Phan Lê Trung Kiên (Nông Sơn, Quảng Nam)
Những năm gần đây, hễ trời đổ mưa, đặc biệt là vào mùa bão lũ, những vụ sạt lở đất đá lại lặp đi lặp lại ở nhiều vùng núi, trong đó có Quảng Nam (vừa sáp nhập vào TP Đà Nẵng, chính thức hoạt động từ 1/7). Những tổn thất về người và của là nỗi ám ảnh thường trực, đặt ra câu hỏi lớn về nguyên nhân sâu xa. Tôi cho rằng, đây là điều tất yếu khi rừng tự nhiên bị mất đi, nhưng liệu có phải chỉ là sự "mất rừng" đơn thuần, hay còn là hậu quả từ chính loại cây thay thế?
Nhiều vùng núi Quảng Nam hiện nay, cây keo đang thay thế cho những cánh rừng tự nhiên. Chu kỳ trồng và thu hoạch keo thường khá ngắn, chỉ từ 5 - 7 năm. Khi cây keo được thu hoạch, thân gỗ được đưa đi, nhưng một phần lớn hệ rễ và gốc của chúng vẫn nằm lại trong lòng đất. Những nghiên cứu đã chỉ ra: Rễ keo khi mục đi sẽ để lại những khoảng trống, những “lỗ rỗng” ngầm, dần tạo thành các kênh dẫn nước tự nhiên dưới lòng đất. Mỗi chu kỳ thu hoạch keo lại biến chúng thành “những con sâu đục khoét”ngầm, âm thầm tích tụ hiểm họa sạt lở. Điều này khiến cho tầng mặt đất đồi rừng trở nên rời rạc, khi nước mưa thấm vào, đất không còn khả năng giữ nước và kết dính tốt. Lượng nước tích tụ lớn, kết hợp với cấu trúc đất lỏng lẻo do rễ mục để lại, dễ dàng phá vỡ bề mặt, làm giảm ma sát giữa các lớp đất, từ đó tạo nên sự chảy trượt đột ngột và mạnh mẽ của khối đất. Đất trên cao trượt trước đè đất phía dưới, đất phía dưới trượt trước tạo khoảng hở cho vùng đất trên cao. Cả hai cách trượt bề mặt này đều tạo ra xung lực kéo theo cả hệ thống sườn đồi, vách núi cùng trượt vậy là sinh ra sạt lở.
Cần một cái nhìn toàn diện về bảo vệ rừng và trồng rừng. Cây keo cho giá trị kinh tế nhưng không phải biện pháp lâu dài.