Vietnam GameVerse 2025 lần đầu thu hút hơn 100 gian hàng về game. Ảnh: LÊ ANH
Vietnam GameVerse 2025 lần đầu thu hút hơn 100 gian hàng về game. Ảnh: LÊ ANH

Xây dựng ngành game mang bản sắc văn hóa Việt

Những năm gần đây, ngành game Việt chứng kiến sự phát triển và tăng trưởng vượt bậc, doanh thu hiện đứng thứ 5 toàn cầu. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp quan tâm phát triển các dòng game mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Trải qua một giai đoạn phát triển nóng, ngành game Việt đang từng bước hướng đến những sản phẩm mang giá trị tinh thần, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dùng Việt vừa giải trí vừa khám phá, hiểu biết hơn về lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Thị trường ngách tiềm năng

Anh Đặng Bảo Huế, Giám đốc Mỹ thuật, Tập đoàn Lạc Bird cho biết, văn hóa là chủ đề rất lớn của ngành game Việt, nó liên quan đến đời sống cả vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, sản phẩm game Lac Bird không chỉ đưa ra với người chơi những hình ảnh kiến trúc mà người Việt tự hào mà còn muốn đào sâu về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, đưa không gian văn hóa đó đến với các bạn trẻ Việt Nam và thế giới.

Lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực game văn hóa, một số sản phẩm của doanh nghiệp này đã bước đầu nhận được sự chú ý khi khai thác nhiều yếu tố lịch sử. Chẳng hạn như dự án game Phụng ma lượng sử. Đây là một game hành động lấy bối cảnh từ thời Lý, mang yếu tố huyền sử với việc xuất hiện nhiều nhân vật và sự kiện đã xuất hiện trong các câu chuyện cổ của Việt Nam.

Có 15 năm gắn bó với lĩnh vực phát triển game, anh Hoàng Bảo Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lac Bird cho rằng, sau giai đoạn phát triển "nóng", ngành game Việt Nam đang tiến tới ứng dụng nhiều hơn các giá trị văn hóa Việt Nam vào các sản phẩm game. Chính điều này đã thúc đẩy một thế hệ trẻ dành nhiều thời gian và tâm huyết hơn để phát triển game và họ đang tham gia rất nhiệt tình.

Ông Phan Thanh Duy, giảng viên ngành Thiết kế Game, Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam cho rằng, lợi thế cạnh tranh của các tựa game đậm chất văn hóa như Black Myth: Wukong (Trung Quốc) hay Assassin's Creed: Shadows (Pháp) là đều có cách kể chuyện độc đáo, truyền tải hình ảnh văn hóa ra toàn cầu hiệu quả.

Ở chiều ngược lại, ông cho rằng, Việt Nam có nền văn hóa phong phú và độc đáo, nhưng chưa được định vị rõ nét trên bản đồ game quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Việc tích hợp văn hóa bản địa vào trò chơi điện tử không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, mà còn giúp tạo nét riêng, khác biệt giữa một thị trường game đang dần bão hòa về nội dung.

Thực tế thời gian qua, nhiều nhà phát triển game Việt cũng bước đầu có nhiều nỗ lực trong việc đưa yếu tố văn hóa lịch sử vào game. Trước đó, đã có những tựa game mang đậm bản sắc Việt Nam như Chạy trốn phồn hoa DreamChaser do hai bạn trẻ Trần Tuấn Hiệp (2001, Pixel/2D Artist) và Phạm Duy Phúc (1999, Game Developer) phát triển.

Chạy trốn phồn hoa DreamChaser mang đến lối chơi độc đáo và hành trình khám phá văn hóa Việt Nam đầy thi vị, gây ấn tượng mạnh với nhiều bạn bè quốc tế. Tựa game này đã được Apple vinh danh trong chiến dịch “Here's to the Dreamers” (Những người ấp ôm hoài bão), dành để vinh danh những tài năng xuất sắc ở khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường game đang hội tụ nhiều yếu tố để phát triển game văn hóa. Ông Phan Thanh Duy phân tích, hiện nay người dùng trẻ không chỉ có nhu cầu giải trí đơn thuần, họ còn có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc. Một minh chứng là trên mạng xã hội đã xuất hiện những nhóm cộng đồng người trẻ yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Trào lưu này có thể là cơ hội để xây dựng thị trường ngách cho game văn hóa, giáo dục.

Ở góc độ cơ chế chính sách, một trong những nội dung nằm trong Chỉ thị số 30/CT-TTg là thúc đẩy sử dụng các nền tảng số tạo ra sản phẩm công nghiệp văn hóa. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chủ động rà soát, bổ sung, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng (thuộc lĩnh vực trò chơi giải trí) mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp xu thế phát triển của thế giới.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo các nhà phát triển game, dù các sản phẩm game văn hóa có rất nhiều tiềm năng. Song so với những sản phẩm game truyền thống, họ phải dành nguồn lực đầu tư rất lớn.

Thực tế, việc phát triển các sản phẩm game văn hóa đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Bởi không chỉ cần đội ngũ làm sản phẩm đơn thuần, doanh nghiệp còn cần đội ngũ chuyên gia am hiểu về lĩnh vực văn hóa.

Anh Trịnh Xuân Hải, Giám đốc đối ngoại Công ty Hỗ trợ cộng đồng phát triển game - Gamegeek cho biết, việc đưa văn hóa và lịch sử đòi hỏi cần có sự nghiên cứu đầu tư rất kỹ lưỡng. Một sản phẩm game thành công là khi nó thu hút lượng người chơi lớn. Chính vì vậy, nó phải có "game play" hấp dẫn trước khi lồng ghép yếu tố lịch sử, văn hóa. Ngoài đội ngũ phát triển thông thường, cần có đội ngũ các chuyên gia am hiểu văn hóa, lịch sử.

"Nguồn lực để phát triển sản phẩm game văn hóa có thể gấp đôi các sản phẩm game truyền thống. Trong khi thị trường không phải lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ. Đây là thách thức lớn với các studio game Việt", anh Hải đưa ra nhận định.

Theo ông Phan Thanh Duy, văn hóa trong game không chỉ là sự hiện diện của các biểu tượng quốc gia hay bối cảnh quen thuộc, mà cần được thể hiện tinh tế thông qua hành vi, thói quen thường nhật - như cách nhân vật dọn nhà, đi chợ, trả giá... "Những điều rất Việt Nam" có thể trở thành cơ chế gameplay độc đáo nếu được khai thác đúng cách. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là hiểu rõ thị trường mục tiêu.

Trong năm 2024, sản phẩm game Việt thu hút 5,7 tỷ lượt tải từ nước ngoài. Doanh thu từ người dùng quốc tế dành cho các nhà phát triển game Việt Nam đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là tiềm năng, cơ hội lớn để quảng bá văn hóa Việt. Với 4.000 năm lịch sử cùng hàng nghìn điển tích, truyền thuyết là kho tàng văn hóa khổng lồ mà các nhà làm game cần khai thác tốt hơn. Nếu làm được, thế giới sẽ biết về lịch sử, văn hóa đẹp của người Việt, đồng thời đây cũng là "cây cầu số" giúp thế hệ tương lai hiểu và giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc phát triển các sản phẩm game văn hóa bắt đầu được quan tâm. Theo thống kê, đến hết năm 2024, doanh thu ngành game nội địa ghi nhận 13.663 tỷ đồng (tương đương với 525 triệu USD), đứng thứ 5 toàn cầu với tốc độ tăng trưởng gấp 2,5 lần thế giới và tăng 8,8% so năm 2023.

Xem thêm