Mòn mỏi chờ... đỉnh

“Đỉnh hay chưa?” là câu hỏi mà tất cả nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang đặt ra lúc này. Người chưa gia nhập thị trường kịp thì mong có đỉnh sớm để từ đó còn cơ hội mua, còn người đang nắm giữ cổ phiếu (CP) thì cũng muốn đoán đúng đỉnh để tối ưu hóa lợi nhuận…

Sau hơn ba tháng, VN-Index đã tăng khoảng 400 điểm, tương ứng khoảng 37% và tỷ lệ tăng “khủng” này đã và đang trở thành lý do để nhiều người dè chừng. Nhưng càng dè chừng dường như lại càng khiến NĐT mất cơ hội, và tình thế này cũng buộc NĐT đặt ra yêu cầu “phải mua” nhưng mua thì lại sợ đúng ngay đỉnh. Mặt khác, nếu ai bán đầu phiên 15 và 16/7 cứ nghĩ mình đã bán đúng đỉnh nhưng theo dõi đến cuối phiên 16/7, khi VN-Index bứt phá tăng gần 15 điểm lên 1.475 có khi nghĩ khác. Những diễn biến này có thể “gây nhiễu” cho ngay cả những NĐT có kinh nghiệm hoặc những người đã có lãi.

Nhìn vào diễn biến dòng tiền, cần phải khẳng định, thị trường mới chỉ quay lại giai đoạn bùng nổ cho một đợt sóng mới. Sau một thời gian dài, giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh chỉ mới đạt ngưỡng hơn 30.000 tỷ đồnga/phiên được ít ngày sau một thời gian dài dao động quanh mốc 20.000 tỷ đồng/phiên tại sàn HoSE. Nhìn vào dữ liệu của dòng tiền trong quá khứ, khi dòng tiền chỉ mới tăng sẽ khó lòng tạo được đỉnh ngắn hạn. Giả định một NĐT thiếu kinh nghiệm tham gia thị trường và không may thua lỗ lần đầu tiên, sẽ có xu hướng nghiên cứu, học hỏi và tìm cách phục hồi tài sản, hiếm có trường hợp thua lỗ một lần rồi rời bỏ. Vì vậy, khi dòng tiền tăng, nhất là dòng tiền mới thì xu hướng sẽ còn tiếp tục luân chuyển thêm trong thị trường một thời gian. Vì vậy, trừ trường hợp có một thông tin tiêu cực mang tính bước ngoặt, như các thông tin về thuế quan toàn cầu hồi đầu tháng 4, TTCK sẽ khó có thể thay đổi xu hướng sang tiêu cực trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, việc một loạt CP đã tăng giá 10-20% chỉ trong ngắn hạn tất yếu sẽ tạo ra sức ép điều chỉnh. Nên nhớ rằng, tỷ lệ tăng giá 10-20% là kỳ vọng của năm, nay chỉ cần vài tuần, thậm chí vài ngày đã đạt được, cho thấy sự sôi động trong ngắn hạn. Nhưng đặc điểm của thị trường năm 2025 có thể khác nhiều năm trước khi mức độ điều chỉnh sẽ diễn ra ngắn và liên tục, thay vì điều chỉnh một lần theo chiều hướng tiêu cực. Chẳng hạn, chênh lệch giá CP ở mức thấp nhất và cao nhất trong tuần có thể lên đến 10-20%, nhưng cuối tuần so với đầu tuần chỉ tăng khoảng 3-5%. Và thậm chí, có những CP nếu nhìn vào giá đóng cửa cuối phiên sẽ thấy chỉ tăng 1-2%, nhưng thực tế trong phiên có lúc tăng/giảm từ 3-5%. Nhóm CP này, nhìn có vẻ nóng, nhưng thật ra biến động lớn cũng sẽ tạo ra xu hướng mua-bán liên tục, người này lỗ, nhưng người khác có lãi, luân phiên ra vào.

Như vậy, nếu dòng tiền vẫn duy trì ổn định, những phiên có GTGD hơn 30.000 tỷ đồng tại sàn HoSE thường xuyên xuất hiện, thay vì chờ đỉnh, NĐT nên xem xét diễn biến giá của từng CP mục tiêu. Nếu “đọc” được những điểm mua - bán tốt nhất, thì việc tìm kiếm cơ hội có thể được tính đến, tất nhiên luôn phải có sự thận trọng nhất định.