“Mẹ đỡ đầu” Lê Thị Hường và bé Lê Minh Khôi.
“Mẹ đỡ đầu” Lê Thị Hường và bé Lê Minh Khôi.

Trách nhiệm xã hội từ vòng tay “mẹ”

Không phải lúc nào “mẹ” cũng là người sinh thành, nhưng tình yêu thương có thể tạo nên những điều kỳ diệu.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang viết tiếp hành trình nhân ái ấy, nơi những tấm lòng vàng lặng lẽ đồng hành, trở thành điểm tựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh.

Nâng đỡ những ước mơ dang dở

Bé Lê Minh Khôi, 7 tuổi, không còn nhớ gương mặt mẹ đã rời bỏ em khi vừa dứt sữa. Vài năm trước, bố em cũng qua đời vì bạo bệnh, để lại Khôi sống cùng ông bà nội ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. “Một người mắt kém, một người bệnh tim, chúng tôi vẫn cố lo cho cháu từng bữa cơm nhưng dạy dỗ hay hướng dẫn học hành quả thật quá sức”, cụ Ngô Văn Xuyến, ông nội của Khôi nghẹn giọng.

Giữa cái oi ả đầu hè, bữa cơm nhiều khi chỉ có bát canh rau muống và vài miếng cá khô. Nhưng điều khiến ông bà của Khôi ấm lòng là sự có mặt thường xuyên của những “người mẹ” không máu mủ. Họ những người phụ nữ ở xã Viên An. “Rảnh lúc nào, chúng tôi tranh thủ sang nhà cháu. Người dọn dẹp, người dạy học. Khôi còn nhỏ quá, ông bà thì yếu rồi. Mình cũng là một người mẹ, thấy con mình đủ đầy mà nghĩ đến các cháu mồ côi, đúng là chảy nước mắt”, chị Lê Thị Hường chia sẻ.

Cũng như Khôi, em Vũ Minh Thư (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) sống trong cảnh bố mất sớm, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Minh Thư hiện đang học lớp 12, lứa tuổi cần định hướng tương lai nhưng em luôn rụt rè, khép kín. “Nhờ có các “mẹ đỡ đầu” ở huyện Gia Lâm, em được tham gia các lớp kỹ năng sống, được giới thiệu tới các chương trình định hướng nghề nghiệp. Những trải nghiệm đó đã giúp em định hình dần con đường tương lai của mình”, Thư tâm sự.

Câu chuyện của bé Ngô Minh Khôi hay Minh Thư chỉ là hai trong hơn 5.600 trẻ em mồ côi ở Hà Nội đang rất cần những vòng tay chở che. Khởi đầu từ con số 389 trẻ được nhận đỡ đầu vào năm 2021, sau 3 năm, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã hỗ trợ tổng cộng 1.277 em. Mỗi em được hỗ trợ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng mỗi tháng, với tổng kinh phí đã trao và cam kết lên tới gần 9,85 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2025, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội đã nhận đỡ đầu hoặc kết nối đỡ đầu cho 1.261 trẻ mồ côi.

Tấm lòng đỡ đầu đến từ nhiều phía: 413 tổ chức, cá nhân tham gia, trong đó có 224 “mẹ” là cán bộ, hội viên phụ nữ; 163 đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và 26 “bố” đỡ đầu. Mỗi người một cách, nhưng cùng chung một mong muốn để giấc mơ trẻ thơ không bị đứt gãy giữa chừng.

61.jpg
Sau đại dịch Covid-19, cả nước có hơn 2.300 trẻ em mất cả cha lẫn mẹ, cần được chăm sóc, vỗ về.

Cần thêm nhiều tấm lòng nhân ái

Là sáng kiến do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, hành trình lan tỏa yêu thương của chương trình "Mẹ đỡ đầu" vẫn đang tiếp tục vươn xa đến khắp mọi miền, giúp hàng triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt lên số phận. Tháng 11/2021, sau khi chồng mất vì Covid-19, chị Lê Thị Út Thọ (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) một mình gồng gánh nuôi hai con trong cảnh bấp bênh. Nhưng rồi, chị và các con đã nhận được hơi ấm từ cộng đồng, đặc biệt là những "mẹ đỡ đầu" ở huyện Giồng Trôm. Con gái lớn của chị, bé Duy Anh, đã được kết nối gửi đến Trường Hy Vọng (Đà Nẵng) học tập. "Nhìn con được học hành tử tế, tôi như có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn," chị Thọ nghẹn ngào chia sẻ.

Chia sẻ về hành trình lan tỏa yêu thương, bà Bùi Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Nhượng cho biết: Không chỉ hỗ trợ các con về vật chất mà “mẹ đỡ đầu” còn mong muốn chăm lo cho các con như những người mẹ thực thụ, để các con cảm nhận được tình cảm yêu thương trong quá trình trưởng thành. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực hỗ trợ sinh kế, tìm kiếm việc làm cho các gia đình khó khăn, giúp họ vững vàng hơn trên hành trình nuôi dạy con cái.

Bà Tạ Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Trôm cho biết, huyện có 315 trẻ mồ côi, trong đó 13 em mất cha mẹ do Covid-19, trong đó Hội đã triển khai đỡ đầu cho 286 em. Việc tìm kiếm nhà hảo tâm đều do các chị em ở cơ sở chủ động kết nối để các con được lớn lên trong đủ đầy cả vật chất và tình yêu thương.

Không dừng ở hỗ trợ tài chính hay hiện vật như tiền học, học bổng, thẻ bảo hiểm y tế hay sổ tiết kiệm, điều quý giá nhất mà chương trình mang lại chính là tình yêu thương và trách nhiệm của cộng đồng dành cho những em nhỏ thiệt thòi. Tuy nhiên, từng ấy vẫn là chưa đủ. Sau đại dịch Covid-19, cả nước có hơn 2.300 trẻ em mất cả cha lẫn mẹ. Những người phụ nữ dù tận tâm đến mấy cũng không thể một mình gánh đỡ tất cả. Một vài “mẹ” không thể gánh hết nỗi đau của hàng trăm “con”.

Tại Bến Tre, qua 5 năm triển khai, các cấp hội đã theo dõi và nắm rõ hoàn cảnh của 1.317 trẻ mồ côi, trong đó 101 trẻ mất cha mẹ do Covid-19. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai như bão Yagi gây ra nhiều tổn thất, để lại hàng trăm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, việc nâng đỡ các con trong bước đường trưởng thành là trăn trở lớn với chúng tôi. Trong 5 năm qua, Bến Tre đã đỡ đầu được 1.228 trẻ với tổng kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể tổ chức bài bản, chương trình rất cần nguồn kinh phí ổn định và trên hết là sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân hơn nữa”.

Để hành trình ấy bền vững, rất cần sự đồng lòng, chung tay của toàn xã hội, bằng tấm lòng, hành động và cả niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Xem thêm