Giải bài toán trạm sạc
Trước lộ trình thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Hà Nội, nhiều người dân dù ủng hộ vẫn băn khoăn khi hạ tầng sạc xe điện còn hạn chế. Anh Phạm Văn Trọng (phường Bồ Đề) cho biết, tại cơ quan trên phố Lý Thường Kiệt và chung cư nơi anh sống, ổ sạc chỉ có vài vị trí, tách biệt với khu vực xe xăng.
“Tới đây, khi nhu cầu sử dụng xe điện tăng thì hệ thống lưới điện tại các cơ quan, chung cư có thể đáp ứng được nhu cầu sạc hàng trăm xe hay không? Ai sẽ đứng ra đầu tư hệ thống trạm sạc? Hà Nội có thể tăng thêm phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân? Chính quyền sẽ dựng hàng rào kiểm soát phương tiện đi lại như thế nào?”, anh Trọng đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, xe điện còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên hiện chưa có đầy đủ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với trụ và trạm sạc, đặc biệt tại các khu chung cư. Thông thường, lưới điện của các tòa nhà chỉ được thiết kế đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nếu bổ sung trạm sạc sẽ dễ gây quá tải, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Tính đến tháng 7/2025, Hà Nội đã vận hành 16 tuyến bus điện với 248 xe, chiếm gần 13% tổng số xe bus trợ giá và vượt kế hoạch năm. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi xanh được đẩy mạnh với gần 47% taxi và 46,5% xe hợp đồng đã chuyển sang xe điện. Hiện có 23 hãng taxi tại Hà Nội cam kết điện hóa 100% đội xe trước năm 2030. Mô hình xe đạp công cộng TNGo với 1.100 xe tại 118 điểm cũng góp phần thúc đẩy giao thông xanh. Tuy nhiên, lộ trình xanh hóa phương tiện giao thông vẫn còn nhiều thách thức đối với phương tiện cá nhân, cùng với đó là các rào cản do hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, chi phí đầu tư phương tiện xe điện cao, trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng bộ…
Đồng bộ các giải pháp
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Một trong những thách thức lớn hiện nay là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi phương tiện. Hà Nội hiện chưa có quy chuẩn chung cho trạm sạc, gây khó khăn trong việc dùng chung hạ tầng giữa các nhà sản xuất và đơn vị cung ứng xe điện. Thành phố cũng chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới điện và trạm sạc, đòi hỏi phải khảo sát, tính toán chi tiết về công suất nguồn và khả năng đáp ứng của lưới điện. Việc xã hội hóa đầu tư trạm sạc còn gặp trở ngại do thiếu khung pháp lý cụ thể về quản lý, vận hành, giá dịch vụ, cũng như chưa có cơ chế thúc đẩy phát triển đồng bộ tại các khu vực đô thị. Nhiều điểm trung chuyển, bến bãi và khu dân cư đông đúc chưa được bố trí trạm sạc hợp lý; một số khu vực nội đô còn thiếu quỹ đất để xây dựng trạm sạc công cộng hoặc bãi đỗ tích hợp. Đặc biệt, lưới điện tại các khu dân cư hiện hữu, nhất là chung cư cũ, không đủ công suất nếu lắp đặt trạm sạc. Việc nâng cấp cần được thực hiện theo lộ trình rõ ràng, gắn với quy hoạch đồng bộ.
Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hà Nội cần có cơ chế tài chính đủ sức hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xe bus điện. Thực tế, các tuyến bus điện đưa vào vận hành thời gian qua đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân về chất lượng dịch vụ, đồng thời không phát thải ra môi trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi phương tiện hiệu quả, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ khảo sát tác động xã hội, hỗ trợ tài chính cho người dân đến phát triển hạ tầng trạm sạc và thúc đẩy vận tải công cộng xanh… Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển trạm sạc trên địa bàn thành phố. Theo đó, dự thảo đề xuất loạt chính sách hỗ trợ tài chính cho người dân, miễn lệ phí, xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư, tích hợp trạm sạc trong quy hoạch đô thị, nâng cấp lưới điện tại khu dân cư và bến bãi trung chuyển… Sau khi hoàn thiện, dự thảo sẽ được trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp tháng 9/2025.
“Thành phố cần tiếp tục có lộ trình thay thế xe bus diesel bằng bus điện, đồng thời đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. Khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, người dân sẽ sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân”, ông Tạo nhận định.