Cơ hội từ áp lực

Nửa đầu năm 2025, VN-Index đã tăng 100 điểm, tương ứng khoảng 8,6%, nhưng rất hiếm quỹ đầu tư có thể “thắng” được thị trường, tức là không thể đạt suất sinh lời tổng tài sản ròng (NAV) cao hơn tăng trưởng của VN-Index.

Tất nhiên, khi NAV tăng trưởng không tương đương hoặc hơn VN-Index, các quỹ - mà cụ thể là người quản lý danh mục, sẽ chịu rất nhiều áp lực từ những người bỏ tiền vào quỹ (investor). Một nghịch lý luôn tồn tại là việc bỏ tiền vào quỹ thường hướng đến trung hoặc dài hạn, tức là tính bằng năm, nhưng biến động ngắn hạn của NAV lại luôn được đem ra làm thước đo. Không loại trừ khả năng kết thúc năm 2025, sẽ có nhiều quỹ đạt suất sinh lời tương đương hoặc hơn tăng trưởng của VN-Index, nhưng ngay bây giờ không ít nhà quản lý quỹ có thể đang phải giải thích vì sao mình lại hoạt động kém hiệu quả.

Phần lớn các quỹ xây dựng danh mục (portfolio) theo hướng phân bổ tỷ trọng theo các đặc tính khác nhau của cổ phiếu (CP), hay nói dễ hiểu hơn là hiếm có quỹ nào bỏ hết trứng vào một giỏ, nhằm tạo ra sự cân bằng và hạn chế rủi ro. Nhưng đóng góp vào điểm số tăng của VN-Index từ đầu năm 2025 đến nay lại chỉ đến từ một số ít CP thay vì tăng một cách đồng đều. Vì vậy, có thể nói nhiều quỹ “thua” vì lý do khách quan, do các quy tắc hoạt động không thể “tất tay” (all in) cho một CP nào đó. Và bản thân một số nhà quản lý quỹ có thể nhìn ra được CP có khả năng tăng thì cũng không dễ gì điều chỉnh danh mục nhanh như NĐT cá nhân. Vì quỹ bán ra thường sẽ là khối lượng lớn, rồi mua vào cũng tương tự như vậy, có thể gây ra nhiều biến động.

Những phiên sụt giảm vì “cú sốc thuế quan” hồi đầu tháng 4/2025 cũng phần nào gây tác động vì các nhóm CP sẽ phục hồi theo thời gian nhanh chậm khác nhau. Như vậy, có thể trong khoảng 1-2 năm, các nhóm CP nói chung sẽ phục hồi, thậm chí tăng trưởng mạnh trở lại, nhưng trong 1-2 tháng thì không thể phán đoán. Nếu không may nắm giữ những nhóm CP phục hồi chậm thì danh mục của quỹ sẽ không thể tăng đồng biến với VN-Index.

Thêm một nghịch lý cũng đáng xem xét. Dù suất sinh lời trong sáu tháng gần đây có vẻ không cao và các quỹ cũng có thể gặp thách thức trong việc chứng tỏ hiệu quả hoạt động ngắn hạn nhưng đây lại là giai đoạn đáng để xem xét trong việc bỏ tiền vào quỹ. Một NĐT cá nhân với thâm niên gần 20 năm cho biết, dạo gần đây anh phân bổ 2/3 số vốn của mình vào quỹ, tức là để quỹ đầu tư, 1/3 còn lại tự mình đầu tư nhằm duy trì sự quan tâm với thị trường. Lý do là vì trong khoảng thời gian dài hạn tính bằng năm, với những lợi thế của mình, quỹ sẽ xây dựng được danh mục có tính ổn định.

Có lúc tăng thì sẽ có lúc giảm và ngược lại, chính vì vậy, nếu những quỹ đã chứng tỏ năng lực (performance) của mình trong thời gian dài là hiệu quả, mà ngắn hạn suất sinh lời lại có đôi chút vấn đề thì cũng có thể xem đây là giai đoạn giống như CP tốt, nhưng giá thấp, đáng để thử bỏ tiền vào. Đặc biệt là khi ngành quản lý quỹ nội địa, dù có phần trầm lắng, nhưng trong khoảng nửa thập kỷ gần đây, số lượng quỹ nội sinh lời hiệu quả vẫn không ngừng tăng lên.