Các em học sinh trao đổi sau khi thi môn Toán. Ảnh: HẢI NAM
Các em học sinh trao đổi sau khi thi môn Toán. Ảnh: HẢI NAM

Nỗi lo học thêm, dạy thêm từ đề thi khó

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa khép lại, dư luận đã “dậy sóng” về độ khó của hai môn thi Toán và Tiếng Anh. Từ đó, lại tiếp đến nỗi lo dạy thêm, học thêm tiếp tục “có đất” tạo gánh nặng cho phụ huynh và học sinh THPT…

Từ bất ngờ đề Toán tới “sốc” với đề Tiếng Anh

Trong số các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi môn Ngữ văn được các thí sinh mong chờ nhất vì là năm đầu tiên không dùng ngữ liệu từ sách giáo khoa. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán ban đầu, thí sinh lại tỏ ra rất thoải mái sau khi hoàn thành môn thi này. Vừa ra khỏi điểm thi, em Nguyễn Hoàng Hà, thí sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Hồng Thái hồ hởi nói: “Đề thi chính thức môn Ngữ văn đã bám sát cấu trúc đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố trước đó.

Ngữ liệu là một đoạn trích truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đề cập những người lính trẻ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tương đối phù hợp với trình độ tiếp nhận của học sinh lớp 12 - cũng đang là những người trẻ”. “Em rất thích thú với câu nghị luận xã hội về chủ đề “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” vì vừa có ý nghĩa nói về truyền thống yêu nước thiêng liêng nhưng lại rất cập nhật với bối cảnh xây dựng và phát triển của đất nước trong “kỷ nguyên vươn mình”, em Bùi Thu Trang, học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận xét.

Cô Hoài Thanh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đánh giá, đề thi Ngữ văn năm nay khá hay, đáp ứng với sự trông chờ, mong đợi của học sinh và phụ huynh vì đây là năm đầu tiên thi theo chương trình hoàn toàn đổi mới. Đề khá vừa sức với phần lớn học sinh, bảo đảm được nhiều tiêu chí một đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn có tính phân loại khá cao. Đề đáp ứng được tiêu chí: Đổi mới, sáng tạo, bám sát chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình Ngữ văn THPT, vừa sức với học sinh nhưng có tính phân loại cao. Đề có tính thời sự vì ngữ liệu trong đề năm nay bám sát với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước...

Tuy nhiên, trái ngược với đề thi Ngữ văn, với môn Toán và tiếng Anh, thí sinh và phụ huynh đều có chung phản hồi là đề thi quá khó so chương trình được giảng dạy theo sách giáo khoa.

Vừa ra khỏi điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), thí sinh Nguyễn Thu Anh đã bật khóc nức nở khi “vỡ mộng” môn Toán sẽ đạt 8 điểm như mục tiêu đề ra vì đề quá khó. “Phần trả lời trắc nghiệm quá khó, em đọc đề mà tay run lên vì không hiểu. Em đã phải bỏ 2/3 phần điền câu trả lời ngắn, làm bừa 6/16 ý của phần trả lời đúng/sai. So với đề minh họa của Bộ GD&ĐT, em thấy đề dài và khó hơn”, Thu Anh nói và cho rằng, mục tiêu xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) để vào Học viện Ngân hàng như mong muốn khó thực hiện được.

Tương tự, em Hồ Sỹ Đức ở TP Vinh (Nghệ An) than thở: “Vừa nhận đề xong, em đọc phần trắc nghiệm mà xa xẩm mặt mày vì vừa dài, vừa khó. Còn ở phần trả lời đúng/sai, câu hỏi về kiểm soát lượng thuốc tồn dư trong nuôi trồng thủy sản là câu hỏi quá khó. Câu này không chỉ kiểm tra kiến thức Toán học, mà còn thử thách kỹ năng đọc hiểu. Khi luyện tập, em chưa gặp dạng bài dài và nhiều dữ liệu phức tạp như vậy!”.

Đề Toán thi tốt nghiệp THPT 2025 lần đầu diễn ra theo chương trình mới, gồm ba phần: Chọn phương án (12 câu), trả lời đúng sai (bốn câu) và trả lời ngắn (sáu câu). Thời gian làm bài 90 phút.

Ở môn thi Tiếng Anh, vừa kết thúc bài thi, nhiều “cơn mưa nước mắt” cũng xuất hiện tại các điểm thi. Vũ Hải Anh, thí sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức vốn tự tin với 7,5 điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS nhưng cũng e dè khả năng bản thân chỉ đạt điểm 7 ở bài thi này. “Đề chỉ có khoảng 15-20 câu cơ bản mà những thí sinh trung bình cũng có thể làm được. Còn lại, đề thi xuất hiện nhiều từ vựng, thuật ngữ học thuật chưa từng xuất hiện trong sách giáo khoa hay khi luyện đề minh họa. Ngoài bài đọc, phần đục lỗ (điền cụm từ còn thiếu vào đoạn văn” cũng là những “chướng ngại vật”!

Nhiều giáo viên đánh giá độ khó của đề thi Tiếng Anh vượt mức những năm trước và có tính phân loại cao. Theo thầy cô, mức độ kiểm tra từ cấp độ câu đơn lẻ lên cấp độ đoạn văn, bài văn, đoạn hội thoại có ngữ nghĩa đầy đủ. Lượng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp cũng cao so với nội dung trong sách giáo khoa.

Thầy Nguyễn Bá Trường Giang, nhà sáng lập Trung tâm Anh ngữ The Ivy-League Vietnam nhận định, đề tiếng Anh năm nay khá hay, với nhiều chủ đề cập nhật từ công nghệ, nông nghiệp tới môi trường, cùng với đó là các câu trả lời đa dạng, phong phú. “Tuy nhiên, có thể không ít học sinh ở nông thôn, miền núi khi đọc đề thi Tiếng Anh năm nay đã “choáng” vì khối lượng từ mới trong các bài đọc và câu hỏi tương đối lớn. Bản thân tôi đã bấm giờ 50 phút để giải đề này và mất tới 45 phút để hoàn thành. Trong khi đó, theo chuẩn các kỳ thi quốc tế thì bài đọc IELTS là 60 phút cho 40 câu hỏi, TOEFL là khoảng 35 phút cho 20 câu hỏi. Còn ở đề thi này, thí sinh có 50 phút cho 40 câu hỏi với mức xấp xỉ trình độ B2+ là rất gấp”, thầy Giang chia sẻ.

Đề thi được xây dựng trên cơ sở thư viện đề phong phú

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đề thi năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tích hợp kiến thức liên môn và tăng tính thực tiễn, đáp ứng đồng thời ba mục tiêu: Đánh giá kết quả học tập của học sinh; sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu tin cậy phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng theo cơ chế tự chủ.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là đề thi được xây dựng trên cơ sở thư viện đề phong phú, sử dụng phần mềm tạo ma trận ngẫu nhiên nhằm tăng tính khách quan, chống học tủ, học lệch. Yêu cầu học sinh phải học thật, thi thật. Với yêu cầu phân loại cao, cách thức này sẽ tiếp tục được triển khai từ năm nay trở đi.

Tại họp báo ngay sau kỳ thi, trước câu hỏi của báo chí về việc nhiều thí sinh và giáo viên phản ánh đề thi Toán, Tiếng Anh năm nay có độ khó cao, nhất là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT 2025 cho rằng, cấu trúc và định dạng đề năm nay có nhiều thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới nên học sinh có thể chưa quen.

Do yêu cầu đánh giá năng lực học sinh còn mới nên thí sinh còn bỡ ngỡ. Về độ khó, Ban chỉ đạo thi đã trao đổi, quán triệt trước khi kỳ thi diễn ra. Vì là năm đầu đổi mới nên không thay đổi đột ngột về trạng thái đề thi cũng như độ khó.

Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc, định dạng đề thi cũng như đề thi tham khảo để giáo viên, học sinh quen với đề thi. Trước khi Hội đồng đề thi làm việc, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thử nghiệm đề thi trên diện rộng ở cả ba miền nhằm đánh giá khả năng của học sinh nhằm điều chỉnh thích hợp độ khó của đề thi. Các số liệu, phổ điểm thi đều được trao đổi kỹ với các tổ làm đề thi. Do đó, theo GS Nguyễn Ngọc Hà, yêu cầu đề thi là bám sát đề tham khảo đã công bố, độ khó dựa trên đề thi đã thử nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, lứa thí sinh 2k7 (sinh năm 2007) chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, dạy học trực tuyến trong thời gian dài thầy trò tạm ngừng đến trường nên chất lượng còn thấp. Thời gian các trường dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sách giáo khoa mới tuy có nhiều cố gắng thực hiện nhưng độ khó của đề thi được thử nghiệm cho học sinh ở ba miền mới chỉ một lần, là quá ít.

Với môn Tiếng Anh, thầy Nguyễn Bá Trường Giang cho rằng: Cần đặt câu hỏi: Liệu với đề thi này thì một học sinh chỉ học Tiếng Anh vỏn vẹn theo chương trình sách giáo khoa thì có thể làm được bao nhiêu phần trăm? “Theo đánh giá chủ quan của tôi, đề thi có chất lượng ngôn ngữ cũng như độ khó tham khảo theo chuẩn CEFR (Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu) và phổ từ vựng tương đối rộng, có thể khiến rất nhiều học sinh phổ thông lúng túng, kể cả những học sinh đã có thời gian ôn luyện thêm tiếng Anh mở rộng bên ngoài chương trình sách giáo khoa”, thầy Giang nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến của phụ huynh và các thầy, cô giáo cho rằng, cần sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2026 để các trường THPT chủ động khi xây dựng kế hoạch giáo dục năm học 2025-2026 và học sinh được chủ động kiến thức ôn thi, không thì sẽ dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan nhằm “ăn theo” do đề thi quá khó.

Xem thêm