Khi sự tử tế bị... coi thường

Một người qua đường, chìa bàn tay giúp người bị tai nạn. Nhưng cuối cùng lại trở thành “hung thủ” trong con mắt người nhà nạn nhân. Một người lạ mặt hướng dẫn bạn thực hiện một việc gì đó. Nhưng cũng lại dễ bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ, chẳng có sự giúp đỡ nào là vô tư cả, nếu chưa muốn nói đến đây chỉ là mở đầu của màn lừa đảo.

Thật kỳ lạ, mỗi người chúng ta từ lúc bé thơ đã được chỉ dạy những chuẩn mực như một thứ kim chỉ nam. Thử hỏi đã có ai chưa bao giờ nghe: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… Nhưng rồi dần dần, từ chuẩn mực, sự tử tế đang trở thành ngoại lệ.

Không ít người tốt bụng không còn dám làm việc tử tế. Mỗi lần chìa bàn tay giúp người bị nạn, họ phải đối mặt với đủ thứ lo lắng. Những việc mình làm liệu có bị quay phim, chụp ảnh… để rồi phải chịu soi mói, suy diễn từ mọi người chung quanh. Khi mình muốn giúp người khác thì lại bị nghi ngờ, từ chối: “anh giúp tôi để làm gì?”.

Trong một xã hội càng ngày càng hiện đại, thật buồn là cái xấu lại đang áp đảo. Trên mạng tràn ngập các thông tin tiêu cực, tin giả… Những vụ lừa đảo khoác trên mình danh nghĩa thiện tâm. Những người nổi tiếng tận dụng danh tiếng để bán hàng kém chất lượng cho những “con chiên” bị chăn dắt bởi sự hào nhoáng. Hội chứng thế giới tàn bạo (Mean World Syndrome) ra đời từ những năm 1970 và đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Không có gì là không thể trong một xã hội quá phong phú đến mức vượt tầm kiểm soát.

Nhưng sự tử tế dù mong manh, vẫn còn hiện diện. Ngay trong đại dịch Covid-19, thời điểm cả xã hội như co lại vì sợ hãi và nghi kỵ, một khảo sát công bố trên The Open Psychology Journal năm 2021 cho thấy, đa số người Việt vẫn chọn cách giúp đỡ lẫn nhau vì sự an toàn của cộng đồng. Có những thời điểm, tử tế không chỉ là chuẩn mực mà còn là phản xạ tự nhiên trước khó khăn. Chúng ta đã từng chia nhau từng gói mì, chai nước sát khuẩn hay đơn giản chỉ là một lời động viên qua cửa sổ khu cách ly.

Thế nhưng sau “mùa dịch”, tâm lý phòng thủ đang lớn dần. Chưa cần bị lừa, mỗi chúng ta cũng hình thành tâm lý nghi ngờ. Gặp ai cũng dè chừng vì cảm giác, sớm hay muộn, chuyện ấy cũng sẽ đến với mình. Thà cẩn thận từ trước còn hơn “nước đến chân mới nhảy”. Chính chúng ta đang khép dần cánh cửa với góc tử tế trong chính chúng ta.

Những người muốn sống tử tế ngày càng bị thử thách. Thậm chí, muốn sống tử tế có khi phải thật sự dũng cảm. Giữa một xã hội bao phủ bởi những tâm lý tiêu cực, người tử tế chỉ như một ngọn đèn nhỏ. Không thể xóa tan hết sương mù, nhưng vẫn đủ để giữ ấm cho lòng tin, ít nhất trong chính mình!

Xem thêm