Hàng chục nghìn hộ kinh doanh (HKD) nhỏ lẻ bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025. Tuy nhiên, sau một tháng có hiệu lực (1/6/2025) nhiều hộ vẫn đang loay hoay giữa quy định mới, áp lực chi phí, rào cản công nghệ và thiếu hỗ trợ. Nếu không có sự đồng hành thực chất từ cơ quan chức năng, chính sách đúng rất có thể trở thành gánh nặng.
Biết nhưng chưa hiểu
Chị Lê Thanh Nguyệt (hộ kinh doanh cho thuê nhà) chia sẻ, khó khăn lớn nhất không phải là nộp thuế, mà là việc phải kê khai sổ sách kế toán theo mẫu chung. “Chúng tôi không bán hàng, không có hàng tồn kho hay đầu vào như siêu thị, mà vẫn phải kê khai như vậy. Cơ quan thuế chưa liên hệ trực tiếp gì cả, chỉ có vài email phổ biến quy định mới”.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Khánh Ly (chủ hộ kinh doanh phụ tùng ô-tô Phạm Gia) cho biết, khi chuyển từ khoán sang kê khai, vướng mắc trong việc xác định hàng tồn kho và các khoản công nợ cũ. “Nếu yêu cầu kê khai thì nên có thời gian chuẩn bị rõ ràng, chứ áp dụng ngay thì quá gấp. Quan trọng nhất, phải công bằng. Khi áp dụng kê khai thì cần áp cho tất cả, chứ không thể có hộ làm, hộ không”.
Những băn khoăn trên không phải cá biệt. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với gần 1.400 HKD thuộc nhiều lĩnh vực, có đến 94% cho biết đã nghe đến Nghị định 70/2025 về hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, chỉ 11% số hộ hiểu rõ nội dung nghị định, 21% “biết nhưng chưa hiểu”, còn lại nắm rất mơ hồ. 57% HKD cảm nhận chi phí đầu tư ban đầu cho chuyển đổi là một gánh nặng lớn hoặc rất lớn. 54% cảm thấy chi phí vận hành hàng tháng cũng đáng kể. Điều này đặc biệt đáng lưu tâm trong bối cảnh phần lớn HKD có quy mô nhỏ, doanh thu không ổn định và ít tích lũy.
Ngoài rào cản nhận thức và tài chính, việc tiếp cận công nghệ cũng là vấn đề lớn. 49% số hộ cho biết thời gian và công sức để quản lý hóa đơn điện tử là một gánh nặng. Họ không chỉ phải mua sắm máy móc, phần mềm, mà còn cần kiến thức kế toán và hiểu biết về quy trình số hóa. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ cơ quan thuế còn khá hạn chế. Có đến 51% số hộ chưa từng được liên hệ hay hướng dẫn. 35% được hỗ trợ nhưng ở mức độ rất chung chung. Chỉ 14% số hộ khẳng định đã nhận được hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan thuế địa phương.
Với sự thay đổi này, có 56% HKD dự kiến doanh thu giảm, 26% HKD không chắc chắn về sự thay đổi của doanh thu và chỉ 9% dự kiến doanh thu sẽ không đổi và 8% dự kiến doanh thu tăng. Trong trường hợp chịu tác động tiêu cực, giảm quy mô là lựa chọn phổ biến nhất (63%) của HKD. Tạm ngừng hoạt động là phương án dự kiến tiếp theo, với 23% HKD lựa chọn. Chuyển sang loại hình khác được 11% các HKD cân nhắc. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, 3% các HKD, cho biết họ dự kiến sẽ đóng cửa hoàn toàn.

Cần chính sách hỗ trợ thật và đủ
Nhìn nhận về những khó khăn này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, Nghị định 70 là một bước đi quan trọng của Chính phủ nhằm tăng cường tính minh bạch, hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế và từng bước xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả. Tuy nhiên, bất kỳ chính sách nào, dù đúng đắn, nếu không được thực thi một cách thấu đáo, đồng bộ và phù hợp thực tiễn thì cũng khó mang lại hiệu quả như mong muốn.
