Nghiên cứu điều trị bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính. Ảnh: ALARMY
Nghiên cứu điều trị bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính. Ảnh: ALARMY

Đột phá trong điều trị bệnh bạch cầu tại Anh

Dự án thử nghiệm kết hợp hai phương pháp điều trị nhằm giúp bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lympho (CLL) giảm các tác dụng phụ từ hóa trị liệu.

Mỗi năm tại Anh, ước tính có khoảng 4.000 người được chẩn đoán mắc CLL, dạng bạch cầu phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng. Trước đây, hóa trị được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân CLL, tuy nhiên đi cùng với đó là nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và hiệu quả của hóa trị còn hạn chế, đặc biệt là ở khả năng kiểm soát bệnh lâu dài.

Để cải thiện hiệu quả điều trị, các nhà khoa học tại Anh đã triển khai dự án thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn mang tên FLAIR, do Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh cùng các hãng dược phẩm lớn tài trợ. Thử nghiệm diễn ra trên toàn quốc với sự tham gia của 786 bệnh nhân chưa từng điều trị CLL và được thực hiện tại 96 trung tâm ung thư.

Các nhà nghiên cứu tiến hành so sánh ba phương pháp điều trị gồm: Hóa trị tiêu chuẩn, sử dụng đơn lẻ thuốc ibrutinib và kết hợp ibrutinib với venetoclax. Ibrutinib là loại thuốc ức chế tín hiệu mà tế bào ung thư sử dụng để phân chia và phát triển, trong khi venetoclax có tác dụng ngăn chặn chức năng của một loại protein tồn tại trong tế bào CLL. Sự kết hợp này được kỳ vọng sẽ tạo ra liệu pháp điều trị nhắm trúng đích, vừa hiệu quả vừa hạn chế đến mức thấp nhất tác dụng phụ cho người bệnh.

Theo The Guardian, sau 5 năm, nghiên cứu đã có những kết quả tích cực khi có tới 94% số bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ kết hợp ibrutinib và venetoclax đã sống khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh chuyển biến xấu. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm dùng ibrutinib đơn lẻ là 79% và nhóm hóa trị là 58%. Đáng chú ý là sau hai năm điều trị, 66% số bệnh nhân thuộc nhóm kết hợp thuốc không còn phát hiện tế bào ung thư trong tủy xương, trong khi nhóm hóa trị đạt 48% và nhóm dùng ibrutinib đơn lẻ hoàn toàn không có trường hợp nào đạt được kết quả này.

Các chuyên gia nhận định phác đồ này không chỉ mang lại hiệu quả vượt trội mà còn dễ dung nạp hơn so các phương pháp truyền thống. Tiến sĩ Talha Munir, người đứng đầu dự án nghiên cứu, khẳng định: “Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh bạch cầu, phương pháp điều trị không hóa trị không chỉ hiệu quả hơn mà còn nhẹ nhàng hơn cho các bệnh nhân”.

Các nhà khoa học kỳ vọng trong tương lai dự án FLAIR sẽ mang lại thêm hy vọng, giúp bệnh nhân mắc bệnh CLL có thêm thời gian sống khỏe mạnh và giảm gánh nặng về bệnh tật.

Xem thêm