Hiện trường vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AP
Hiện trường vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AP

Tấn công khủng bố tại Syria

Syria vừa trải qua vụ tấn công đẫm máu chưa từng có kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ cuối năm ngoái. Một kẻ đánh bom liều chết nổ súng vào đám đông rồi kích hoạt đai thuốc nổ bên trong một nhà thờ ở trung tâm Thủ đô Damascus, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và 63 người bị thương.

Vụ tấn công đẫm máu

Bộ Nội vụ Syria thông báo, tối 22/6 (giờ địa phương), một kẻ khủng bố xông vào nhà thờ Thánh Elias ở quận Dwelaa khi nơi đây đang chật kín tín đồ, gồm cả trẻ em và người cao tuổi. Đối tượng này rút súng bắn loạn xạ trước khi kích hoạt đai thuốc nổ. Theo Đài Quan sát nhân quyền Syria, đây là vụ đánh bom liều chết đầu tiên xảy ra bên trong một nhà thờ kể từ khi xung đột tại Syria bùng phát năm 2011. Nhóm cực đoan Saraya Ansar al-Sunna, có liên hệ tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), thừa nhận đã tấn công, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục gây ra các vụ tấn công tương tự tại Beirut, Lebanon.

Phát biểu ý kiến sau vụ tấn công đẫm máu, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa khẳng định: “Chúng tôi sẽ huy động mọi lực lượng an ninh để truy bắt những kẻ tham gia và lên kế hoạch cho tội ác này, đưa chúng ra trước công lý”. Ông cũng nhấn mạnh vụ tấn công là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 23/6, Bộ Nội vụ Syria thông báo đã bắt giữ một số nghi phạm liên quan vụ đánh bom liều chết nói trên. Lực lượng chức năng cũng phát hiện, thu giữ các thiết bị nổ và một chiếc xe máy có gài bom trong chiến dịch truy quét tại khu vực ngoại ô Damascus.

Kể từ khi chính quyền mới lên nắm quyền sau khi cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ hồi tháng 12/2024, vấn đề bảo đảm an ninh cho các nhóm thiểu số, nhất là người Cơ đốc giáo và Hồi giáo dòng Shi’ite, luôn là thách thức lớn. Bộ trưởng Nội vụ Syria Anas Khattab cho biết các đơn vị đặc nhiệm đã mở cuộc điều tra toàn diện. Ông khẳng định các hành vi khủng bố này sẽ không thể ngăn cản nỗ lực của chính quyền Syria trong việc tái lập hòa bình. Trước đó, Bộ trưởng Khattab từng cảnh báo rằng IS đã chuyển sang tấn công có chủ đích vào các mục tiêu chiến lược, trong đó có cộng đồng Cơ đốc giáo và Hồi giáo dòng Shi’ite.

LHQ cam kết đồng hành cùng Syria

LHQ, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và nhiều quốc gia khác ngay lập tức lên án vụ tấn công. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân và hy vọng những người bị thương sớm bình phục. Ông tái khẳng định cam kết của LHQ trong việc đồng hành cùng người dân Syria trên con đường tìm kiếm hòa bình, phẩm giá và công lý. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, ghi nhận nỗ lực của chính quyền lâm thời Syria kịp thời điều tra và quy trách nhiệm cho IS.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ không để các phần tử cực đoan đẩy Syria trở lại vòng xoáy hỗn loạn và bất ổn. Ông cam kết Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Liên minh châu Âu (EU) coi đây là “một hành động tàn bạo và hèn nhát”, đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ chính quyền chuyển tiếp Syria trong việc bảo đảm an ninh cho toàn thể người dân nước này. Người phát ngôn chính sách đối ngoại EU, ông Anouar El Anouni nhấn mạnh vụ đánh bom liều chết là lời cảnh tỉnh nghiêm trọng về sự cần thiết phải tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và bảo đảm tiêu diệt triệt để IS cũng như các tổ chức cực đoan khác. Mỹ cam kết sát cánh cùng Syria trong cuộc chiến chống lại các thế lực gây bất ổn. Pháp nhấn mạnh cần có một tiến trình chuyển tiếp hòa bình, nơi mọi người dân Syria, không phân biệt tôn giáo, đều được sống trong an toàn.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng từ các vụ tấn công nhắm vào nơi thờ tự và dân thường, nhấn mạnh mối đe dọa kéo dài từ các nhóm khủng bố. Ông bày tỏ hy vọng chính quyền mới ở Syria sẽ đủ năng lực để đối phó các nguy cơ này và khẳng định sự ủng hộ của AL đối với một tiến trình chuyển tiếp hòa bình. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bày tỏ sự phẫn nộ và tức giận trước vụ tấn công, kêu gọi chính quyền Syria thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo vệ các nhóm thiểu số. Ai Cập cũng lên án vụ việc, gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và khẳng định lập trường kiên quyết chống lại mọi hình thức khủng bố. Học viện Hồi giáo hàng đầu của Ai Cập Al-Azhar gọi vụ việc là “hành động tấn công trắng trợn vào quyền được sống và quyền tự do tín ngưỡng”.

Xem thêm