Chúng ta đã thật sự sống khác với “bình thường mới”?

Chưa xa, có những buổi sáng Hà Nội vắng lặng. Dưới phố không một bóng người, văng vẳng tiếng loa phường đều đều với thông điệp lặp đi lặp lại.

Không gian, thời gian và cả con người… ngăn cách nhau bởi những hàng chắn hạn chế di chuyển. Những ký ức ấy chỉ mới như hôm qua, khi đại dịch ập đến. Thế rồi xã hội trở lại guồng quay cũ, vội vã chẳng chờ đợi ai. Chúng ta nói về “bình thường mới”, nhưng thật sự sống đã khác đi hay vẫn còn đâu đó những lo lắng lẩn khuất trong tâm trí?

Không ra ngoài mà vẫn phải sống, người người, nhà nhà duy trì công việc bằng trực tuyến. Những điều tưởng chừng chỉ có thể “cầm, nắm” mới xong, hóa ra lại giải quyết được từ xa. Có nhiều thời gian hơn, mỗi người tự lên cho mình lịch trình mới để chống chọi với áp lực dịch bệnh. Thói quen rèn luyện thể dục, ăn uống khoa học… ùa về. Mâm cơm gia đình bỗng dưng trở nên đủ đầy, thường xuyên. Hóa ra, khi xã hội cách trở, cũng là lúc gia đình trở nên gắn kết.

Khảo sát của Nielsen vào năm 2020 cho thấy, 62% người Việt cho biết, họ “ăn ở nhà nhiều hơn” sau dịch Covid-19, một sự thay đổi rõ rệt trong sinh hoạt gia đình. Những thói quen tưởng như chỉ là tạm thời ấy, đến nay, vẫn tiếp tục hiện hữu. Nghiên cứu năm 2023 của Tạp chí Công thương cũng ghi nhận 81% người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến thường xuyên, 69% ưu tiên sản phẩm xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe. Tư duy tiêu dùng và lối sống sau đại dịch đã thay đổi. Những thói quen cũ dần nhường chỗ cho lựa chọn tiện lợi, có trách nhiệm.

Rồi một sáng mai thức giấc, những rào chắn biến mất, cả xã hội ùa chân xuống phố. Tâm tư trống vắng được lấp đầy bằng xe cộ chen chúc trên những con đường cũ. Người ta lại lao vào công việc như thể vừa trải qua một cuộc chia ly. Mới hôm qua thôi, gia đình là tất cả, thì hôm nay công sở, nhà máy… lại thành ưu tiên. Thậm chí, nhiều người phải cố gắng hơn nữa để bù lại những gì đã lỡ. Có ai đó vội vã xây lại lâu đài để nhanh chóng quên đi tàn tích cũ.

Bình thường, không bình thường, rồi lại “bình thường mới”... có những ranh giới tưởng chừng bất định, hóa ra mong manh đến thế. Khi đi hết một chặng đường chông gai, liệu đã đủ để làm chúng ta trân quý phút bình yên xưa cũ? Những thay đổi dường như đủ làm yên lòng số đông: Tốc độ tăng trưởng dần quay lại, thuế phí được giảm bớt, tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế, dịch vụ công kết nối thuận tiện hơn… Có một thoáng hy vọng rằng, tất cả không chỉ là một xu thế nhất thời.

Cuối cùng, điều gì là “bình thường mới” thật sự, điều gì chỉ là dấu ấn của “cơn sóng” đã qua? Mỗi người sẽ tự tìm cho mình câu trả lời. Có lẽ, “bình thường mới” không chỉ nằm ở những thói quen vừa hình thành, mà còn ở cách mỗi cá nhân chấp nhận đổi thay, biết giữ lại những điều tốt đẹp đã từng vun vén trong những ngày giông gió. Đó cũng là lúc, chúng ta học cách lắng nghe chính mình, lắng nghe nhịp thở của cộng đồng, để không một lần nữa đánh rơi phút bình yên quý giá.

Xem thêm