Nguy cơ lỡ nhịp vì thiếu kết nối
PGS, TS Trần Quang Phú, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc thiếu đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông với TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả vùng, có thể khiến tiềm năng của khu đô thị sân bay Long Thành không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Hiện việc di chuyển giữa hai nơi chỉ mới được thực hiện qua cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 51.
Đáng nói, các tuyến đường này đã rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc, kẹt xe thường xuyên. Trong khi đó, các dự án kết nối như Vành đai 3, cao tốc Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu vẫn đang trong giai đoạn thi công. "Đô thị sân bay tích hợp là một xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đơn cử như sân bay Incheon (Hàn Quốc) hay sân bay Schiphol (Hà Lan) đều có hệ thống giao thông đa phương thức hoàn chỉnh để người dân, nhà đầu tư lựa chọn. Tương tự, với một siêu đô thị sân bay như Long Thành, vận tải đa phương thức (đường bộ, cao tốc, xe buýt, metro…) là điều rất cần thiết", ông Trần Quang Phú nhận định.
Do đó, tầm nhìn của Long Thành không chỉ là xây dựng một sân bay hiện đại mà là quy hoạch đồng bộ các khu đô thị, công nghiệp, logistics, thương mại và dịch vụ, kết nối bằng mạng lưới hạ tầng đa phương thức. Để phát huy hiệu quả các nguồn lực, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng để khai thác tối ưu quỹ đất dọc hai hành lang tuyến.
Là đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhấn mạnh: Dự án sẽ đưa vào khai thác trong tương lai gần, song còn nhiều lo ngại về tính kết nối. Ông Cường nêu thí dụ: Khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Long Thành hiện khoảng 2 giờ trong điều kiện giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian có thể kéo dài lên 5 giờ hoặc lâu hơn nếu kẹt xe trên cao tốc hoặc quốc lộ. Độ trễ về thời gian sẽ khiến nhiều người e ngại. Khi nhu cầu đi lại thấp, các hãng bay cũng không mặn mà mở đường bay. Đây là bài toán lớn cần sớm có lời giải cụ thể.

Phát huy hiệu quả các nguồn lực
PGS, TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi Long Thành đã được định vị là đô thị sân bay thì cần xác định rõ vị thế và tầm nhìn chiến lược của dự án trong bối cảnh phát triển của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước chứ không chỉ là một dự án riêng lẻ. Để khai thác hiệu quả tiềm năng kết nối, đầu tư, cần phát huy vai trò và đóng góp của các nguồn lực, đặc biệt là khu vực tư nhân và tận dụng tối đa các cơ hội và không gian phát triển mới. Có thể đề xuất Chính phủ xem xét ưu tiên đặc biệt cho dự án như một ưu tiên hàng đầu quốc gia.
Theo TS, KTS Trịnh Hồng Việt, Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia, nhằm hoàn thiện kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và Long Thành, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhanh và hiệu quả tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Giai đoạn 2025-2030 sẽ triển khai hệ thống đường sắt, đường sắt đô thị kết nối hai sân bay Tân Sơn Nhất-Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, một "công trình thế kỷ" được xây dựng trên diện tích 5.000 ha. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 336 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến khai thác từ năm 2026 với công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm.
Hiện tại, bên cạnh các dự án hạ tầng đường bộ đang triển khai, nhiều dự án khác đã được các địa phương đề xuất nhằm tăng kết nối như dự án cao tốc Đô thị Hồ Tràm-Sân bay Long Thành; đề xuất các phương án triển khai cầu Cát Lái 2, Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2… để giúp người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong lưu thông.
Ngoài ra, trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt còn có tuyến đường sắt Đô thị Thủ Thiêm-Sân bay Long Thành; dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây, đường sắt tốc độ cao… Trong tương lai, khi mạng lưới giao thông đa phương thức này hoàn thiện, các cơ hội, tiềm năng của đô thị sân bay Long Thành mới thật sự cất cánh.