Biếm họa: VLADIMIR KAZANEVSKY
Biếm họa: VLADIMIR KAZANEVSKY

Chặng đường gian nan

Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển (FfD4) ở Tây Ban Nha đã ra Tuyên bố Seville kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho phát triển, trong bối cảnh nhiều nước đang phải đối mặt gánh nặng nợ nần và các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, việc các quốc gia giàu có cắt giảm ngân sách viện trợ là những trở ngại lớn trên con đường xây dựng thế giới bình đẳng và thịnh vượng.

Diễn ra từ ngày 30/6 đến 3/7, Hội nghị FfD4 tại Seville quy tụ hàng chục nguyên thủ quốc gia và hơn 4.000 đại diện từ giới doanh nghiệp và các định chế tài chính. Hội nghị nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển và định hình lại các khuôn khổ quản trị tài chính cho phát triển ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị được tổ chức 10 năm/lần này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo ra những động lực mới, những giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn viện trợ quốc tế. Ông Guterres cho biết, hiện có tới hai phần ba trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ đến năm 2030 đang bị trì trệ, trong khi thế giới cần tới hơn 4.000 tỷ USD đầu tư mỗi năm để đạt được các mục tiêu này. Tổng Thư ký LHQ cho rằng, thế giới đang chao đảo trước tình trạng bất bình đẳng gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và các cuộc xung đột leo thang, do đó các nước cần thay đổi chiến lược và tăng tốc đầu tư cho phát triển.

Hội nghị FfD4 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến tình trạng xung đột vũ trang cao nhất kể từ năm 1946. Trong khi đó, các quốc gia giàu có vốn là nguồn viện trợ lớn, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, đã cắt giảm ngân sách viện trợ và tăng chi tiêu quốc phòng. Chi tiêu quân sự đạt mức cao kỷ lục là 2.700 tỷ USD vào năm 2024. Trái ngược với đó, các khoản cắt giảm viện trợ phát triển là lớn nhất kể từ năm 1960. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính số người cực kỳ nghèo với mức sống dưới 3 USD/ngày ở các quốc gia đang phải chịu xung đột và bất ổn sẽ lên tới 435 triệu người vào năm 2030. Theo số liệu của LHQ, tổng nợ nước ngoài của các nước kém phát triển nhất đã tăng gấp hơn 3 lần trong 15 năm.

Do vậy, một trong số các vấn đề thảo luận chính tại Hội nghị FfD4 là cải cách tài chính quốc tế để giúp các nước đang phát triển và các nước có thu nhập thấp thoát khỏi gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, Mỹ - nước đóng góp chính - không tham gia hội nghị này, làm dấy lên quan ngại về suy giảm trong hợp tác quốc tế về các vấn đề cấp bách như đói nghèo, bệnh tật và khủng hoảng khí hậu.

Tạp chí y khoa Lancet ngày 1/7 dự báo, từ nay đến năm 2030 có hơn 14 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất thế giới, trong đó một phần ba là trẻ em, có thể tử vong do Mỹ cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài. Trong vòng nửa năm qua, chính quyền Mỹ đã cắt giảm đáng kể ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), loại bỏ 83% các chương trình viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, USAID từng chiếm 42% tổng ngân sách cứu trợ toàn cầu. Bước đi này đã khiến lĩnh vực nhân đạo quốc tế đứng trước khó khăn do thiếu hụt tài chính ở mức được coi là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Viện Y tế toàn cầu Barcelona cảnh báo, việc cắt giảm viện trợ có nguy cơ dừng đột ngột và thậm chí đảo ngược những tiến bộ y tế đạt được trong hai thập niên ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. Đối với nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình, cú sốc này tương đương về quy mô với một đại dịch toàn cầu hoặc một cuộc xung đột vũ trang lớn.

Tình trạng cấp bách nêu trên đã gióng hồi chuông cảnh báo về việc cộng đồng quốc tế phải chung tay góp sức hỗ trợ các nước nghèo và người dân ở các điểm nóng xung đột. Theo đó, việc đầu tư đồng thời vào viện trợ và thương mại có thể tạo ra những lợi ích bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau, giúp tất cả các bên liên quan cùng phát triển và thịnh vượng. Trên thực tế, việc các quốc gia giàu có hỗ trợ các nước đang phát triển không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích thiết thực của chính họ, ngay cả khi phải đối mặt nhiều ưu tiên và cuộc khủng hoảng khác.

Xem thêm