Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công phường Tây Mỗ (Hà Nội).
Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công phường Tây Mỗ (Hà Nội).

PHÂN CẤP CẤP SỔ ĐỎ LẦN ĐẦU VỀ XÃ:

Bước đột phá vì dân

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2025/NĐ-CP, phân cấp mạnh mẽ thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu về cấp xã, được dư luận đánh giá là bước đột phá trong cải cách hành chính. Đây không chỉ là nỗ lực cụ thể hóa chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp mà còn thể hiện rõ nét mục tiêu “vì nhân dân phục vụ”.

Sâu sát, giảm phiền hà

Theo ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sự thay đổi không chỉ nằm ở việc “cắt” một cấp trung gian. Bản chất của cải cách là thay đổi quan niệm quản lý từ “quản lý hành chính” sang “phục vụ nhân dân”, từ cơ chế “xin-cho” sang “phục vụ-giải quyết”. Đưa thẩm quyền về cấp xã đồng nghĩa chính quyền cấp xã trở thành “cánh tay nối dài” của nhà nước, gắn bó trực tiếp, thấu hiểu điều kiện, nhu cầu của từng người dân, từng hộ gia đình, từng thửa đất.

Thực tế cho thấy, trước đây, người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa khi muốn làm sổ đỏ phải đi lên huyện, nộp hồ sơ, chờ đợi, nhiều khi đi lại nhiều lần để bổ sung giấy tờ, mất thời gian, chi phí không nhỏ. Nay, với việc phân cấp thẩm quyền cấp sổ đỏ về xã, người dân chỉ cần nộp hồ sơ, nhận kết quả ngay tại địa phương mình sinh sống.

Hơn thế, quy trình cũng đã được thiết kế lại để giảm bớt các bước trung gian không cần thiết. Thí dụ, trước đây phải thành lập Hội đồng đăng ký đất đai cấp huyện để thẩm tra, nay bước này được lược bỏ hoàn toàn. Thời gian giải quyết cũng được rút ngắn: Sau khi người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai, UBND xã sẽ cấp Giấy chứng nhận chỉ trong 3 ngày làm việc.

Theo ông Phấn, một điểm đổi mới quan trọng khác của Nghị định 151 là chuyển từ “thẩm quyền chung” của UBND cấp huyện sang “thẩm quyền riêng” của Chủ tịch UBND xã, phường. Đây là bước đi phù hợp nguyên tắc quản trị hiện đại: “rõ người-rõ việc-rõ trách nhiệm”. Khi phân quyền cụ thể cho Chủ tịch UBND xã, phường, chính quyền cơ sở không còn là nơi “trung chuyển hồ sơ” mà trở thành cơ quan có trách nhiệm chính trong việc xét duyệt, ký cấp sổ đỏ.

Để bảo đảm tính khả thi và hiệu lực thực thi, Nghị định 151 còn quy định rõ yêu cầu về điều kiện nhân lực, ngân sách, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu ở từng cấp. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố bộ thủ tục hành chính mới, thống nhất, rõ ràng để các địa phương triển khai ngay.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (Hà Nội) cho biết, đối với các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu, phường đã tiếp nhận hồ sơ bàn giao từ cấp quận chuyển xuống. Các phòng, ban chuyên môn sẽ rà soát kỹ, hồ sơ đủ điều kiện sẽ được giải quyết ngay, những trường hợp còn thiếu sót, vướng mắc sẽ được cán bộ hướng dẫn bổ sung, bảo đảm đúng quy định.

"Cấp sổ đỏ lần đầu là một trong những khâu khó khăn nhất của quá trình rà soát, thẩm định hồ sơ. Với chức năng, nhiệm vụ đã được phân cấp, ủy quyền tại thời điểm này, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm thực hiện đúng quy trình và quy định của Luật Đất đai năm 2024”, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ chia sẻ.

Kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực

Có ý kiến băn khoăn: Trao nhiều quyền cho cấp xã có làm tăng nguy cơ tiêu cực? Nhưng phân cấp không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Phân quyền càng rõ ràng thì trách nhiệm càng minh bạch, càng dễ giám sát.

Theo ông Phấn, Nghị định 151 và các văn bản liên quan đã lồng ghép cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các công cụ pháp luật hiện hành như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Cán bộ, công chức; Luật Xử lý vi phạm hành chính... sẽ tiếp tục phát huy hiệu lực để kiểm soát quyền lực, phòng ngừa sai phạm. Việc thực hiện công khai, minh bạch các bước, các yêu cầu thủ tục; ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, đều là những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tiêu cực.

Bên cạnh đó, Nghị định 151 không chỉ nhằm cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian mà còn là bước khẳng định quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, chính quyền gần dân, sát dân, vì dân. Người dân không còn phải đi xa, chờ đợi nhiều tuần, không còn phải qua nhiều cấp ký tá. Chính quyền xã, phường, nơi gần nhất, hiểu dân nhất, sẽ giải quyết nhu cầu chính đáng của dân nhanh hơn, inh bạch hơn.

Với quy trình mới, rõ ràng, dễ hiểu, được luật hóa và chuẩn hóa thành bộ thủ tục hành chính công khai, minh bạch, người dân sẽ dễ dàng theo dõi, giám sát. Các địa phương sẽ không còn lý do “vướng” quy định để đổ lỗi cho nhau khi chậm trễ. Đó chính là con đường xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và thật sự phục vụ nhân dân.

Xem thêm