Nếu chính phủ các nước không có giải pháp tổng thể thì tình trạng Trái đất ấm lên sẽ còn tiếp diễn.
Theo AP, với tình trạng nắng nóng cực đoan ở châu Âu, Cơ quan khí tượng MeteoSwiss của Thụy Sĩ mới đây thông báo tháng 6 vừa qua là một trong những tháng nóng nhất lịch sử nước này. Mặc dù là quốc gia có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, song nhiệt độ trung bình ban ngày được ghi nhận ở mức từ 32-35oC tại nhiều khu vực tại Thụy Sĩ. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã phải ban bố cảnh báo về tình trạng nắng nóng, trong khi ở vùng Ticino là cảnh báo cấp cao nhất.
Nắng nóng gay gắt cũng đang ảnh hưởng lớn tới đời sống tại Italy. Cuối tuần qua, nhiệt độ đã lên đến đỉnh điểm là 40-41°C, buộc Bộ Y tế Italy phải đưa ra cảnh báo đỏ đối với 20 thành phố, trong đó có Thủ đô Rome và thành phố Milan, báo hiệu tình trạng nắng nóng kỷ lục gây nguy hại tới sức khỏe, ngay cả đối với những người khỏe mạnh. Mức nhiệt này cao hơn nhiều so mức 30oC bình thường theo mùa. Các nhà khí tượng học cho biết, Italy sẽ phải đối mặt nhiều đợt nắng nóng hơn do BĐKH.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) gọi nắng nóng là “nguy cơ khí hậu lớn nhất đối với sức khỏe con người”. Ước tính, có đến 95% số ca tử vong liên quan đến thời tiết cực đoan là do nhiệt độ cao gây ra.
Còn tại châu Á, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho hay, nước này vừa trải qua tháng 6 với mức nhiệt trung bình cao nhất từ trước đến nay, sau khi ghi nhận các đợt nắng nóng kỷ lục. Cụ thể, nhiệt độ trung bình tháng 6 ở Hàn Quốc là 22,9oC, cao hơn 0,2oC so cùng kỳ năm ngoái và là tháng 6 nóng nhất tại nước này kể từ năm 1973, khi Hàn Quốc bắt đầu chú trọng hơn đến việc thu thập dữ liệu thời tiết.
Theo Xinhua, Đài quan sát Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về tình trạng nắng nóng diện rộng và mưa bão tại nhiều khu vực trên cả nước. Cụ thể, một đợt nắng nóng nghiêm trọng đang bao phủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, trong khi mưa lớn và giông bão dự báo có thể xảy ra tại các tỉnh phía tây và miền bắc. Theo NMC, trong tuần tới, nhiều vùng rộng lớn dọc theo sông Dương Tử có thể chứng kiến mức nhiệt lên tới 37-39oC, đặc biệt một số khu vực của các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc và Hà Nam có khả năng vượt ngưỡng 40oC.
Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nhà chức trách tại nhiều địa phương đã ban hành cảnh báo nắng nóng, khuyến cáo người lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ say nắng, đặc biệt khi nhiệt độ cao đi kèm với độ ẩm lớn. Các chuyên gia khí tượng Trung Quốc cho rằng, nhiệt độ cực đoan hiện nay là hệ quả của BĐKH toàn cầu và đang gây ra những thách thức nghiêm trọng như làm giảm năng suất nông nghiệp khiến thu nhập của nông dân suy giảm, gây gián đoạn hoạt động tại các trung tâm sản xuất và cảng biển trọng yếu, hay gia tăng áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo mới đây ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WMO, bà Clare Nullis lưu ý tháng 7 vốn là tháng nóng nhất trong năm tại bắc bán cầu, nhưng nắng nóng cực đoan xảy ra sớm như mùa hè năm nay là điều đặc biệt, dù không phải là chưa từng có. Nắng nóng gay gắt thường được cho là “kẻ giết người thầm lặng", với số người tử vong thường bị ghi nhận thấp hơn trong các số liệu thống kê chính thức.
Do BĐKH, nắng nóng cực đoan được dự báo xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn. Theo đó, bà Nullis nhấn mạnh, thế giới cần phải học cách “sống chung” với nắng nóng kéo dài. WMO khẳng định, cảnh báo sớm và các kế hoạch hành động phối hợp có vai trò quan trọng để bảo vệ an toàn công cộng.
Trong bức tranh đầy thách thức ấy, nắng nóng không còn là hiện tượng thời tiết bất thường mà đang trở thành chỉ dấu đáng báo động về tương lai mà cả thế giới phải đối mặt. Giới chuyên gia cho rằng, để tránh những kỷ lục không mong muốn về nắng nóng, kiến thức, sự chuẩn bị và hành động sớm sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc chiến đảo ngược tác động của BĐKH ở các quốc gia.