Ngoài chuyện bất khả xâm phạm về mọi mặt, những nhu cầu về vật chất, dinh dưỡng, phát triển toàn diện về con người, giáo dục, thể chất và tinh thần của trẻ luôn luôn được tất cả các quốc gia trên thế giới đặt lên hàng đầu.
Ai chẳng nhớ ngày xưa, những đứa trẻ ở quê thèm chiếc kẹo vừng. Cũng chắc trong ký ức tuổi thơ của người lớn, có mấy ai không từng chia nhau, thậm chí ngậm chung cây kẹo kéo. Nhớ cái vị ngọt ngào nóng hổi tan trong miệng, nhìn đám bạn thân nghểnh cổ đứng hóng người bán kẹo bên cổng trường, hay ở ngay đầu làng, ngoài ngõ là thấy cả bầu trời tuổi thơ kéo về. Trong trẻo và mãn nguyện!
Những người có thói quen đi núi, thường thủ sẵn trong túi vài viên kẹo, túi bánh.Mong có khi gặp những đứa trẻ đi nương, hay chơi vạ vật ven đường thì tặng chúng chút niềm vui nho nhỏ. Dường như, cái niềm vui nhỏ nhoi ấy, đôi khi người đưa tặng giữ được dư vị lâu hơn. Mà kẹo, với vùng cao khi giá rét, là cách giữ nhiệt cực kỳ hiệu quả.
Giờ lên vùng cao xứ Tuyên, nơi nổi tiếng với những Mã Pì Lèng, sông Nho Quế xanh trong, với Thẩm Mã quanh co, với Đồng Văn, Mèo Vạc hùng vĩ và cả với những đồng bào dân tộc thân thương, mến khách, đôi khi bắt gặp vài dòng cảnh báo được cắm ở ven đường, đại ý là du khách không nên tặng quà, cho tiền trẻ em bản địa, bởi như vậy có thể khiến các em không muốn tới trường.
Dòng cảnh báo đúng là thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho thế hệ tương lai của vùng đất này. Nó cũng mang tính khuyến cáo du khách về con dân sở tại, thể hiện sự tự tin am hiểu tính chất vùng miền, bản địa của người làm những tấm biển ấy.
Nhưng thiển nghĩ, trẻ con nào không thích kẹo?! Thiếu nữ nào chẳng muốn có chiếc váy đẹp để xuống chợ mỗi phiên?! Cũng giống như người trí thức nào chẳng muốn có không gian và hoàn cảnh để hết mình cống hiến?!
Nghĩ thế để thấy rằng, thay vì khuyên răn du khách bớt cho kẹo, cho tiền trẻ em bản xứ bởi có thể khiến chúng sinh hư, có lẽ những người làm ra tấm biển ấy nên có cách nào đó cụ thể hơn để giúp bố mẹ những đứa trẻ ấy tự trang trải cuộc sống, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đám trẻ con mà họ thương yêu không kém gì những gia đình ở miền xuôi vốn đầy đủ điều kiện vật chất và kinh tế. Khi lũ trẻ vùng cao và gia đình chúng có điều kiện đủ đầy thì chẳng có lý gì mà chúng phải đi bán hàng, đi tết vòng hoa đội lên đầu rồi chụp ảnh cùng du khách, thậm chí là biết chắp tay cảm ơn sau khi nhận những món quà nho nhỏ từ khách thập phương. Có lẽ khi ấy, chúng sẽ học hành đầy đủ, được đi biển nghỉ hè, đi đó đi đây…
Giúp dân xây dựng xã hội văn minh, ổn định, phát triển kinh tế bền vững. Đó là trách nhiệm quan trọng nhất của những người làm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi nền văn minh phát triển, cái xấu đương nhiên sẽ bị loại trừ. Khi người ta biết yêu thương, sẽ chẳng còn đất sống cho cái ác.
Cũng như con trẻ thích quà là lẽ đương nhiên. Và đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy một cách phù hợp, thậm chí vô điều kiện lại là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội.