“Muối mặt” vì hàng giả, hàng nhái

Bạn đọc viết:

Hoàng Đinh (phường Cầu Giấy, Hà Nội)

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, xử lý những tiểu thương, hộ kinh doanh bán hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng ở nhiều nơi, hoạt động kinh doanh trái phép như vừa nêu vẫn diễn ra tấp nập. Cuối tháng 6/2025, một nhóm bạn người nước ngoài của tôi đến Việt Nam du lịch. Do bận công việc, tôi không thể đi cùng nhóm bạn này mỗi ngày, để họ tự trải nghiệm văn hóa, cuộc sống Việt Nam.

Một hôm, những người bạn của tôi kể lại rằng vừa mua được hàng loạt "món đồ hiệu" với giá "rẻ vô cùng". Sự lo lắng của tôi cuối cùng cũng đã thành sự thật: Họ đã đến nhiều địa điểm được người nước ngoài “rỉ tai” nhau về nguồn nước hoa, túi xách, quần áo… gắn thương hiệu nổi tiếng nhưng lại được bán ngang vài suất ăn vỉa hè như chợ Đồng Xuân (phường Hoàn Kiếm), chợ Nhà Xanh (phường Cầu Giấy), chợ Ngã Tư Sở (phường Thịnh Quang). Hóa ra, bất chấp các quy định của pháp luật cũng như những đợt truy quét gắt gao của lực lượng chức năng, không ít tiểu thương vẫn thản nhiên bán hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng và đặc biệt nhắm tới đối tượng người nước ngoài, vốn không nắm rõ “mê cung” hàng giả tại nước ta.

Điểm lại đống đồ mà nhóm bạn tôi đã mua, không bất ngờ khi nhận ra nhiều thương hiệu đình đám như quần Levi’s, nước hoa CK, giày D&G… nhưng chẳng có món nào quá... 300 nghìn đồng. Tôi đành "muối mặt" giải thích rõ cho các bạn biết sự thật. Lúc này, một anh chàng người Pháp mới kể cho cả nhóm nghe về câu chuyện chống hàng giả, hàng nhái ở đất nước anh. Theo đó, nếu bị phát hiện mang hàng giả trong quá trình nhập cảnh vào Pháp, người vi phạm có thể bị phạt tới hàng trăm nghìn euro, thậm chí phải ngồi tù. Ở nhiều quốc gia lân cận như Bỉ, Italy, Croatia, Ireland… chế tài xử phạt dành cho hành vi tương tự cũng rất nặng. Tất nhiên, toàn bộ số hàng giả sẽ bị tiêu hủy ngay sau đó.

Xem thêm