Biếm họa: THIAGO LUCAS
Biếm họa: THIAGO LUCAS

Đồng thuận mới về vấn đề di cư

Tại hội nghị về di cư giữa các Bộ trưởng Nội vụ của Đức và các nước láng giềng gồm Pháp, Ba Lan, Đan Mạch, CH Czech và Áo diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt khẳng định rằng, hội nghị đã đạt được sự đồng thuận và quyết tâm chung trong nỗ lực giảm thiểu nhập cư trái phép.

Theo Reuters, tại hội nghị, các bộ trưởng đã nhất trí xây dựng một lộ trình chính sách nhập cư và tị nạn cứng rắn hơn, tập trung vào việc liên tục trục xuất những người nhập cư trái phép, kể cả sang các quốc gia như Syria và Afghanistan. Các bộ trưởng cũng cam kết bảo vệ tốt hơn biên giới ngoài Liên minh châu Âu (EU) và tăng cường tiếp nhận những người xin tị nạn bị các quốc gia ngoài EU từ chối.

Một trong những điểm chính của tuyên bố chung là cần nâng cao hiệu quả trong vấn đề hồi hương người tị nạn, coi đây là điều kiện tối thiểu để xây dựng niềm tin vào một chính sách nhập cư cân bằng tại châu Âu. Các quốc gia cũng muốn thắt chặt “Sắc lệnh hồi hương”, trong đó đề cập đến việc người tị nạn bị yêu cầu rời khỏi đất nước có thể được bố trí tại các trung tâm bên ngoài EU.

Trong khi đó, Ủy viên Chính phủ Liên bang Đức phụ trách vấn đề người tị nạn, bà Natalie Pawlik, đã chỉ trích chính sách di cư của Bộ trưởng Dobrindt. Bà nhấn mạnh rằng, mục tiêu của nước này là kiểm soát và ổn định chứ không phải thúc đẩy hạn chế nhập cư. Theo bà, điều quan trọng là hiện đại hóa và tăng cường hội nhập chính sách di cư của Đức.

Về phần mình, Bộ trưởng Dobrindt nhấn mạnh rằng, trong những tháng tới, EU cần đẩy nhanh thủ tục xử lý hồ sơ tị nạn và thắt chặt chính sách đối với nhập cư bất hợp pháp để tránh gây quá tải cho xã hội. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bruno Retailleau nhấn mạnh rằng, việc hạn chế di cư trái phép phải bắt đầu từ các biện pháp kiểm soát tại biên giới ngoài EU, và điều này phụ thuộc vào tất cả các quốc gia thành viên.

Tại hội nghị, không nước nào công khai chỉ trích cách tiếp cận đơn phương của Đức trong việc kiểm soát biên giới. Chỉ có Ủy viên Di cư của EU, ông Magnus Brunner, thể hiện mong muốn có một cách tiếp cận phối hợp tốt hơn và các thỏa thuận chặt chẽ hơn giữa các đối tác châu Âu trong giai đoạn này của chính sách di cư. Ông nhấn mạnh rằng, một nền tảng quan trọng là khuôn khổ tài chính mới của EU, đề xuất nâng gấp ba lần ngân sách hiện nay dành cho an ninh, bảo vệ biên giới và di cư.

Chính sách kiểm soát biên giới của Đức dù không bị phản đối trực tiếp tại hội nghị, song giữa nước này và Ba Lan vẫn còn tồn tại bất đồng. Ngày 7/7 vừa qua, Ba Lan đã bắt đầu thực hiện các biện pháp kiểm soát mới tại biên giới với Đức và Litva, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang phải đối mặt làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ đối với người di cư bất hợp pháp. Trên thực tế, hàng trăm người di cư, phần lớn đến từ Trung Đông, đã đi qua Belarus để vào các quốc gia vùng Baltic, sau đó tiếp tục di chuyển qua Ba Lan để đến các nước thuộc EU. Chính phủ tự do của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bị các đảng đối lập theo chủ nghĩa dân tộc cáo buộc đã tiếp nhận nhiều người di cư trái phép bị gửi trả từ Đức.

Trước đó, Chính phủ Đức đã gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời thêm sáu tháng, từ tháng 2/2025, sau khi siết chặt kiểm soát biên giới với Ba Lan từ năm 2023. Chính sách này của Berlin như một phần của lập trường cứng rắn hơn về vấn đề di cư và tội phạm xuyên biên giới sau khi dòng người đổ về tăng đột biến. Các biện pháp kiểm soát chủ yếu nhằm vào những người xin tị nạn đã đến các nước láng giềng trong EU, trong đó có Ba Lan, để sau đó vào Đức.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, Ba Lan rất coi trọng quyền tự do đi lại trong khối EU nhưng cũng cần tăng cường kiểm soát đường biên giới bên ngoài của khối, thay vì siết chặt tại các biên giới nội bộ như cách làm của Đức. Ba Lan tuyên bố sẽ chỉ dỡ bỏ biện pháp kiểm soát biên giới nếu Đức làm điều tương tự. Giới phân tích cho rằng, sự bất đồng nội bộ này đang cản trở nỗ lực chung của EU trong việc đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề người tị nạn, di cư.

Trong bối cảnh làn sóng người di cư vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, hội nghị về di cư giữa các Bộ trưởng Nội vụ EU là cơ hội để thông qua các quy tắc mới nhằm giảm dòng người di cư bất hợp pháp và tăng cường hoạt động trục xuất những người nhập cư không đủ giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn giữa các thành viên EU, trong đó có Đức và Ba Lan, không được hóa giải, đó sẽ là rào cản đối với các quyết sách chung về vấn đề nhập cư của EU.