Nhiều bệnh viện đã xây dựng tổ bảo vệ nội viện để bảo đảm an ninh. Ảnh: Nam Hải
Nhiều bệnh viện đã xây dựng tổ bảo vệ nội viện để bảo đảm an ninh. Ảnh: Nam Hải

Nhức nhối các vụ hành hung thầy thuốc

Bệnh viện là nơi sự sống được nối dài, nơi các y, bác sĩ, điều dưỡng viên nỗ lực từng phút giây cứu người. Nhưng không gian nhân đạo ấy nhiều lần đã xảy ra những hành vi bạo lực khiến không chỉ người thầy thuốc bị tổn thương, mà chính bệnh nhân cũng có thể bị mất đi cơ hội sống quý giá.​

Những hành vi đáng lên án

Ngày 23/6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã tạm giữ Võ Quốc Việt (25 tuổi) để làm rõ hành vi hành hung nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, đêm 22/6, Việt được một người đàn ông chở đến bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi, cần kiểm tra sức khỏe. Tại đây, y, bác sĩ đón tiếp, thăm khám và thông báo tình trạng sức khỏe của Việt không có gì đáng lo ngại, nếu muốn nhập viện phải nằm trên giường xếp do bệnh nhân đang đông.

Việt tỏ ra khó chịu và bất ngờ lao tới, đấm mạnh vào mặt một điều dưỡng đang làm nhiệm vụ tại khu vực cấp cứu. Tại cơ quan công an, Việt thừa nhận hành vi sai trái, khai do “nóng tính” vì… không hài lòng với cách sắp xếp giường bệnh.

Nhìn lại cách đây chưa lâu, dư luận đã xôn xao với việc ngày 4/5, tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định (nay đã sáp nhập vào Ninh Bình), một nam thanh niên liên tiếp đánh vào vùng đầu và mặt điều dưỡng viên. Trước đó, chiều 25/4, tại Trung tâm y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ), người nhà một bệnh nhi 12 tuổi đang được cấp cứu do tai nạn giao thông, đã liên tục kêu gào, lao đến hành hung một điều dưỡng viên...

Liên tiếp những vụ hành hung y, bác sĩ, điều dưỡng viên xảy ra cho thấy tình hình đã trở nên đáng báo động. Những hành vi ấy không chỉ gây tổn thương thể chất, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần người thầy thuốc. Bác sĩ trẻ Vũ Đức Anh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ: “Điều khiến chúng tôi lo nhất không phải áp lực chuyên môn, mà là cảm giác thiếu an toàn. Mỗi lần nghe tiếng ồn ào, tranh cãi ngoài hành lang, tôi lại giật mình, lo sợ có chuyện gì xảy ra với đồng nghiệp”.​

Thầy thuốc cần được bảo vệ tốt hơn

Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), 70% nạn nhân trong các vụ mất an ninh tại bệnh viện là bác sĩ, 15% là điều dưỡng; 60% vụ việc xảy ra khi đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh; 30% xảy ra khi bác sĩ đang giải thích tình trạng bệnh. Các vụ việc chủ yếu xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là tuyến Trung ương.

Theo chuyên gia tâm lý Phan Lan Hương, nguyên nhân các vụ hành hung thường do người nhà lo lắng, chưa nắm rõ quy trình chuyên môn, dễ hiểu nhầm và phản ứng cảm tính, nhất là trong tình huống cấp bách. Một bộ phận người dân tiếp cận y tế với kỳ vọng cao, đôi khi thiếu chia sẻ, cảm thông với y, bác sĩ. Trong khi đó, những nỗ lực thầm lặng của nhân viên y tế chưa được nhắc đến nhiều, hình ảnh ngành y có khi bị hiểu sai, không đẹp trong mắt người dân. Bạo lực trong bệnh viện là hệ quả từ cảm xúc thiếu kiểm soát, rào cản giao tiếp, khoảng trống pháp lý và định kiến nghề nghiệp. Nhưng đây cũng là cơ hội để nhìn lại: Làm sao để bệnh viện là nơi lan tỏa sự tử tế, lòng tin và sự nhân văn?

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện; thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ và thực hiện các quy định mới theo Luật Khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện đã xây dựng tổ bảo vệ nội viện, phối hợp công an, lắp camera giám sát. Tuy nhiên, tại tuyến y tế cơ sở, việc triển khai vẫn khó khăn do thiếu nguồn lực. Nhiều sự việc chỉ được xử lý khi có phản ánh từ người dân.

Để giảm thiểu xung đột, cần đẩy mạnh truyền thông về quyền, nghĩa vụ khi tiếp cận dịch vụ y tế. Mỗi người dân cần được hỗ trợ tiếp cận thông tin rõ ràng, khoa học. Cán bộ y tế cũng cần nâng cao kỹ năng giao tiếp, giải thích, chia sẻ với người bệnh đúng lúc. Về lâu dài, nên đưa giáo dục kỹ năng ứng xử nơi công cộng vào trường học, để thế hệ trẻ hình thành thói quen tôn trọng, lắng nghe và hợp tác.

Việc xây dựng cơ chế bảo vệ an toàn cho thầy thuốc không chỉ là bảo vệ những người đang ngày ngày tận tâm cứu người, mà còn là gìn giữ truyền thống nhân ái đã bền bỉ chảy trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. Cần phải hành động, để bệnh viện luôn là nơi tôn vinh lòng bao dung, sự sẻ chia, trân trọng của tình người trong những thời khắc mong manh nhất.

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Chủ tịch Công ty Luật Việt Kim (Hà Nội), cho rằng: “Hành vi hành hung nhân viên y tế đã có quy định xử lý, nhưng cần bổ sung các yếu tố đặc thù của ngành để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật”.

Xem thêm