HKD là một lực lượng quan trọng, linh hoạt và năng động của nền kinh tế nhưng cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi. Đa số họ là các hộ nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ với nguồn lực hạn chế và trình độ công nghệ còn thấp. Để tháo gỡ, các HKD đề xuất 3 mong muốn chính đó là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính như miễn, giảm thuế và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn miễn phí. Đặc biệt, cần thiết phải hỗ trợ chuyên biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Cũng theo ông Thạch, Nghị định 70 chỉ là bước khởi đầu. Theo Nghị quyết 198/2024 và dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong 3 năm tới, toàn bộ HKD sẽ phải từ bỏ phương pháp khoán và áp dụng chế độ hóa đơn, chứng từ điện tử. Cụ thể: Từ 1/1/2026 - 31/12/2026, các HKD có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm sẽ phải dùng hóa đơn, chứng từ đơn giản, dự kiến qua app, Zalo, SMS hoặc mẫu có mã QR. Từ năm 2027, HKD có doanh thu từ 800 triệu đồng/năm trở lên phải dùng máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Từ năm 2028, toàn bộ HKD chịu thuế sẽ phải áp dụng quy định này.
Như vậy, chỉ trong hơn 2 năm tới, toàn bộ hệ thống HKD sẽ chuyển đổi hoàn toàn về phương thức quản lý thuế, một cuộc “cách mạng” về tư duy, quy trình và công cụ. Để điều này không trở thành cú sốc, sự hỗ trợ đồng bộ là điều không thể thiếu.
Với thực trạng đó, đại diện VCCI kiến nghị một số điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HKD trong quá trình chuyển đổi. Thứ nhất, cần quy định rõ thời gian chuyển tiếp tối thiểu là 6 tháng để các hộ chuẩn bị, thay vì áp dụng ngay khiến họ bị động. Thứ hai, các quy định liên quan đến kế toán, hóa đơn, chứng từ cần được ban hành ít nhất 1 năm trước thời điểm áp dụng, cùng với kế hoạch truyền thông, hướng dẫn, tập huấn cụ thể.
Thứ ba, cần bổ sung quy định không hồi tố truy thu thuế hoặc xử phạt đối với giai đoạn trước 1/6, thời điểm bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử. Đây là rào cản tâm lý lớn khi nhiều hộ lo ngại sẽ bị đánh giá lại quá khứ hoặc truy thu thuế do không có hóa đơn đầu vào hợp lệ cho hàng tồn kho. Thứ tư, cần xem xét các chính sách hỗ trợ tài chính, đặc biệt là miễn hoặc giảm thuế trong 6-12 tháng đầu. Đây không chỉ là hỗ trợ trước mắt mà còn là động lực để các hộ chuyển đổi lên chính thức, đóng góp vào hệ thống thuế lâu dài.
Đáng lưu ý, ông Thạch cũng cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy minh bạch, hiện đại hóa hệ thống thuế và tăng hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính mà cần lộ trình hợp lý, hướng dẫn kịp thời, sự đồng hành thực chất từ phía cơ quan nhà nước.
Ông Phạm Ngọc Thạch: “Nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, nhóm này sẽ gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân và tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp trong tương lai. Nuôi dưỡng lực lượng này cũng chính là động lực để chúng ta thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”.
Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là bước đệm để các hộ tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số và từng bước phát triển thành doanh nghiệp. Sau 1 tháng triển khai, đã có hơn 47.000 hộ đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, trong đó khoảng 10.000 hộ tự nguyện tham gia dù chưa đến ngưỡng doanh thu bắt buộc. Tuy vậy, ông Thạch thừa nhận vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn từ các HKD. Bộ Tài chính đang tổng hợp phản ánh, khảo sát để hoàn thiện chính sách và sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn để HKD không còn cảm thấy bỡ ngỡ.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Trưởng ban Nghiệp vụ thuế, Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 70 được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết 68, trong đó yêu cầu HKD có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Theo rà soát, cả nước có khoảng 37 nghìn hộ thuộc diện này, chiếm khoảng 1% tổng số HKD. “Chúng tôi đã và tiếp tục cử cán bộ thuế đến từng hộ để tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời phối hợp nhà cung cấp công nghệ hỗ trợ giảm giá thiết bị, phần mềm nhằm giảm áp lực chi phí ban đầu”, ông Huy cho biết.
Chuyển đổi sang hóa đơn điện tử là một bước đi đúng, cần thiết và không thể đảo ngược trong lộ trình hiện đại hóa quản lý thuế và thúc đẩy minh bạch. Với hàng triệu HKD nhỏ lẻ (lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế phi chính thức) nếu được hỗ trợ thật sự từ thể chế, công nghệ đến con người - khu vực này không chỉ “sống sót” qua thay đổi, mà còn có thể trở thành lực lượng chính thức, minh bạch, đóng góp tích cực và bền vững hơn cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế.