Hướng đến an sinh bền vững
Luật BHYT năm 2024 đã mở rộng quyền lợi BHYT, xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh (KCB) như: Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán đối với KCB từ xa, mở rộng thanh toán chi phí vận chuyển trong một số trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho người dưới 18 tuổi; nâng mức hưởng BHYT lên 100% chi phí KCB đối với một số nhóm đối tượng…
Luật mới mở rộng đáng kể đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt chú trọng nhóm yếu thế như người cao tuổi. Kể từ ngày 1/7, người từ 75 tuổi trở lên và người 70 tuổi nếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí. Bên cạnh đó, luật quy định cụ thể các nhóm đối tượng thuộc diện phải tham gia BHYT như: Người lao động (NLĐ) làm việc phi chính thức, bổ sung các nhóm đối tượng mới như nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; cùng các đối tượng khác được quy định bởi luật liên quan; khuyến khích và động viên các cá nhân làm công tác chăm sóc sức khỏe ở các khu vực vùng sâu, vùng xa…
Luật mới cũng tăng mức hỗ trợ tham gia BHYT từ ngân sách nhà nước cho người cận nghèo và người thuộc hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp, nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận BHYT… Đặc biệt, bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHYT có tính chất nghiêm trọng, nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật…
Luật BHXH năm 2024 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung lớn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia so với Luật BHXH năm 2014 như: Luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Theo đó, người từ đủ 75 tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT do ngân sách đóng. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện trên được hưởng từ khi đủ 70 tuổi.
Luật bổ sung các quy định để liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản. Theo đó, người đủ tuổi nghỉ hưu, chưa đủ 15 năm đóng BHXH, chưa đủ 75 tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí hằng tháng từ chính khoản đóng của mình (nếu có yêu cầu). Khi hưởng trợ cấp, BHYT của họ do ngân sách đóng. Luật gia tăng quyền lợi của NLĐ bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với 5 nhóm đối tượng: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; NLĐ làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên… không hưởng tiền lương.
Luật bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Từ ngày 1/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh. Luật gia tăng cơ hội được hưởng hưu trí cho người lao động bằng cách giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Luật bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Cụ thể, NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần có cơ hội được thụ hưởng thêm ba quyền lợi so với Luật BHXH năm 2014. Luật gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu đối với NLĐ Việt Nam tham gia BHXH ở nước ngoài và lao động nước ngoài tham gia BHXH ở Việt Nam thông qua việc bổ sung quy định tính lương hưu cho hai nhóm này.
Luật gia tăng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ bằng việc bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH; bổ sung các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH; trường hợp trốn đóng BHXH có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cuối cùng, Luật tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH bằng cách: Bổ sung quy định giao dịch điện tử; đơn giản hóa thủ tục thực hiện BHXH...
Đánh giá về thời điểm hai luật này có hiệu lực thi hành, Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
HƠN 250 BỆNH ĐƯỢC KÊ ĐƠN THUỐC NGOẠI TRÚ TỪ 30 - 90 NGÀY
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở KCB. Theo Thông tư này, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì giới hạn tối đa 30 ngày.
Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày do Bộ Y tế ban hành có 16 nhóm bệnh là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa,…
Danh mục này có tổng cộng 252 bệnh, trong đó có các bệnh mạn tính phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm... cho đến viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, parkinson, alzheimer, sa sút trí tuệ, các bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ, cũng như một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì.
Thông tư cũng quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình, bảo đảm phù hợp chẩn đoán, mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đề xuất này không chỉ làm giảm phiền hà cho người bệnh mà còn giảm tải cho bệnh viện.
Người dân kỳ vọng
Anh Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi) trú ở phường Hoàn Kiếm, Hà Nội làm việc trong ngành kiểm toán nên thường xuyên phải đi công tác xa. Anh cho biết: “Kể từ ngày 1/7, thực hiện xóa bỏ địa giới hành chính trong KCB nên nếu tôi đi công tác ở địa phương nào, lỡ mắc bệnh thì có thể KCB ở bất kỳ cơ sở y tế cơ bản và được BHYT thanh toán”.
Sáng 1/7, em Nguyễn Lan Anh (7 tuổi) ở xã Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đã xếp hàng từ sớm tại Bệnh viện Mắt T.Ư để điều trị bệnh lác. Chị Lê Thanh Lan, mẹ của em cho biết: “Trước đây, chỉ các cháu từ 6 tuổi trở xuống mới được BHYT thanh toán điều trị lác. Nay việc mở rộng độ tuổi từ 6-18 được BHYT chi trả điều trị lác và tật khúc xạ khiến con tôi có thêm cơ hội chữa bệnh vì gia cảnh chúng tôi rất khó khăn”. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 3.000 trẻ bị lác, tuy nhiên, rất nhiều cháu ở vùng sâu, vùng xa, các cháu có hoàn cảnh khó khăn phải lên đây chữa trị nhưng vì quá 6 tuổi nên không được BHYT chi trả.
Thông tin về việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo NLĐ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người tham gia BHXH tự nguyện ở độ tuổi trung niên, NLĐ không chính thức hoặc người chưa có điều kiện đóng góp liên tục trong nhiều năm. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều người có thể thụ hưởng lương hưu sớm hơn.
Anh Trần Văn Thái (phường Gia Sàng, tỉnh Thái Nguyên) tham gia BHXH được 10 năm hai tháng. Trước khi nghỉ việc do doanh nghiệp giải thể, anh từng dự định rút BHXH một lần. Sau khi được cán bộ BHXH tư vấn về các quy định mới, anh đã thay đổi quyết định: “Biết mình chỉ cần đóng BHXH tự nguyện thêm 5 năm nữa là đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng, tôi quyết định tiếp tục tham gia thay vì rút một lần”.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa nhận định, Luật BHXH năm 2024 quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn là “khởi kiện người có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động”. Theo ông Cảnh, quy định này tiếp tục ghi nhận quyền khởi kiện của công đoàn để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ trong việc thực thi chính sách về BHXH, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp vi phạm.
Luật sư Nguyễn Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội rất tâm đắc với nội dung Luật BHXH năm 2024 bởi đã minh định rõ về việc chậm đóng và trốn đóng BHXH, từ đó có các quy định mạnh tay xử lý vấn đề này. Bởi lâu nay, tình trạng chậm đóng, nợ BHXH rất phức tạp và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của NLĐ. Bà Nga cho rằng: “Thời gian qua, các doanh nghiệp nợ BHXH tương đối nhiều làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ. Luật BHXH mới buộc doanh nghiệp phải đóng số tiền chậm đóng và phải nộp thêm một khoản tiền là 0,03%/ngày số tiền chậm đóng là biện pháp rất mạnh để xử lý doanh nghiệp chây ỳ, không đóng BHXH cho NLĐ”.
Ngoài ra, Luật BHXH năm 2024 còn làm rõ khái niệm trốn đóng BHXH là doanh nghiệp nợ BHXH từ 60 ngày trở lên. Quy định này giúp các cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự doanh nghiệp theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự. “Với các quy định chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ, tôi nghĩ sẽ giải quyết triệt để được việc các doanh nghiệp không đóng BHXH cho NLĐ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực”, bà Nga nhấn mạnh.