Những chiêu trò cũ
Hà Nội những ngày đầu tháng 7, chị Hoàng Thanh Nhàn (43 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa nguôi ấm ức khi kể lại hành trình “nghỉ dưỡng” của mình. Ba ngày hai đêm ở khách sạn 5 sao tại Phú Quốc với mức giá chỉ 5 triệu đồng cả vé máy bay, một combo mà chị nghĩ rằng mình đã “săn” được rất hời trên Facebook. Dù đã rất cảnh giác khi tra hỏi sao lại rẻ như vậy, chị nhận được những lời thuyết phục rất bùi tai như: Phú Quốc mùa này mưa nhiều, ít khách nên vé máy bay rẻ, rồi là một đợt bị tẩy chay nên giờ giá giảm để kích cầu du lịch… Trang bán combo có dấu tích xanh, giới thiệu là nhân viên lữ hành, ảnh chụp check-in dày đặc, bình luận sôi nổi. Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu vỡ vụn từ sân bay. Không ai đến đón, điện thoại người bán không thể liên lạc, còn code vé không có giá trị.
Câu chuyện của chị Nhàn không phải hiếm. Trong nhiều hội nhóm du lịch, những dòng chia sẻ tương tự xuất hiện với tần suất dày đặc: Đặt phòng không thành công, vé máy bay không tồn tại, địa chỉ công ty lữ hành không xác định... Những combo giá rẻ đang trở thành cái cớ để các đối tượng mạo danh “kinh doanh du lịch” dễ dàng đánh cắp lòng tin và tiền bạc của người dùng.
Chiêu thức không mới, nhưng mỗi mùa du lịch cao điểm, nó lại khoác lên những hình hài mới. Họ không ngại đầu tư: Từ việc dựng trang cá nhân tích xanh, sử dụng hình ảnh mạo danh khách sạn, cho đến dựng sẵn các hội nhóm kín với hàng trăm người “góp lời khen”, tất cả đều nhằm tạo dựng một vỏ bọc đáng tin. Có người bị dụ gửi ảnh căn cước, có người mất tiền lẫn mã OTP chỉ sau một vài tin nhắn. Và đa số các cuộc giao dịch đều diễn ra trong im lặng, không hợp đồng, không địa chỉ, không pháp nhân.
Một trường hợp khác may mắn hơn của chị Nguyễn Thanh Lan (50 tuổi, Hà Nội) khi chị đặt 2 căn villa tại resort The Five Đà Nẵng cho 5 ngày 4 đêm với số tiền là 88 triệu đồng, rẻ hơn 34 triệu đồng so giá gốc. Bên bán yêu cầu chị đặt cọc số tiền 10 triệu đồng để giữ chỗ. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị đã gọi trực tiếp cho khu nghỉ dưỡng và phát hiện không có giá như vậy.
Hay trường hợp của bạn Nguyễn Mỹ Huyền (25 tuổi, Hà Nội), khi tìm hiểu đặt phòng tại khách sạn Lamer Thiên Cầm (Hà Tĩnh) trên Facebook đã hoang mang khi thấy có tới 4 fanpage của khách sạn này. Trong đó fanpage có nhiều lượt theo dõi và lượt tương tác nhất lại là trang lừa đảo. May mắn bạn đã kiểm tra qua hotline của khách sạn trước khi chuyển khoản cho page giả mạo. Qua hotline, bạn biết được ngày dự định đi đã hết phòng nên nảy sinh nghi ngờ. Không chỉ đánh lừa khách hàng bằng hình ảnh, lượt theo dõi,… trang page giả mạo còn dùng số tài khoản công ty để khách hàng thanh toán nhằm tạo dựng niềm tin.
Tỉnh táo trước những kỳ nghỉ quá đẹp
Những tưởng đã quá quen với cảnh báo “không chuyển tiền cho người lạ”, nhưng giữa những hình ảnh long lanh và dòng tin nhắn ngọt ngào như người nhà, không phải ai cũng đủ tỉnh táo. Một combo du lịch trông có vẻ hợp lý, giá tốt, có vé, có phòng, có xác nhận… nhưng thực chất lại là sản phẩm của sự sắp đặt có chủ đích.
Theo bà Nguyễn Thanh Hằng (Công ty thương mại và dịch vụ Skypro), sự chủ quan khi mua dịch vụ du lịch qua các kênh không chính thức là nguyên nhân chính dẫn tới những vụ việc đáng tiếc. Tích xanh Facebook giờ đây không còn là bảo chứng an toàn. Nhiều tài khoản được mua lại, đổi tên, sau đó được sử dụng như công cụ tạo dựng lòng tin để chiếm đoạt tài sản.
“Người mua dịch vụ cần ưu tiên đặt vé, phòng qua các nền tảng uy tín; các công ty lữ hành được cấp phép, minh bạch về địa chỉ và phương thức thanh toán. Hoặc trực tiếp qua website khách sạn. Việc thanh toán trước toàn bộ cho một cá nhân, mà không có bất kỳ xác nhận pháp lý nào, luôn là điều cần được cân nhắc kỹ”, bà Hằng cho biết.
Không có công thức chung nào để tránh hoàn toàn lừa đảo, nhưng có những nguyên tắc tưởng như cũ kỹ vẫn luôn cần được nhắc lại. Theo Bộ Công an, các đối tượng giờ đã chịu đầu tư hơn, chấp nhận thuê hoặc mua tài khoản Facebook có tích xanh rồi đổi tên thành tên các thương hiệu du lịch quen thuộc để tạo lòng tin. Thậm chí chạy quảng cáo nhằm tăng độ phủ sóng. Sau đó yêu cầu khách chuyển cọc trước, cung cấp mã đặt phòng giả rồi thúc ép thanh toán toàn bộ. Người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng tính minh bạch của các tài khoản mạng xã hội. Hầu hết các tài khoản giả mạo đều mới được thành lập hoặc mới được đổi tên và đăng bài quảng cáo trong thời gian ngắn. Người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này và không nên giao dịch với những tài khoản có dấu hiệu như trên.
Bên cạnh đó, kiểm tra thông tin đăng tải từ nhiều nguồn khác nhau: Facebook, TikTok, Website chính thống của doanh nghiệp, hotline cơ sở lưu trú… cũng là những việc nên làm để tránh nhận phải "một cú lừa"!