Biếm họa: EMAD HAJJAJ
Biếm họa: EMAD HAJJAJ

Thay đổi bước ngoặt

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có động thái thay đổi mang tính bước ngoặt, khi quyết định nối lại việc cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời tuyên bố áp thuế nhập khẩu 100% đối với hàng hóa từ Nga nếu trong vòng 50 ngày Moscow không đạt thỏa thuận giải quyết xung đột tại Ukraine.

Bác bỏ “tối hậu thư” của Tổng thống Mỹ và sức ép trừng phạt, Nga tiếp tục khẳng định sẵn sàng đàm phán.

Trong thông báo ngày 14/7, Tổng thống Trump cho biết, nếu Nga không đạt thỏa thuận giải quyết xung đột Ukraine trong 50 ngày tới, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu “rất nặng” đối với Nga, đồng thời áp dụng các biện pháp tài chính với các đối tác thương mại của Nga. Phát biểu ý kiến tại Nhà trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế quan thứ cấp, nếu không đạt được thỏa thuận về Ukraine trong vòng 50 ngày, mức thuế sẽ được nâng lên 100%. Ông Trump cũng nhấn mạnh, Washington sẵn sàng hành động quyết liệt hơn nếu tiến trình chấm dứt xung đột tại Ukraine không có tiến triển rõ rệt trong thời gian nêu trên.

Lời đe dọa áp thuế được đưa ra sau khi Tổng thống Trump quyết định tiếp tục gửi vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine. Trong thông báo, ông Trump cho biết, gói viện trợ quân sự cho Ukraine lần này do các nước châu Âu chi trả và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm nhiệm vai trò điều phối. Ông Trump tiết lộ, lô vũ khí này sẽ bao gồm tên lửa phòng không mà Ukraine đang rất cần để phòng thủ. Tuy nhiên, Mỹ không có kế hoạch cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Theo truyền thông Mỹ, lô vũ khí gửi tới Ukraine bao gồm tên lửa và đạn dược, phần lớn đã được lưu trữ trong các kho hoặc vừa mới sản xuất. Trọng tâm của gói viện trợ này là một số lượng lớn các hệ thống phòng không Patriot tối tân. Mỹ sẽ bán khoảng 10 tỷ USD vũ khí cho các nước đồng minh NATO trong đợt đầu tiên. Các loại khí tài sau đó sẽ được chuyển đến Ukraine, gồm tên lửa, vũ khí phòng không và đạn pháo. Cùng với viện trợ quân sự, Mỹ cũng cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Chính phủ Ukraine để duy trì hoạt động và tái thiết.

Gói viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine được Mỹ công bố đánh dấu bước ngoặt thay đổi trong chính sách của Mỹ, được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Lầu năm góc thông báo tạm dừng các đợt chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Động thái này cũng cho thấy mục tiêu trong việc gia tăng áp lực lên Nga trong bối cảnh tiến trình đối thoại về giải quyết xung đột ở Ukraine chưa đạt được tiến triển rõ rệt.

Cảnh báo của Mỹ áp đặt “thuế thứ cấp” đối với Nga nếu được thực hiện cũng sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách trừng phạt của phương Tây. Nga có thể phải đối mặt các gói trừng phạt kinh tế chưa từng có, nhắm vào các lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế Nga như năng lượng, tài chính và các cá nhân, tổ chức liên quan Chính phủ Nga. Mức thuế thứ cấp 100% nhắm tới các đối tác lớn mua dầu của Nga, có thể là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ có tác động lớn tới thị trường năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ “tối hậu thư” của Mỹ về đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Ukraine trong 50 ngày. Trong phát biểu, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky nhắc lại rằng, Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng chấm dứt xung đột và mọi đề xuất của Nga vẫn đang để ngỏ trên bàn đàm phán.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “tối hậu thư mang tính kịch” và Nga không quan tâm điều này. Ông Medvedev viết trên mạng xã hội X: “Tổng thống Trump đã đưa ra một tối hậu thư đầy kịch tính cho Điện Kremlin. Cả thế giới nín thở chờ đợi hệ quả. Châu Âu thì thất vọng, còn Nga thì chẳng hề bận tâm”.

Hiện Nga chưa đưa ra bình luận chính thức về việc Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine. Nhưng, lâu nay Nga luôn coi việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine là hành động leo thang căng thẳng và trực tiếp kéo dài xung đột. Phản ứng từ Nga cho thấy lập trường kiên định, không dễ bị lay chuyển bởi các biện pháp trừng phạt hay “tối hậu thư” của Mỹ. Nga tiếp tục nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán, đồng thời bác bỏ mọi áp lực từ bên ngoài.

Trong khi đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, nhấn mạnh rằng cuộc chiến thuế quan và hành động gây sức ép không giúp giải quyết vấn đề. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến nêu rõ, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ không góp phần giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Trung Quốc tin rằng, đối thoại và đàm phán là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng và hy vọng các bên nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bằng con đường chính trị và đàm phán.

Xem thêm