Đó là thực tế kéo dài suốt nhiều năm và cũng là lý do khiến mô hình chính quyền 2 cấp, bắt đầu từ ngày 1/7, được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới: Bộ máy gọn nhẹ hơn, hiệu lực hơn, gần hơn với người dân và doanh nghiệp.
Cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp
Trong số các lĩnh vực chịu tác động mạnh từ thủ tục hành chính, bất động sản luôn là một trong những ngành vướng nhiều rào cản nhất. Từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng, tách thửa đến các giao dịch cho tặng bất động sản…, doanh nghiệp buộc phải trải qua quy trình phức tạp với hàng loạt "chữ ký, con dấu" từ cả ba cấp chính quyền.
Tại Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 5, nhiệm kỳ V (2022-2027) của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Constrexim, thẳng thắn chỉ ra một thực tế đang cản trở dòng vốn đầu tư: Nhiều địa phương e ngại trách nhiệm, không dám ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Tình trạng né tránh này diễn ra phổ biến, khiến các doanh nghiệp bất động sản liên tục rơi vào cảnh chờ đợi mỏi mòn. Nhiều dự án bị đình trệ trong thời gian dài, gây tổn thất lớn về tài chính và tâm lý cho nhà đầu tư.
Theo ông Cây, ở các quốc gia phát triển, nhà đầu tư có thể tính toán lợi nhuận rõ ràng ngay từ đầu bởi giá đất đã được xác lập cụ thể trong quyết định chấp thuận đầu tư. Trong khi đó, tại Việt Nam, quá trình xét duyệt kéo dài hàng năm trời, chi phí phát sinh liên tục và khó lường khiến doanh nghiệp không thể dự toán được hiệu quả đầu tư. Chính sự bất định này buộc họ phải gánh thêm chi phí tài chính và đẩy giá bất động sản lên cao, làm méo mó thị trường và tạo áp lực lớn cho người mua.
Không chỉ riêng bất động sản nhà ở, doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng và xây dựng cũng gặp không ít rào cản tương tự. Ông Trần Thế Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Long Hải cho biết, việc triển khai một dự án hạ tầng đòi hỏi hàng loạt thủ tục hành chính, từ xin cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế, đấu thầu đến phê duyệt quy hoạch… và phải đi qua nhiều cấp chính quyền khiến thời gian xử lý kéo dài hằng tuần, thậm chí hằng tháng khiến tiến độ dự án luôn chậm hơn so dự kiến, chi phí cơ hội tăng cao.
Cũng theo ông Tuyển, chính tầng nấc trung gian là một trong những nguyên nhân khiến chi phí không chính thức phát sinh. Khi phải qua nhiều cấp, mỗi khâu xử lý lại mở ra nguy cơ lạm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm, doanh nghiệp buộc phải “lót tay” để hồ sơ được thông suốt. Do đó, khi bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn, dòng chảy thông tin sẽ được đẩy nhanh, vai trò của cấp cơ sở được phát huy, doanh nghiệp rút ngắn được thời gian “làm thủ tục”.
Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận định, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo tác động sâu rộng tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm tới khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam).
Đặc biệt, đây là lực lượng thường gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận chính sách, nguồn vốn và khả năng mở rộng thị trường, phần lớn bắt nguồn từ những rào cản hành chính kéo dài. Khi quy trình được rút gọn, chi phí tuân thủ giảm, thời gian chờ đợi được rút ngắn, doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện để tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và mở rộng quy mô.

Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định
TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, một môi trường kinh doanh minh bạch, ít rào cản là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt từ khu vực nước ngoài. Khi doanh nghiệp quốc tế có thể tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ sẽ mở rộng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ dòng vốn FDI vào nền kinh tế.
Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, việc cải cách môi trường đầu tư không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Nếu chậm trễ, chính các rào cản thể chế sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh và đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế yếu trên sân chơi quốc tế.
Không dừng lại ở thu hút đầu tư, cải cách hành chính còn tạo ra nền tảng cho mối quan hệ đối tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cảm nhận được sự hỗ trợ thực chất từ phía chính quyền, họ sẽ chủ động hợp tác, chia sẻ và đồng hành trong các mục tiêu phát triển dài hạn. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để cải thiện các chỉ số thành phần trong Bộ Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), như chỉ số về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch hay chất lượng dịch vụ công.
Thực tế cho thấy, những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính luôn là nơi có cộng đồng doanh nghiệp phát triển sôi động và môi trường đầu tư cải thiện rõ rệt. Ngược lại, ở những nơi mà bộ máy cồng kềnh, thẩm quyền chồng chéo và thái độ thờ ơ vẫn còn hiện hữu, các chỉ số PCI thường ở mức thấp và khó tạo sức hút đối với nhà đầu tư.
Dù cải cách chính quyền 2 cấp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vẫn đưa ra cảnh báo về việc quá trình triển khai sẽ không tránh khỏi những thách thức lớn.
Vấn đề đầu tiên là năng lực cán bộ cấp xã, phường. Nhiều người trước đây chỉ quen làm công tác hành chính, nay phải đảm nhận vai trò điều hành thực chất, từ quản lý ngân sách, quyết định đầu tư đến xử lý các vấn đề xã hội. Nếu thiếu nền tảng chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, họ dễ bị động trước yêu cầu mới.
Nguồn lực là thách thức tiếp theo. Phân quyền nhưng không phân bổ ngân sách, không đầu tư nguồn nhân lực, thì quyền hạn cũng chỉ mang tính hình thức. Để cấp xã thật sự vận hành hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế tài chính và tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, con người.
Một rào cản khác là tâm lý sợ sai, ngại va chạm của một bộ phận cán bộ. Đây là cấp gần dân nhất nhưng cũng chịu áp lực dư luận lớn nhất. Nếu không có cơ chế bảo vệ phù hợp, tinh thần dám nghĩ, dám làm sẽ bị triệt tiêu và cải cách sẽ khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống nghị định nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Song song đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, công dân số ở cả cấp tỉnh và cấp xã; từng bước giải quyết thủ tục hành chính toàn trình trên môi trường điện tử.
Nêu quan điểm về những lo ngại này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn nhìn nhận, quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp chắc chắn sẽ phát sinh khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố then chốt quyết định thành công vẫn là đội ngũ cán bộ, công chức. Việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng nhân lực không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết khi chính quyền chuyển từ vai trò quản lý hành chính sang quản trị, phục vụ người dân.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cũng nhấn mạnh vai trò của thị trường lao động trong tiến trình cải cách. Theo bà, việc phát triển hệ thống lao động bền vững không chỉ là yêu cầu ngắn hạn mà còn là động lực dài hạn cho tăng trưởng. Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường lao động hiện đại, minh bạch và liên thông; đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường; thúc đẩy chính sách việc làm bền vững và hỗ trợ khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức. Trong đó, đầu tư có trọng tâm vào phát triển nhân lực số, nhân lực đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tựu trung lại, sự đồng hành và hỗ trợ từ chính quyền các tỉnh, thành phố đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nấc thang thủ tục được gỡ bỏ chỉ thật sự tạo sức bật khi bên trong đó là dòng chảy đổi mới từ từng cán bộ, từng doanh nghiệp. Đường đi của cải cách chưa bao giờ ngắn, nhưng bước chân vững chắc sẽ luôn mở ra hướng mới, cho cả chính quyền và doanh nghiệp.