Từ đầu năm 2022, Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, liên tục hứng chịu pháo kích, không kích, những đợt tấn công từ máy bay không người lái. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người dần kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Nhưng giữa lòng Kharkov, tại tầng hầm của Nhà hát Opera và ballet Hàn lâm Quốc gia, hiện thực tàn khốc của chiến tranh tạm thời bị lãng quên.
Những bức tường gạch thô, sàn bê-tông, trần nhà ẩm thấp với những đường ống điện chạy ngoằn ngoèo... không phải nơi người ta nghĩ đến khi nói về ballet. Nhưng tại Kharkov, đó chính là sân khấu. Tháng 4 vừa qua, vở “Chopiniana”, một tác phẩm ballet đầu thế kỷ 20 với âm nhạc của Chopin đã được trình diễn tại đây. Không cầu kỳ, không hoành tráng, nhưng trang trọng với đầy đủ dàn nhạc, vũ công, và hơn hết là sự đong đầy tình yêu dành cho nghệ thuật.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong đời sống văn hóa của Kharkov, vì đây là buổi biểu diễn ballet cổ điển trọn vẹn đầu tiên tại thành phố này kể từ tháng 2/2022, khi chiến sự bắt đầu nổ ra. “Dù bom rơi, máy bay không người lái lượn quanh, chúng tôi vẫn muốn tặng khán giả một món quà,” bà Antonina Radiievska, một diễn viên ballet cũng là Giám đốc nghệ thuật của Opera East, đơn vị tổ chức buổi diễn chia sẻ. “Chỉ cần một hoặc hai giờ thôi, họ có thể quên đi tất cả”.
Với vũ công Olena Shevtsova, 43 tuổi, được biểu diễn, dù trước 40 hay 1.000 người cũng là niềm tự hào. “Tôi vẫn cảm nhận được bầu không khí ấy, cảm giác ấy như trước đây. Dù sân khấu nhỏ hơn, mọi thứ vẫn kỳ diệu như cũ”. Trong khi đó, diễn viên Yulia Litvinova, 19 tuổi, hào hứng nói: “Tôi mừng đến rơi nước mắt. Có khoảnh khắc tôi quên mất rằng, chúng tôi đang sống trong chiến tranh.”
Theo Reuters, ngày 23/2/2022, vở “Giselle” vẫn được trình diễn tại Nhà hát Opera và ballet Hàn lâm Quốc gia Ukraine. Hôm sau, chiến sự nổ ra, nhà hát đóng cửa, nhiều nghệ sĩ rời thành phố, thậm chí rời đất nước sang Slovakia, Litva hay các quốc gia khác lưu diễn để duy trì nghề. Đến năm 2023, tình hình Kharkov tạm ổn hơn khi quân đội Nga rút khỏi vùng ngoại ô. Người dân bắt đầu tìm cách thích nghi với cuộc sống trong chiến sự.
Tháng 10/2022, giới chức nhà hát đã quyết định cải tạo tầng hầm thành không gian tập luyện của các diễn viên múa ballet. Mùa xuân năm 2024, nhà hát đón khán giả trở lại. Những buổi biểu diễn nhỏ, rồi hòa nhạc thiếu nhi được tổ chức. Và đến tháng 4/2025, “Chopiniana” chính thức ra mắt.
Theo các diễn viên tại nhà hát, khán phòng tại tầng hầm chỉ có 400 ghế, chưa bằng một nửa so sân khấu chính trên tầng. Sân khấu cũng chỉ bằng một phần tư sân khấu chính trước đó. Nếu khán phòng chính được lát sàn gỗ cứng và đá cẩm thạch thì dưới tầng hầm chỉ là sàn bê-tông và những bức tường gạch thô ráp. Chất lượng âm thanh cũng không thể sánh, nhưng trong mắt các nghệ sĩ, đó vẫn là nơi họ thuộc về.
Ballet, trong chiến tranh tưởng chừng là điều xa xỉ. Khi cuộc sống xoay quanh luôn tràn ngập cảnh báo không kích, những tiếng nổ, nhiều người ngủ dưới ga tàu điện ngầm và tìm kiếm tin tức từ tiền tuyến, thì những chiếc váy dành cho các vũ công ballet như “tutu”, “pirouette” hay những chiếc giày múa nghe như từ một thế giới khác. Dù vậy, nghệ thuật không rời bỏ các nghệ sĩ và cả các khán giả của họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng đối với Giám đốc nghệ thuật Radiievska là sau một thời gian dài gián đoạn, cô và đoàn kịch của mình lại có thể biểu diễn hết mình trước khán giả. “Được biểu diễn, điều này thật sự có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi. Bạn biết đấy, một nghệ sĩ không thể tồn tại nếu không có sân khấu, không có sự sáng tạo, không có vũ đạo hay ca hát. Nhưng buổi diễn, giống như một sự tái sinh đối với chúng tôi”.
Không chỉ các nghệ sĩ, ngay với khán giả, những vở ballet cũng giúp họ tạm thời quên đi những thực tại tàn khốc của chiến tranh dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi để đắm chìm vào không gian nghệ thuật.