VN -Index khởi đầu năm 2025 ở mức khoảng 1.270 điểm, và giả định nếu chỉ số này tăng khoảng 10% thì đích đến sẽ là vùng 1.400 điểm. Nhưng trong thực tế tại thời điểm đầu năm nay, chỉ rất ít các công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra nhận định về khả năng này, trong số rất ít này thì nhận định cũng có phần dè dặt. Và cũng không ít nhà đầu tư (NĐT) cho rằng, ngưỡng 1.400 điểm là quá lạc quan. Nhận định này tưởng chừng còn xa vời hơn nữa khi cú sốc thuế quan toàn cầu ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới và VN-Index đã giảm từ hơn 1.300 điểm xuống còn dưới 1.100 điểm. Bởi lẽ từ 1.100 điểm tăng được lên 1.400 điểm tương đương với 27%, một tỷ lệ vô cùng thách thức.
Nhưng nhiều điều bất ngờ đã diễn ra, nếu tính từ ngày 9/4 khi VN-Index lập đáy ngắn hạn 1.073 điểm thì đến phiên 9/7 hôm qua, chỉ số này đã tăng gần 360 điểm, tương ứng 33%. Nếu VN-Index phải vô cùng “trầy trật” để giữ vững mốc 1.300 điểm bao nhiêu, thì lại vượt ngưỡng 1.400 điểm dễ bấy nhiêu. Chỉ số này chỉ cần đúng một phiên ngày 7/7 để vượt ngưỡng 1.400 điểm mà không gặp phải sự kháng cự nào. Như thường lệ, khi một đỉnh cao được chinh phục, TTCK sẽ lại kỳ vọng vào một đỉnh cao hơn, mà ở đây là đỉnh 1.528 điểm thiết lập hơn ba năm trước. Có một chi tiết mà nhiều NĐT dày dạn kinh nghiệm cảm nhận được trong năm 2025 này là diện mạo của TTCK rất khác. Sự “khác biệt” này được thấy rõ ngay từ quý I, trước khi cú sốc thuế quan xảy ra. Và cũng chính sự khác này tạo ra một sự phục hồi và tăng trưởng đến 360 điểm chỉ trong vòng ba tháng.
Dữ liệu lịch sử trên TTCK luôn có giá trị, nhưng cũng chỉ là một kênh tham khảo trước khi ra quyết định. Trong khoảng vài tuần gần đây, nhiều dự báo về khả năng VN-Index vượt 1.400 điểm xuất hiện, nhưng lại cho rằng sẽ có thử thách ở ngưỡng kháng cự này, nhưng thực tế lại khác. Vậy câu hỏi cho khả năng chinh phục đỉnh cao mới của VN-Index sẽ như thế nào? Ngoài điểm số cần chú ý đến yếu tố dòng tiền khi suốt một thời gian dài, giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh trung bình mỗi phiên tại sàn HoSE nằm ở ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng mọi chuyện bắt đầu có sự chuyển biến vào những ngày đầu tháng 7, chẳng hạn phiên 3/7, dù VN-Index giảm điểm nhưng GTGD khớp lệnh đạt hơn 30.000 tỷ đồng, và mốc hơn 30.000 tỷ đồng lại mới được tái lập trong phiên giao dịch ngày 9/7. Nghĩa là dòng tiền cũng mới chỉ tăng trở lại trong thời gian ngắn.
Việc VN-Index có tăng được hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng điều chắc chắn khi dòng tiền tăng lên, cơ hội luân chuyển tại nhiều nhóm cổ phiếu (CP) sẽ xuất hiện. Những biến động trong phiên cũng nhiều hơn, biến động giá CP cũng lớn nhưng đồng thời sẽ là cơ hội để NĐT lựa chọn được CP tốt có giá tốt ngay trong phiên. Thêm một yếu tố, khi dòng tiền nhiều hơn, khả năng lan tỏa đến các CP trụ cột, vốn hóa lớn sẽ cao và tạo ra xung lực điểm số cao hơn. Nên biết rằng, một phiên tăng 10-15 điểm ở mốc 1.400 điểm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với khi ở mốc 1.300 điểm.