Masahiro Okutomi tại trang trại chè của mình ở tỉnh Saitama. Ảnh: AFP
Masahiro Okutomi tại trang trại chè của mình ở tỉnh Saitama. Ảnh: AFP

“Cơn sốt” matcha khiến Nhật Bản gặp khó

Các loại đồ uống matcha đang là trào lưu khắp toàn cầu, nhưng nguồn cung loại trà xanh cao cấp này từ Nhật Bản đang dần cạn kiệt. "Cơn sốt” matcha đẩy ngành trà Nhật vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Matcha, một loại bột trà xanh mịn, được nghiền từ lá trà xanh, từng là nguyên liệu hiếm, được dùng trong các nghi lễ trà đạo của Nhật Bản. Tuy nhiên, những năm gần đây, đồ uống liên quan matcha bỗng trở thành một hiện tượng toàn cầu, hiện diện ở khắp các quán cà-phê, siêu thị và nền tảng mạng xã hội. Tại Toronto (Canada), quản lý quán cà-phê Nadiia Semenichenko cho biết: "Chúng tôi gần như chỉ phục vụ các món matcha. Một số nhà cung cấp đã giới hạn lượng hàng bán mỗi tháng".

Theo AFP, sự phổ biến của matcha bắt đầu tăng mạnh từ mùa thu năm 2024, khi hàng loạt video pha chế latte, bánh, kem matcha lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng TikTok và Instagram. Người tiêu dùng đổ xô tìm mua matcha thượng hạng, loại thường được dùng trong trà đạo. Những thương hiệu trà lâu đời tại Nhật Bản như Ippodo Tea, Yamasan hay Marukyu Koyamaen đã phải gửi thư xin lỗi khách hàng và giới hạn số lượng bán ra.

Matcha được sản xuất từ lá trà tencha, loại trà xanh được trồng dưới bóng râm vài tuần trước khi thu hoạch để cô đặc vị và mầu. Lá được hấp, sấy, tách cuống, rồi nghiền mịn bằng cối đá. Quá trình này công phu, tốn thời gian và chỉ cho ra lượng nhỏ bột thành phẩm. Loại matcha cao cấp nhất được thu hoạch mỗi năm một lần vào mùa xuân. Vì thế, khi nhu cầu toàn cầu tăng đột biến, không có cách nào để tăng cung kịp thời. Tình trạng thiếu hụt xảy ra nhanh chóng, đặc biệt khi lượng khách du lịch đến Nhật Bản cũng tăng cao do giá đồng yên giảm, thúc đẩy người mua tích trữ matcha.

Một số thương hiệu matcha quốc tế như Kametani Tea tại Nara (Nhật Bản) đã phải tạm ngưng nhận đơn đặt hàng mới. Giám đốc Kamentani Tea, ông Jason Eng khẳng định: “Cơn sốt matcha toàn cầu đã vượt quá sức sản xuất. Điều này sẽ buộc công ty chúng tôi phải tăng giá khi vụ thu hoạch tiếp theo bắt đầu”. Tại cửa hàng Jugetsudo ở Thủ đô Tokyo, khách du lịch xếp hàng để mua matcha nội địa. "Chúng tôi không áp đặt giới hạn mua hàng, nhưng từ chối đơn lớn từ những người nghi ngờ mua để bán lại", Shigehito Nishikida, quản lý cửa hàng cho biết.

Matcha hiện diện ở mọi nơi. Starbucks, McDonald’s, Booster Juice, Tim Hortons đều đã thêm sản phẩm matcha vào thực đơn. Một số chuỗi nhà hàng lớn như Second Cup đã gặp tình trạng giao hàng chậm do thiếu nguồn cung. Tại Mỹ, Canada, châu Âu, nhiều nhà phân phối matcha cũng báo cáo tình trạng khan hiếm và tăng giá.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, năm 2024, matcha chiếm hơn 50% tổng lượng 8.798 tấn trà xanh xuất khẩu. Con số này gấp đôi so 10 năm trước. Tuy nhiên, ngành trà Nhật Bản đang phải đối mặt khủng hoảng nhân lực. Phần lớn nông dân trồng trà đã lớn tuổi, thiếu người kế thừa. Số lượng đồn điền trà tại Nhật hiện giảm còn 25% so hai thập kỷ trước. Masahiro Okutomi, nông dân thế hệ thứ 15 tại Sayama chia sẻ: "Tôi vui vì matcha được thế giới yêu thích, nhưng áp lực hiện tại là quá lớn. Chúng tôi không thể theo kịp. Đào tạo nông dân mới và nâng cấp thiết bị mất nhiều năm chứ không thể thực hiện trong một mùa vụ”.

Tại phương Tây, người tiêu dùng vẫn tiếp tục tìm mua matcha. Một hộp matcha 30 gr từng có giá 35 USD, giờ đã tăng lên gần 50 USD. Nhiều người lựa chọn matcha thay cho cà-phê vì tác dụng nhẹ nhàng, không gây bồn chồn. Cheena Lerum, một TikToker với gần 30.000 người theo dõi nói rằng, cô từng chia sẻ nhiều nội dung về matcha. Song gần đây, cô ít làm nội dung liên quan matcha vì không tìm được sản phẩm ưng ý.

Matcha không chỉ là đồ uống. Nó là biểu tượng của lối sống hiện đại, sức khỏe và gu thẩm mỹ. Nhưng chính sức hút đó đang làm cạn kiệt nguồn lực ngành nông nghiệp vốn đã mong manh. Chính phủ Nhật đang khuyến khích mở rộng diện tích trồng matcha để hạ giá thành. Nhưng việc mở rộng ồ ạt có thể ảnh hưởng đến chất lượng, yếu tố then chốt làm nên danh tiếng matcha Nhật Bản. Với nhiều vùng nông thôn, điều này gần như bất khả thi.

Trong khi đó, rủi ro từ bên ngoài như việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên sản phẩm Nhật (từ 10% có thể lên 24%) cũng khiến tình hình thêm căng thẳng. Một số nhà sản xuất cảnh báo rằng, giá matcha toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Xem thêm