Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh.

Tăng tốc xuất khẩu

Doanh nghiệp đã "biến nguy thành cơ" trước hàng loạt vấn đề như căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị gia tăng tại nhiều quốc gia và khu vực, giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu năm 2025 ghi nhận điểm sáng tích cực.

“Khi thị trường biến động, nếu chỉ ngồi chờ thì sẽ lỡ nhịp”

“Thị trường gặp khó là lúc phải xoay trục thật nhanh” - đó là quan điểm xuyên suốt mà ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, luôn kiên định trong suốt hành trình điều hành doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu toàn cầu liên tục biến động do lạm phát, xung đột địa chính trị và chính sách thương mại thay đổi từ các nền kinh tế lớn, ông Phan Minh Thông một lần nữa khẳng định triết lý kinh doanh linh hoạt và chủ động của mình.

Theo ông Thông, thay vì thu hẹp quy mô sản xuất hay chờ đợi tín hiệu hồi phục, Công ty CP Phúc Sinh đã lựa chọn hướng đi “ngược dòng”: tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và mở rộng tệp khách hàng sang nhiều thị trường mới. Từ việc tham gia các hội chợ quốc tế đến tận dụng các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu, đội ngũ Phúc Sinh không ngừng kết nối, tiếp cận và tìm kiếm đơn hàng từ những đối tác tiềm năng.

Chính nhờ chiến lược chủ động đó, trong năm tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP Phúc Sinh đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 30 - 32% so với cùng kỳ, cao gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình 5% trong những năm gần đây.

Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt ở hai mặt hàng chủ lực là tiêu và cà-phê, Công ty CP Phúc Sinh đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ rất sớm. Ngay từ năm 2010, doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các chương trình phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG quốc tế. Đến năm 2014, Phúc Sinh trở thành một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận Rainforest Alliance - mở cánh cửa vào những thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.

“Khi thị trường biến động, nếu chỉ ngồi chờ thì sẽ lỡ nhịp. Chúng tôi chọn tạo ra cơ hội cho chính mình”, ông Thông khẳng định. Theo ông, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng đã tạo “khoảng trống vàng” để các doanh nghiệp - trong đó có Phúc Sinh - tranh thủ đẩy mạnh đơn hàng, tận dụng thời gian còn lại của năm để tăng tốc xuất khẩu trước khi những biến số thương mại mới có thể phát sinh.

Phúc Sinh chỉ là một điển hình trong việc đóng góp tích cực từ doanh nghiệp giúp cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2025 đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Cán cân thương mại thặng dư 7,63 tỷ USD.

Riêng tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD (giảm 5,7% so với cùng kỳ), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 30,85 tỷ USD (tăng 24,4%). Tính riêng quý II/2025, xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 13,6% so với quý I.

Sáu tháng năm 2025, có 28 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch; trong đó, chín mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp 72,3%. Các nhóm hàng chủ lực gồm: công nghiệp chế biến (194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%); nông - lâm sản (19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%); thủy sản (5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 6 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước nhưng tăng 20,2% so với cùng kỳ. Trong quý II, nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế sáu tháng, nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD; trong đó, khu vực FDI chiếm khoảng 65%, với mức tăng mạnh 22,3%. Có 33 mặt hàng nhập khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó sáu mặt hàng hơn 5 tỷ USD.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tập trung vào máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu. Vật phẩm tiêu dùng đạt 13,28 tỷ USD, chiếm khoảng 6,3%.

Về thị trường, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 70,91 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc và EU. Việt Nam xuất siêu 62 tỷ USD sang Mỹ (tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2024), 19 tỷ USD sang EU và 1,2 tỷ USD sang Nhật Bản. Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc hơn 55,6 tỷ USD, Hàn Quốc 14,6 tỷ USD và ASEAN 7,5 tỷ USD.

Cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững

Xuất khẩu của Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tốt. Tuy nhiên theo số liệu cung cấp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 giảm 0,3% so với tháng trước, chỉ đạt 39,49 tỷ USD.

Trong thời gian tới, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) khuyến cáo, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh.

Cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi... Khuyến khích doanh nghiệp phân tán chuỗi cung ứng; mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cảnh báo, tình trạng thiếu container cục bộ cũng đã bắt đầu xuất hiện, không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà còn ở các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thailand hay Malaysia. Nguyên nhân là do doanh nghiệp tranh thủ container để xuất hàng sang Mỹ trước thời điểm áp thuế đối ứng.

Ông Hải khuyến nghị, các doanh nghiệp cần cập nhật tình hình để phối hợp với đối tác nhập khẩu hoặc xuất khẩu. Đồng thời, cần cẩn trọng hơn trong việc ký kết hợp đồng liên quan đến vận chuyển, logistics và giao nhận hàng hóa nhằm hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh xảy ra các tình huống bất thường như tàu đến chậm hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Theo ông Hải, các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường logistics để có các khuyến cáo và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Song các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc các phương án vận tải thay thế. Đặc biệt, tuyến đường sắt liên vận sang châu Âu hiện vẫn có thể khai thác và là một giải pháp tiềm năng.

Xem thêm