Biếm họa: EMAD HAJJAJ
Biếm họa: EMAD HAJJAJ

Kịch bản đáng lo ngại

Quốc hội Iran vừa thông qua dự luật đình chỉ hợp tác giữa nước này với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, đồng thời công bố việc thành lập một nhóm công tác đặc biệt để theo đuổi các vụ kiện liên quan cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel tại các diễn đàn quốc tế.

Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về những hậu quả khó lường nếu Iran thậm chí rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Theo AP, dự luật do Quốc hội Iran thông qua cần được Hội đồng An ninh quốc gia tối cao nước này phê duyệt trước khi có hiệu lực. Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf tuyên bố: Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) sẽ đình chỉ hợp tác với IAEA cho đến khi an ninh của các cơ sở hạt nhân của Iran được bảo đảm. Ông Ghalibaf cũng cho rằng IAEA đã phớt lờ chiến dịch không kích do Israel tiến hành nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Trong “cuộc chiến 12 ngày” vừa qua, Mỹ và Israel triển khai loạt tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran. Mỹ còn sử dụng tên lửa hành trình và bom phá boong-ke hạng nặng tấn công ba cơ sở hạt nhân trọng yếu ở Tehran là Fordow, Natanz và Isfahan, khiến các cơ sở này bị thiệt hại nặng nề. Sau khi Iran và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio cho rằng, Tehran đã bị thụt lùi khá xa trong mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân do những thành phần quan trọng đã bị hư hại nghiêm trọng.

Phản ứng trước động thái dừng hợp tác của Iran, Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi khẳng định việc Tehran hợp tác với cơ quan này là “nghĩa vụ pháp lý”. Phát biểu ý kiến trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2 của Pháp, ông Grossi nêu rõ: “Việc Iran hợp tác với IAEA không phải là ân huệ mà là nghĩa vụ pháp lý chừng nào Iran còn là một bên tham gia NPT”.

Trước quyết định đình chỉ hợp tác với IAEA, nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại. Phó Đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Roman Ustinov nhấn mạnh: “Đây chắc chắn là một bước đi gây lo ngại, đặc biệt là đối với chúng tôi với tư cách là quốc gia tham gia NPT”. Tuy nhiên, ông Ustinov cho rằng, quyết định của Iran bắt nguồn từ các cuộc tấn công của Israel và Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran, dưới sự bảo vệ của IAEA.

Trong khi đó, AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran “thật sự hiệu quả”, nhưng kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra nếu Tehran rút khỏi NPT. Phát biểu ý kiến với báo giới sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), ông Macron khẳng định Pháp đang thúc đẩy nỗ lực duy trì NPT với mục tiêu là Iran sẽ không tiếp tục chương trình hạt nhân.

Hiện mức độ thiệt hại tại các cơ sở hạt nhân của Iran vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi sau các cuộc không kích của Mỹ và Israel. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, Iran có thể đã di chuyển urani được làm giàu trước khi bị Mỹ không kích. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác được các chuyên gia nêu ra là liệu Iran, trong lúc chuẩn bị thực hiện các cuộc không kích Israel, có di dời được khoảng 400 kg urani đã làm giàu hay không? Một số nguồn tin cho rằng số vật liệu này có thể đã được cất giấu ở nơi khác tại Iran.

CNN đưa tin, căng thẳng giữa Iran và Israel cũng như những tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran vẫn chưa chấm dứt. Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar cho rằng, thế giới cần ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân và rằng Israel đã hành động để ngăn mối đe dọa này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó cũng tuyên bố “hồ sơ hạt nhân của Iran đã bị ngăn chặn” sau chiến dịch không kích của Tel Aviv. Tại Thủ đô Washington D.C, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá các cuộc không kích đã kéo lùi "hàng thập kỷ" chương trình hạt nhân của Iran và Mỹ sẵn sàng không kích lần nữa nếu Tehran tiếp tục làm giàu urani ở cấp độ vũ khí.

Phản ứng trước những thông tin trên, Iran tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời lên án các cuộc tấn công của Mỹ và Israel, cũng như từ chối đề nghị thanh tra của IAEA. Iran cho rằng việc thanh tra của IAEA có thể mang ý đồ khác chứ không phải làm rõ rằng Tehran không theo đuổi chế tạo bom nguyên tử.

Giới phân tích nhận định rằng, việc đình chỉ hợp tác với IAEA có thể là phản ứng tạm thời của Iran nhằm thể hiện ý chí bảo vệ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, kịch bản đáng lo ngại sẽ xảy ra nếu Mỹ và Israel tiếp tục gây sức ép lên Iran, buộc quốc gia Hồi giáo tiến tới quyết định rút khỏi NPT. Khi đó, một cuộc xung đột lan rộng khắp khu vực Trung Đông là khó tránh khỏi.

Xem thêm