Minh họa: INUTEHACK
Minh họa: INUTEHACK

Nhà máy nhân tài AI

“Nhà máy nhân tài trí tuệ nhân tạo” là một sáng kiến tham vọng của Indonesia nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái AI quốc gia. Đây là một bước đi chiến lược của “đất nước vạn đảo” để hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc kỹ thuật số trong khu vực.

Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Indonesia (Komdigi) vừa công bố kế hoạch triển khai “Nhà máy nhân tài trí tuệ nhân tạo” (AI Talent Factory), một sáng kiến tham vọng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao và đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái AI quốc gia.

Thứ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Nezar Patria nhấn mạnh, sáng kiến này là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự quốc gia dưới thời Tổng thống Prabowo Subianto. Sáng kiến phù hợp tầm nhìn “Asta Cita” (8 Nguyện vọng) của chính phủ mới, trong đó đặc biệt chú trọng việc củng cố hạ tầng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa Indonesia tiến vào kỷ nguyên số.

Sáng kiến AI Talent Factory được đưa ra trong bối cảnh Indonesia đang đối mặt một thách thức lớn về nhân lực chất lượng cao. “Đất nước vạn đảo” hiện có khoảng 9,3 triệu lao động trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhưng con số này còn cách xa nhu cầu dự kiến là 12 triệu người vào năm 2030. Để giải quyết bài toán này, AI Talent Factory được thiết kế như một trung tâm phát triển nhân tài toàn diện, kết hợp giữa nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng công nghiệp.

Thứ trưởng Nezar Patria nêu rõ, Indonesia kỳ vọng AI Talent Factory sẽ trở thành một diễn đàn kết nối nhân tài với các ngành công nghiệp, đồng thời giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua việc áp dụng AI. Các học viên của chương trình được tham gia trực tiếp vào các dự án chiến lược quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như y tế thông minh, công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính và nông nghiệp công nghệ cao.

AI Talent Factory được kỳ vọng sẽ tiếp nối và bổ sung cho các sáng kiến thành công trước đó như “Học bổng tài năng kỹ thuật số” (Digital Talent Scholarship) và “Học viện lãnh đạo kỹ thuật số” (Digital Leadership Academy) đã được triển khai trong 5 năm qua. Bên cạnh việc đào tạo con người, Chính phủ Indonesia cũng đang khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho AI phát triển. Theo Thứ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số, Komdigi đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện “Lộ trình phát triển AI quốc gia” về việc quản lý, phát triển và ứng dụng công nghệ AI trên diện rộng.

Trong bối cảnh lĩnh vực AI và không gian mạng phát triển nhanh chóng nhưng phức tạp, Indonesia đang xúc tiến thành lập Lực lượng đặc nhiệm AI và Không gian mạng quốc gia. Bộ Điều phối pháp lý, nhân quyền, nhập cư và cải huấn Indonesia cho biết, việc thành lập lực lượng trên nhằm tăng cường các quy định và quản trị liên quan AI và an ninh mạng một cách công bằng và bình đẳng. Bộ này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp liên ngành, đồng thời cho rằng việc thành lập lực lượng đặc nhiệm về AI và không gian mạng quốc gia sẽ bảo đảm sự phát triển của công nghệ thông tin và AI phù hợp các nguyên tắc về công lý, an ninh và nhân quyền của Indonesia.

Thứ trưởng Điều phối chính trị và an ninh Lodewijk Freidrich Paulus nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số toàn diện, bao gồm phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, AI và internet vạn vật (IoT) để thúc đẩy đổi mới và khả năng phục hồi số. Việc thành lập lực lượng đặc nhiệm là động thái chiến lược để đối phó những thách thức và tối đa hóa các cơ hội trong công nghệ số.

Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) cũng thúc đẩy hợp tác với Malaysia nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự hợp tác hướng tới mục tiêu cùng xây dựng một Cộng đồng ASEAN kiên cường, sáng tạo, năng động và lấy con người làm trung tâm vào năm 2045, phù hợp Tầm nhìn ASEAN 2045. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính phủ của BRIN, ông Mardyanto Wahyu Tryatmoko cho biết, Indonesia và Malaysia chia sẻ mục tiêu chung trong việc thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ thông qua hợp tác và chia sẻ thông tin, nhằm hiện thực hóa năng lực tự cường ở cấp quốc gia và khu vực.

Theo ông Tryatmoko, để duy trì khả năng cạnh tranh, cả hai quốc gia cần tận dụng các tiến bộ công nghệ, khai thác tiềm năng của nền kinh tế sáng tạo, đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới và hội nhập kinh tế bền vững. BRIN ghi nhận sự tương đồng giữa Tầm nhìn ASEAN 2045 và Tầm nhìn Vàng Indonesia 2045 - mục tiêu phát triển quốc gia nhân kỷ niệm 100 năm độc lập. Theo đó, Indonesia đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 với thu nhập bình quân đầu người từ 23.000 - 30.000 USD, tỷ lệ nghèo đói giảm xuống dưới 1% và Chỉ số nguồn nhân lực đạt 0,73. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Indonesia cần xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới mạnh mẽ, đòi hỏi sự hợp tác giữa các học giả, nhà nghiên cứu và giới công nghệ.