Các nhà lãnh đạo BRICS và đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro. Ảnh: CNN
Các nhà lãnh đạo BRICS và đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro. Ảnh: CNN

Mục tiêu cải cách cấp thiết

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa diễn ra tại Brazil, Tổng Thư ký LHQ và các nhà lãnh đạo BRICS nhắc lại yêu cầu cấp thiết về cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu, trong đó các cơ quan, tổ chức quốc tế được thiết kế cho “một thời đã qua”, không còn phù hợp bối cảnh hiện đại.

Một mục tiêu ưu tiên cải cách là bảo đảm tiếng nói, vị thế lớn hơn cho các nước đang phát triển.

Mục tiêu cải cách hệ thống quản trị toàn cầu công bằng, toàn diện hơn đã được nêu ngay trong chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 vừa kết thúc tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, đó là “Tăng cường hợp tác phương Nam vì quản trị bao trùm và bền vững hơn”. Hội nghị ghi dấu mốc quan trọng không chỉ trong việc củng cố và mở rộng vai trò của BRICS, mà còn thúc đẩy hợp tác giữa các nước phương Nam, đề cao tiếng nói của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ: Một số cơ quan LHQ như Hội đồng Bảo an và hệ thống tài chính quốc tế được thiết kế cho một thời đã qua, một hệ thống quyền lực cũ. Vì thế việc cải cách các thể chế toàn cầu như vậy là yêu cầu cấp thiết. Ông Guterres nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên là “tiếng nói lớn hơn” cho các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu; tái cấu trúc nợ hiệu quả và tăng mạnh các khoản cho vay từ các ngân hàng đa phương.

Thông điệp mạnh mẽ về cải cách, đoàn kết, hợp tác quốc tế và trách nhiệm toàn cầu đã được các nhà lãnh đạo BRICS nêu bật tại Hội nghị ở Rio de Janeiro. Đề cập mục tiêu cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu, đặc biệt là Hội đồng Bảo an LHQ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cấu trúc hiện tại không còn phù hợp tương quan quyền lực của thế giới trong thế kỷ 21. Qua đó, BRICS khẳng định tính cấp bách của việc cải cách.

Tổng thống Brazil Lula da Silva cho rằng, các cơ chế toàn cầu nêu trên tạo ra “Kế hoạch Marshall ngược”, nghĩa là các nền kinh tế mới nổi trên thực tế đang “tài trợ” cho các nước phát triển. Tổng thống Brazil chỉ rõ “bất công” tại IMF, khi quyền biểu quyết của các nước BRICS chỉ là 18%, mà đáng lẽ phải đạt mức tối thiểu 25%. Hay, các nước đang phát triển cũng chịu nhiều bất lợi do tình trạng “tê liệt” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.

Nhấn mạnh yêu cầu cải cách cấp thiết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định không thể chấp nhận việc các thể chế toàn cầu không hề thay đổi sau 80 năm. Ví rằng “chiếc máy bay của thế kỷ 20 không thể chạy phần mềm thế kỷ 21”, ông Modi nêu rõ, hai phần ba nhân loại chưa có vị thế đại diện đầy đủ trong các thể chế quốc tế ra đời từ thế kỷ 20. Theo Thủ tướng Ấn Độ, thế giới hiện nay cần trật tự quốc tế mới, đa cực và toàn diện, vì thế đòi hỏi các bước cải cách nhanh chóng, hiệu quả. Ông chỉ rõ, các nước phương Nam có đóng góp lớn cho kinh tế toàn cầu, nhưng chưa được trao vị trí tương xứng trên bàn ra quyết định. Đây không chỉ là tính đại diện, mà còn là uy tín và hiệu quả.

BRICS ước tính, khối này hiện chiếm gần một nửa dân số thế giới, khoảng một phần ba diện tích toàn cầu và một phần tư tổng giá trị thương mại quốc tế. Vị thế chiến lược của BRICS trong hệ thống quốc tế và những nỗ lực và tiến trình hợp tác toàn cầu hiện nay được khẳng định mạnh mẽ, khi khối này chiếm tới một nửa số thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các thành viên BRICS liên tiếp đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch G20, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP), chủ trì các nỗ lực đàm phán về môi trường, đa dạng sinh học và có vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng thế giới.

Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 đã nêu bật vai trò ngày càng quan trọng của các nước phương Nam, đồng thời khẳng định đồng thuận của BRICS về yêu cầu cấp thiết cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu, làm sống lại chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh mục tiêu của BRICS thúc đẩy hợp tác phương Nam về thương mại, tài chính và ứng phó biến đổi khí hậu, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hướng trọng tâm hợp tác tới củng cố động lực tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển và các lĩnh vực mới nổi.

Trong phát biểu, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh: Vào thời điểm chủ nghĩa đa phương suy yếu do xu hướng đơn phương, bảo hộ, thế giới càng cần lưu ý rằng “hợp tác là sáng kiến vĩ đại nhất của nhân loại”. Cải cách và hiện đại hóa chủ nghĩa đa phương cần được đẩy nhanh để hệ thống LHQ và các thể chế tài chính, tiền tệ quốc tế trở nên phù hợp, hiệu quả với tất cả mọi người và ở mọi nơi.

Xem thêm