Mận rớt giá khiến nông dân đón vụ mùa lao đao.
Mận rớt giá khiến nông dân đón vụ mùa lao đao.

Mận Sơn La luẩn quẩn được mùa mất giá

Vụ mận hậu năm nay, thủ phủ Sơn La ghi nhận sản lượng kỷ lục, ước đạt khoảng 100 nghìn tấn. Thế nhưng, giá thu mua giảm sâu, sức tiêu thụ chậm khiến nhiều hộ nông dân thu không đủ bù chi. Vòng luẩn quẩn “được mùa-mất giá” một lần nữa phủ bóng lên những triền đồi trĩu quả.

Chất lượng quyết định giá trị

Đầu xuân năm nay, thung lũng mận Nà Ka (cao nguyên Mộc Châu trước sáp nhập) khoe sắc trắng muốt rực rỡ chưa từng thấy, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Theo những người trồng mận lâu năm, đây là vụ mận sai quả nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Thế nhưng, niềm vui chẳng được trọn vẹn! Ông Trần Xuân Kha, tổ dân phố Pa Khen (phường Thảo Nguyên), người có hơn 10 năm gắn bó với cây mận hậu chia sẻ trong sự ngao ngán: Dù đã chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp mô hình du lịch trải nghiệm nhưng doanh thu từ mận hậu chỉ bằng 1/5 so năm trước. Theo ông Kha, giá mận từ mức 60 nghìn đến 100 đồng/kg khi trái vụ, giảm còn 15 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg vào đầu vụ và hiện nay chỉ còn khoảng 1.000-5.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất cho mỗi ha mận đã lên tới 80 triệu đồng, chưa kể tiền công thu hái. Nhiều gia đình không dám thuê người thu hoạch vì càng hái càng lỗ.

Tại các vùng trồng mận trọng điểm của Sơn La, mận vẫn đang ở giai đoạn chín rộ, sai trĩu cành nhưng nhiều hộ nông dân đành để quả rụng vì giá bán quá thấp, không đủ bù chi phí thu hái. Có nơi, bà con tính đến phương án chặt bỏ vườn mận để chuyển sang cây trồng khác. Anh Phùng Văn Khả, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên (phường Thảo Nguyên) cho biết, sản lượng mận tăng khoảng 50% so năm trước nhưng thị trường tiêu thụ lại ảm đạm do nguồn cung vượt cầu. Thời điểm hiện tại, chất lượng quả cũng giảm do mưa nhiều, trong khi nông dân không còn dám đầu tư thêm ở cuối vụ. Mùa thu hoạch lại trùng thời điểm vào vụ của các loại trái cây như vải, xoài, dưa hấu…, càng làm sức mua bị phân tán. Với gần 20 ha mận, các thành viên hợp tác xã đều rơi vào cảnh lao đao… dù đã nỗ lực bán hàng online, livestream tại vườn vẫn không đủ bù đắp doanh thu sụt giảm.

Tuy nhiên, vụ mận năm nay cũng để lại nhiều bài học về sự khác biệt của chất lượng. Theo anh Khả, trong khi mận đại trà rớt giá thảm hại, thì mận loại 1, loại 2 , hay còn gọi là “mận VIP” vẫn giữ giá cao, có thời điểm bán tới 60 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg. Đây là những sản phẩm được chăm sóc kỹ, áp dụng kỹ thuật tỉa quả và canh tác bài bản. Thực tế cho thấy, việc tỉa bớt quả, phân bố hợp lý trên cành giúp mận to, đều, tăng chất lượng, từ đó nâng giá bán và giảm rủi ro thị trường. Muốn phát triển cây mận một cách bền vững, cần thay đổi tư duy không chạy theo sản lượng mà tập trung đầu tư cho chất lượng.

Loay hoay tìm đầu ra bền vững

Mỗi vụ thu hoạch, hàng nghìn tấn mận được đưa ra thị trường, chủ yếu dưới dạng quả tươi. Nguồn cung dồi dào trong khi sức tiêu thụ hạn chế đã khiến giá liên tục sụt giảm. Đặc biệt, quả mận có đặc tính chín nhanh, dễ dập, khó bảo quản, càng khiến tiêu thụ thêm khó khăn. Để giảm áp lực đầu ra cho mận tươi, nhiều cơ sở đã đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm như mận sấy dẻo, rượu mận… Tuy vậy, sức tiêu thụ vẫn chưa đáng kể. Như tại Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, mỗi ngày chỉ thu mua được khoảng 10 tấn mận để chế biến các sản phẩm OCOP như mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược, rượu mận… với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg - con số khiêm tốn so sản lượng mận trên toàn vùng!

Anh Phùng Văn Khả cho rằng, chế biến sâu là một hướng đi tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế do mận có tính axit cao, các lựa chọn chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là ô mai và mận sấy dẻo. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nằm ở chi phí chế biến cao và đầu ra không ổn định. Anh Khả dẫn chứng, 1 kg mận tươi giá 15 nghìn đồng, sau khi sấy có thể lên tới 90 nghìn đồng/kg. Ngay cả Hợp tác xã Thanh niên cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chế biến. Tình trạng này khiến nhiều nhà kinh doanh ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực này nếu không có cam kết về đầu ra. Tính đến ngày 7/7/2025, toàn tỉnh Sơn La đã tiêu thụ khoảng 98.280 tấn mận hậu, đạt hơn 98% tổng sản lượng ước tính hơn 100 nghìn tấn, thu về khoảng 980 tỷ đồng. Trong đó, 2,5 tấn đã được xuất khẩu sang thị trường EU với trị giá 187,5 triệu đồng. Những con số này cho thấy nỗ lực lớn của người dân và chính quyền trong việc tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, bài toán “được mùa mất giá” vẫn là nỗi lo thường trực, nếu không sớm có chiến lược đồng bộ về chế biến, bảo quản sau thu hoạch và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chỉ khi những quả mận không chỉ tươi ngon vào vụ, mà còn được nâng giá trị qua các sản phẩm chế biến, thì “mùa mận” mới thật sự mang lại mùa vui trọn vẹn.

Xem thêm