Nhu cầu hằng ngày, doanh thu cao, khách hàng trả tiền ngay, thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng… có thể nói là những sức hút khó cưỡng cho các nhà đầu tư, đơn vị muốn tham gia ngành này. Nhưng nó cũng có cả những khó khăn cực độ mà thường chỉ những người đã bước chân vào bán lẻ FMCG mới thấu.
Một người đã nhiều năm làm công tác quản lý kho cho hệ thống phân phối lớn chia sẻ, quản lý hàng hóa luôn là thách thức cực lớn, như có những loại cá phải chia ra ba mã sản phẩm áp dụng cho ba phần đầu, thân, đuôi... Dù CEO Phạm Văn Trọng có chuyên môn công nghệ và áp dụng triệt để công nghệ vào hệ thống thì Bách Hóa Xanh cũng gặp những thách thức trong việc này. Bách Hóa Xanh có chức năng đặt và nhận hàng tại cửa hàng (thay vì giao đến nhà) nhưng vài lần người mua sau khi đặt hàng buổi tối thì đến sáng hôm sau nhận phản hồi là hết hàng, dù hệ thống báo có. Nguyên nhân cũng khá đơn giản khi có quá nhiều mặt hàng, chủng loại hàng và công tác “đấu nối” tồn kho của từng cửa hàng với hệ thống chưa cập nhật kịp. Ông Phạm Văn Trọng cho biết, vẫn đang tiếp tục nâng cấp, tinh chỉnh hệ thống triệt để, những sự cố nếu có xuất hiện cũng sẽ được bù đắp triệt để cho khách hàng.
Chuyên gia tài chính Bùi Đăng Bảo phân tích: Chỉ cần một cửa hàng FMCG nhưng nếu không quản lý hiệu quả cũng có thể ảnh hưởng đến dòng tiền kinh doanh trong ngắn hạn. Chẳng hạn, 100 kg rau mua tại Đà Lạt, vùng trồng rau nổi tiếng, nhưng chở về đến TP Hồ Chí Minh do quá trình vận chuyển, xếp, dỡ chắc chắn sẽ không thể còn nguyên 100 kg và sau một ngày bán, nếu còn tồn kho, thì giải quyết sang ngày hôm sau như thế nào cũng là thách thức lớn. Bán lẻ FMCG hiện nay không chỉ là tìm kiếm nguồn hàng, tiếp cận khách hàng nữa mà khả năng nắm bắt nhu cầu của khu vực kinh doanh cũng cực kỳ quan trọng. Nghĩa là nhà bán phải đo lường được sức mua, nhu cầu sản phẩm của cửa hàng/siêu thị… và nhập hàng sao cho mức độ tồn kho, hao hụt thấp nhất có thể. Vì dòng tiền trả ngay là tiền “tươi” nhưng nếu đồ “tươi” mà không bán được ngay thì phải giảm giá, tiêu hủy.
Nhìn chung, nếu áp dụng công nghệ triệt để, có kinh nghiệm quản lý và am hiểu thị trường, thì các nhà bán, có thể ở quy mô khác nhau, đều sẽ xác lập được vị thế trong ngành FMCG. Nhưng dấn thân vào câu chuyện tăng trưởng như Bách Hóa Xanh, Winmart hay một số đơn vị khác sẽ là bài toán thách thức. Cũng giống như một số ngành hàng khác, nếu chuỗi cửa hàng dưới 100 việc quản lý tương đối ổn thỏa, nhưng khi đã “đua” hơn 100 thì hệ thống bán lẻ FMCG sẽ đối mặt những thách thức về quản lý hàng hóa, logistics, nhân sự… Nhưng có chi tiết khá thú vị là trong cuộc đua giữa các nhà bán với nhau, có yếu tố không thể thiếu là “giá”, càng nhiều cạnh tranh sẽ càng có nhiều chương trình giảm giá và người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn.