Đề xuất cuối cùng
Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 1/7, Tổng thống Trump thông báo Israel đã đồng ý các điều kiện cần thiết cho một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày tại Gaza. Ông Trump thúc giục lực lượng Hamas nhanh chóng xem xét và đồng ý với thỏa thuận mà ông gọi là “đề xuất cuối cùng” này, sẽ được thực hiện với vai trò trung gian và giám sát của Qatar và Ai Cập.
Đề xuất của Mỹ bao gồm thỏa thuận ngừng bắn trong 60 ngày, trao trả một nửa số con tin Israel để đổi lấy các tù nhân Palestine và hài cốt những người Palestine thiệt mạng. Tổng thống Trump nêu rõ, trong thời gian 60 ngày ngừng bắn, Mỹ sẽ làm việc với tất cả các bên để tiến tới chấm dứt chiến tranh. Các đại diện Qatar và Ai Cập, hai quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải, sẽ chuyển "đề xuất cuối cùng" nêu trên cho phía Hamas.
Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng phong trào Hamas sẽ chấp nhận thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo rằng, sẽ không có đề xuất nào tốt hơn và tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. “Tôi hy vọng, vì lợi ích của Trung Đông, Hamas sẽ chấp nhận thỏa thuận này”, Tổng thống Trump viết.
Theo Tổng thống Trump, các đại diện phía Mỹ đã có cuộc họp kéo dài và có hiệu quả với các quan chức Israel về tình hình Gaza, tuy nhiên ông Trump không nêu tên cụ thể. Truyền thông Mỹ tiết lộ, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Trung Đông Steve Witkoff, Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio và Phó Tổng thống JD Vance được cho là đã có cuộc gặp với cố vấn cấp cao Ron Dermer của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Phát biểu ý kiến với phóng viên, Tổng thống Trump nhấn mạnh hy vọng Israel và lực lượng Hamas có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin vào tuần tới. Tổng thống Trump cho biết, sẽ sớm có cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà trắng, khẳng định sẽ nhấn mạnh với Thủ tướng Netanyahu về tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tại Gaza.
Israel đến nay duy trì lập trường chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza khi Hamas giải thể và giải giáp vũ khí. Phía Hamas kiên quyết từ chối hạ vũ khí, trong khi tuyên bố sẵn sàng trả tự do cho các con tin còn lại trong khuôn khổ một thỏa thuận hướng tới chấm dứt xung đột. Đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên từ bỏ lập trường của mình.
Tình hình nhân đạo tồi tệ
LHQ cảnh báo, các hoạt động quân sự gia tăng ở miền bắc Gaza, cùng lệnh di dời và tình trạng suy giảm các dịch vụ nhân đạo cơ bản đang tước đi phương tiện để sinh tồn của người dân. Trong thông báo ngày 1/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) dẫn nguồn tin từ các đối tác tại hiện trường cho hay, kể từ khi lệnh sơ tán mới nhất của Israel được ban hành đối với các khu vực miền bắc Gaza vào cuối tuần trước, ít nhất 1.500 gia đình đã phải di dời.
Trong khi đó, 5 tòa nhà trường học làm nơi trú ẩn cho các gia đình phải di dời ở miền bắc Gaza đã bị tấn công, khiến một số người chết và bị thương. Tại miền trung Gaza, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một khu lều trú ẩn cho người di dời trong bệnh viện Al-Aqsa ở Deir al-Balah cũng bị tấn công, khiến 5 người bị thương.
Kể từ khi bùng nổ vòng xung đột mới ở Gaza vào tháng 10/2023, WHO đã ghi nhận 734 vụ tấn công vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Gaza. Cơ quan y tế này nhắc lại lời kêu gọi bảo vệ dân thường và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Theo OCHA, tình trạng hạn chế đi lại là một thách thức lớn, ngăn cản các đối tác của cơ quan này cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ quan trọng. Cơ quan của LHQ cho biết, việc giảm hỗ trợ nhân đạo và các dịch vụ cơ bản là một dấu hiệu cảnh báo đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, bảo đảm mở tất cả các cửa khẩu và tạo điều kiện cho mọi hoạt động nhân đạo, nhất là việc cung cấp hàng cứu trợ thiết yếu.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng cảnh báo, cơ hội đẩy lùi nạn đói ở Gaza đang dần khép lại. WEP cho biết, đang nỗ lực thiết lập các điểm phân phối mới, sử dụng mọi tuyến đường an toàn để tiếp cận người dân.
Trên trang ReliefWeb, OCHA cho biết, 169 tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi hành động lập tức để chấm dứt chương trình phân phối hàng cứu trợ bị “quân sự hóa”. Tuyên bố nêu rõ: Người Palestine ở Gaza phải đối mặt “lựa chọn bất khả thi”, đó là chết đói hoặc có nguy cơ bị bắn trong khi cố gắng tiếp cận nguồn thực phẩm. Theo OCHA, trong chưa đầy 4 tuần qua, hơn 500 người Palestine đã thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương chỉ vì cố gắng tiếp cận hoặc phân phối thực phẩm.