buổi giới thiệu đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy cô nhà trường thu hút rất đông các bạn sinh viên tham gia. TS Nguyễn Văn Sơn, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin cho biết: “Việc tích hợp nghiên cứu vào chương trình đào tạo giúp nhà trường đào tạo ra những sinh viên có tư duy khoa học, phù hợp xu hướng giáo dục hiện đại của các đại học hàng đầu thế giới. Sinh viên tham gia hỗ trợ nghiên cứu giúp các nhóm giảng viên triển khai hiệu quả hơn các đề tài khoa học, đặc biệt là các đề tài ứng dụng đòi hỏi nhiều công sức thí nghiệm và xử lý dữ liệu”.

Mô hình này đã cho thấy những hiệu quả bước đầu khi số lượng công trình nghiên cứu do giảng viên và sinh viên đồng thực hiện tăng đáng kể. Đây cũng là hướng đi đúng đắn để các trường ĐH Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, đặc biệt, nhiều sinh viên sau khi tham gia nghiên cứu đã có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, giúp nâng cao năng lực thực tế của các em.

Theo thống kê, số lượng nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên đã tăng hơn 30% trong 3 năm qua. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chính sách phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo.

Xem thêm