Mất nhiều năm nghiên cứu, ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng (Hà Nội), mới tìm ra công thức sản xuất ống hút rau củ thay thế cho ống hút nhựa. Bước đầu xuất khẩu được sang một số thị trường, nhưng tại thị trường trong nước, sản phẩm của ông vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Người tiêu dùng là động lực quan trọng
“Chưa có cơ chế rõ ràng nào để khuyến khích các nhà sản xuất phát triển theo hướng xanh, bền vững. Trong khi, các sản phẩm xanh thường có giá thành cao hơn so với sản phẩm truyền thống. Vì vậy, không dễ để cạnh tranh nếu không có sự thay đổi nhận thức hướng tới tiêu dùng bền vững”, ông Tám chia sẻ.
“Mưa dầm thấm lâu” là chiến lược của ông Tám khi mỗi tối ông đều dành nhiều giờ đồng hồ để livestream trên mạng xã hội, chia sẻ với cộng đồng về những tác hại của ống hút nhựa, từ đó khuyến khích lựa chọn sản phẩm ống hút rau củ của mình. Ông cũng giới thiệu về quy trình, thành phần và giá trị sản phẩm để mọi người hiểu rõ hơn.
“Một sản phẩm tốt, không phải cứ quảng cáo, ghi trên nhãn là đủ. Trong khi chưa có một bộ tiêu chí thống nhất, chính thức xác định sản phẩm xanh là gì, thì chúng tôi phải tự mình giải thích cho người tiêu dùng, thay đổi nhận thức của họ từng bước một”, ông Tám nói.
Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đã có ý thức thay đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững và ít tác hại tới môi trường hơn. Chẳng hạn, các hoạt động từ giảm rác thải nhựa đến sử dụng năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng đã được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất xanh không dễ dàng. Chi phí nguyên liệu cao hơn, cùng với những quy định môi trường khắt khe khiến doanh nghiệp e ngại.
Bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Đối ngoại của BAT Việt Nam, cho biết: Để có được dây chuyền sản xuất sản phẩm xanh, thì chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng phải xanh và bền vững. Khó khăn đầu tiên là việc bảo đảm các cam kết của đối tác thứ ba, làm sao để họ tuân thủ các quy định, chính sách hoặc tiêu chuẩn do tập đoàn đề ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng đầu tư lâu dài.
“Quan trọng nhất vẫn là cách xã hội nhìn nhận: Có ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp hay không, người tiêu dùng và đối tác có đón nhận sản phẩm hay không”.
Đồng quan điểm, ông Cù Huy Quang, Trưởng phòng Hiệu quả năng lượng và Chuyển đổi xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công thương) cho biết, hành vi của người tiêu dùng là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sản xuất sản phẩm xanh. Do đó, họ có quyền được tiếp cận các thông tin minh bạch và rõ ràng để đưa ra quyết định sáng suốt.
Điều đáng nói là hiện nay số lượng sản phẩm xanh trong nước vẫn còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ ăn, thức uống, trong khi nhiều lĩnh vực khác chưa có sự phát triển tương xứng.
“Vì vậy, ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng về hàng hóa xanh và phổ biến rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cần công bố minh bạch các thông số sản phẩm, nguồn gốc nguyên vật liệu, tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm được kiểm chứng bởi cơ quan nào… Tất cả phải rõ ràng trong toàn bộ quy trình. Nếu thiếu thông tin minh bạch, người tiêu dùng sẽ không có căn cứ để lựa chọn sản phẩm”, ông Quang phân tích.
Tạo cơ chế thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Theo ông Cù Huy Quang, đối với các doanh nghiệp phát triển bền vững, hiện đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành doanh nghiệp (ESG) để tham chiếu. Dù chưa có cơ quan nào ban hành thống nhất, chính thức xác định sản phẩm xanh, song trong một số lĩnh vực đã xuất hiện những quy định cụ thể. Bộ Công thương đã triển khai Nhãn năng lượng, một hình thức nhãn xanh được đánh giá là rất thành công.
“Chương trình này triển khai từ năm 2006 và đã tạo ra bước chuyển lớn trên thị trường: Các thiết bị điện hiệu suất thấp dần được thay thế bằng sản phẩm hiệu suất cao hơn. Người tiêu dùng hiện nay đã quen với việc kiểm tra nhãn năng lượng khi mua ti-vi, tủ lạnh, điều hòa... Đây là minh chứng cho hiệu quả của nhãn xanh”, ông Quang cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: Ở nhiều nhóm sản phẩm khác, các tiêu chuẩn và nhãn nhận diện sản phẩm xanh còn thiếu và yếu. Với vai trò cơ quan đầu mối triển khai Mục tiêu phát triển bền vững số 12, Bộ Công thương đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 889/QĐ-TTg.
Trong 5 năm qua, Chương trình đã tích cực lồng ghép các nội dung ESG và thúc đẩy việc xây dựng tiêu chuẩn xanh. Năm 2024, Bộ đã xây dựng ba tiêu chuẩn cho sản phẩm nhựa tái chế; dự kiến năm 2025 sẽ có thêm năm tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực này. Song song đó, Bộ cũng triển khai nhiều mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển nguyên vật liệu mới và áp dụng kinh tế tuần hoàn tại các cụm công nghiệp có tiềm năng, nhằm tạo chuyển biến thực chất trong sản xuất.
Giai đoạn 2026 - 2030, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây là chương trình quy mô lớn, nhằm tạo ra sản phẩm xanh mới, củng cố tiêu chí xanh và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, địa phương trọng điểm, với mục tiêu tiết kiệm nguyên vật liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bộ cũng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết nghiên cứu, sản xuất sản phẩm xanh hơn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh, đặc biệt là các ưu đãi tín dụng. Cùng với đó là việc hoàn thiện chính sách và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm xanh dễ dàng hơn.
Ông Quang cũng chia sẻ thêm, về vấn đề nguồn vốn hỗ trợ lĩnh vực sản xuất xanh còn hạn chế thì với Nghị quyết 57, Bộ Công thương kỳ vọng sẽ có thêm “sức khỏe” tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong phạm vi quản lý, Bộ hiện có một số nguồn vốn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua chuyển đổi công nghệ, góp phần xanh hóa quy trình sản xuất.