Sức bật từ du lịch nội tỉnh

Hiện nay, nói đến phát triển du lịch thì mục tiêu không chỉ là du khách ngoại tỉnh hay nước ngoài, mà người dân địa phương cũng vô cùng quan trọng.

Và tiềm năng du lịch nội tỉnh, nội thành sẽ càng có cơ hội phát huy mạnh mẽ sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố.

Đơn cử như trường hợp của tỉnh Đắk Lắk, vốn có nhiều người dân ưa thích đi du lịch tại khu vực biển Dốc Lết (Khánh Hòa) hoặc đi thẳng đến TP Nha Trang (trước đây). Nhiều người tại Đắk Lắk cũng đã bắt đầu lựa chọn thêm Phú Yên làm điểm đến và nay khi Đắk Lắk sáp nhập Phú Yên thì động lực để người dân khám phá nội tỉnh cũng sẽ mạnh mẽ hơn nữa. Về mặt cảm tính, đi du lịch nội tỉnh sẽ có cảm giác “quen thuộc”, “dễ đi” nên một người dân ở phường Tuy Hòa sẽ có thể quyết định rất nhanh trong việc đến phường Buôn Ma Thuột và ngược lại.

Tương tự, có thể nói đến tỉnh Lâm Đồng. Một người dân ở phường Xuân Hương cũng có động lực hơn khi đến khu vực hồ Tà Đùng (thuộc Đắk Nông cũ, nay đã sáp nhập với Lâm Đồng) để tham quan, và nếu đã đi hồ Tà Đùng rồi thì xuống tắm biển Phan Thiết, Mũi Né… Thông thường, nhiều người sẽ có xu hướng, dù có đi đâu thì cũng phải khám phá hết các điểm du lịch của quê nhà trước nên sẽ càng có động lực để phát triển du lịch địa phương.

Với các cơ quan quản lý, các tỉnh, thành phố sau sáp nhập tự nhiên sẽ làm đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để gắn kết các sản phẩm với nhau. Trước tiên, các tỉnh, thành phố mới có dân số lớn hơn, mức độ hưởng ứng sự kiện cũng cao hơn và như vậy có thể tạo ra các nguồn thu ổn định và lấy đó làm nền tảng. Trong xu hướng xã hội hóa các sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch hiện nay, các nhà tài trợ, nhãn hàng tất nhiên ưa chuộng những sự kiện đông người nên sẽ có động lực để đồng hành với địa phương nhiều hơn nữa. Mặt khác, mức độ quản lý rộng hơn cũng đồng thời với việc quyền lợi của du khách được bảo đảm hơn nữa, đặc biệt khi có sự cố không mong muốn xảy ra.

Tiềm năng là lớn, nhưng để phát triển du lịch nội tỉnh, nội thành sau sáp nhập cũng cần những chiến lược lâu dài. Thứ nhất, cần có “bản đồ” hoặc “lịch sự kiện” du lịch và truyền thông rộng rãi để người dân địa phương nắm được các sự kiện, địa danh và có những kế hoạch trải nghiệm, khám phá. Tất nhiên, các nhà quản lý cùng các doanh nghiệp trong ngành du lịch, lưu trú cần phải ngồi lại và tính toán một kế hoạch tuyên truyền, quảng bá cho du lịch ngay tại địa phương mình. Thậm chí cần xây dựng một chiến lược tổng thể để phát huy nguồn lực du lịch nội tỉnh.

Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng và triển khai chiến lược với nội dung “Người Đắk Lắk đi du lịch Đắk Lắk”. Nhưng muốn phát triển bền vững và duy trì sức hút, các sản phẩm du lịch, văn hóa phải đậm đà bản sắc, có chất lượng cao để người dân đã tìm hiểu lần đầu thì còn muốn tìm hiểu thêm nhiều lần nữa. Cần xác định rõ, du lịch nội tỉnh chính là nền tảng để quảng bá vì những du khách ngay tại địa phương mình khi đã trải nghiệm sản phẩm và hài lòng thì họ cũng chính là những đại sứ du lịch cho tỉnh nhà để giới thiệu với du khách nơi khác.