Đời sống công nhân “chao đảo” khi giá cả tăng
Có mặt tại Khu Công nghiệp (KCN) Châu Sơn (tỉnh Hà Nam cũ) những ngày cuối tuần vừa qua, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều công nhân phải thuê trọ bên ngoài, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn. Hai công nhân Toàn Hoài Thương và Toàn Thanh Ái là hai chị em quê ở Lạng Sơn, “cô chị rủ cô em” xuống dưới này làm công nhân may. Họ cùng ở trọ trong căn phòng nhỏ lợp tôn chưa đầy 12 m2 trên đường Đinh Công Tráng, thành phố Phủ Lý, chỉ vừa đủ kê tấm nệm, chiếc bàn bếp nhỏ và vài vật dụng thiết yếu. Dưới cái nắng như đổ lửa, biện pháp chống nóng duy nhất của họ là một chiếc quạt máy và chậu nước to để góc nhà cùng những chiếc quần cũ thấm nước để dưới sàn nhà. “Lương của bọn em 7-8 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca thì được khoảng 9 triệu đồng, nhưng chi tiêu hết 3-4 triệu đồng, gửi thêm ít tiền về quê là coi như hết sạch. Hiện nay, tiền điện chủ trọ tính 2.700 đồng/kWh, tiền nước 15.000 đồng/m³, chúng em không dám “mơ” đến máy lạnh đâu!”. “Chúng em rất mong Nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, lo cho gia đình và chuẩn bị kết hôn, sinh con”, chị Thương bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Hà Nam, do mức lương tối thiểu vùng hiện còn thấp, nên thu nhập bình quân của công nhân trên địa bàn hiện nay chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt và chi phí thuê trọ ngày càng tăng, khiến cuộc sống của người lao động ngày một khó khăn hơn. “Đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng của Tổng LĐLĐ Việt Nam vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp, cần thiết, sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực nếu được chấp thuận”, ông Long khẳng định.
Tại TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thu, công nhân làm ở Công ty CP May mặc Bình Dương chia sẻ, thời gian gần đây, sau khi giá điện tăng, nhiều mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt cũng tăng giá theo. Qua ghi nhận của chị, gạo tăng thêm 2.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi tăng từ 120.000 đồng/kg lên khoảng 150.000 đồng - 160.000 đồng/kg; sườn heo cũng tăng thêm 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg lên khoảng 180.000 đồng - 190.000 đồng/kg; dầu ăn cũng tăng thêm 2.000 đồng/chai.
Chị Thu cho biết thêm, thu nhập bình quân của công nhân trong ngành dệt may, da giày tại TP Hồ Chí Minh hiện nay chỉ khoảng 9-10 triệu đồng/tháng, đã tính cả tiền làm thêm giờ, nên công nhân có xu hướng chi tiêu dè sẻn hơn để bảo đảm cuộc sống khi giá cả gia tăng. Thực tế, nhiều gia đình công nhân đã trở về quê do mức chi phí cuộc sống tại TP Hồ Chí Minh đã tăng lên. Cuộc sống của những người muốn bám trụ lại thành phố cũng ngày càng khắc nghiệt.
Còn tại Hà Nội, anh Chu Văn Lợi, công nhân xí nghiệp xây lắp tại KCN Đông Anh nói: “Hiện tại, bát phở đã lên đến 45.000 đồng- 50.000 đồng, xăng đã tăng năm lần liên tiếp, giá điện tăng 4,8% từ ngày 10/5… Từ năm 2023 đến nay, tiền điện đã có bốn lần tăng giá, tổng mức tăng 17%, trong khi lương tối thiểu chỉ tăng 6%. Hiện, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng khiến cuộc sống của người lao động như chúng tôi “chao đảo”. Mức lương cơ bản của tôi hưởng theo lương tối thiểu vùng I khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tôi hy vọng rằng, trong năm 2026, lương tôi thiểu vùng I sẽ được tăng để bù đắp một số mặt hàng giá cả đang tăng. Tôi hy vọng rằng, khi lương tối thiểu vùng I tăng thì lương cơ bản của tôi cũng tăng, cùng với đó là chế độ ăn trưa cùng phúc lợi xã hội khác”.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (TP Hồ Chí Minh), nhận định, xu hướng người lao động (NLĐ) hiện nay lập gia đình muộn, đẻ ít con hoặc ngần ngại không muốn có con, trong đó có lý do tiền lương, thu nhập của NLĐ thấp, khó đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của gia đình, con cái. Chính vì thế, cần sớm tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ. “Nhà nước cần thiết lập cơ chế lương tối thiểu vùng hằng năm tự động tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát một chút để NLĐ bảo đảm cuộc sống của mình, gia đình và có chút tích lũy phòng khi ốm đau, bệnh tật hay có việc cần chi tiêu”, ông Hồng kiến nghị.

Tăng lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu
Trình bày báo cáo tại phiên họp sáng 26/6, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị định số 74/2024/NĐ-CP cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện việc điều chỉnh tiền lương tại doanh nghiệp theo mức tăng bình quân 6%.
Kết quả điều tra, khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam (tháng 3 và 4 năm 2025) tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cũng cho thấy, có 93,25% NLĐ trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã được điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho một bộ phận NLĐ có mức lương thấp, chỉ để đóng bảo hiểm nên tiền lương thực tế của NLĐ không tăng.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, dựa trên kết quả khảo sát và những chỉ đạo của T.Ư, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất hai phương án tăng lương tối thiểu vùng. Một phương án là tăng 8,3% và phương án thứ 2 là tăng 9,2%, thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/1/2026.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, việc tăng lương tối thiểu sẽ tiếp tục được thương lượng. Về nguyên tắc, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đề xuất theo hướng hài hòa, vừa bảo đảm quyền lợi NLĐ, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
Liên quan đến cơ sở cho việc đề xuất mức tăng trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Nhạc Phan Linh, thành viên hội đồng cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước hướng đến việc tập trung cải thiện, nâng cao điều kiện sống, mức sống, an sinh xã hội cho NLĐ. Cụ thể, cùng với kỷ nguyên mới của đất nước, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Với căn cứ trên, ông Linh cho biết, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 15.000 USD/người, trong khi hiện nay chỉ đạt 4.700 USD/người. Như vậy, mỗi năm thu nhập của NLĐ phải tăng hơn 400 USD, tương đương 12 triệu đồng/người.
“Đây là cơ sở để Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn với cách tiếp cận phải khác so với trước đây. Tất nhiên cơ sở xác định tiền lương tối thiểu vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào rổ hàng hóa, CPI... Nhưng chúng ta cũng lấy mục tiêu chính trị đã được Đảng, Nhà nước nêu ra để tạo ra bước đột phá mới”, ông Linh nhấn mạnh.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đưa mức đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5%. “Mức này là vừa phải, nhằm tăng cường dư địa để doanh nghiệp có khả năng thích ứng, có điều kiện khen thưởng người lao động mẫn cán, đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo”, ông Hoàng Quang Phòng cho hay.
Ông Phòng nhấn mạnh, việc quyết định mức tăng cụ thể cần tiếp tục thương lượng trong hội đồng và hiện chưa có văn bản chính thức. Đại diện người sử dụng lao động cũng đề xuất thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2026.
Tại phiên họp, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia lại đưa ra mức tăng lương tối thiểu từ 6,5% đến 7%. Ông Nguyễn Việt Cường, chuyên gia độc lập thuộc Hội đồng đánh giá việc đàm phán tiền lương tối thiểu nhận định rằng, do năm nay có nhiều yếu tố khó dự đoán, đặt trong bối cảnh liên quan đến đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ. Ông Cường nêu quan điểm cá nhân, việc tăng lương tối thiểu phải bảo đảm nguyên tắc cơ bản là bù đắp được trượt giá, bảo đảm mức sống tối thiểu.
Như vậy, ngoài thời điểm tăng lương là ngày 1/1/2026, các mức đề xuất tăng lương của ba bên đưa ra còn sự chênh lệch rất lớn và chưa đi đến thống nhất trong phiên họp đầu tiên. Dự kiến, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tiến hành phiên họp lần 2 vào tháng 8/2025.
Khảo sát do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 3-4/2025 với gần 3.000 NLĐ trả lời phiếu tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình dẫn đến tình trạng người lao động phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống; nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất.