Vũ Đức, một trong ba người sáng lập chương trình.
Vũ Đức, một trong ba người sáng lập chương trình.

Huế là nơi Việt phục trở về

“Từng trình diễn, diễu hành ở nhiều nơi, nhưng với “Bách hoa bộ hành”, Huế là nơi Việt phục trở về, đặc biệt là cổ phục thời Nguyễn”, đó là chia sẻ của anh Vũ Đức, đồng sáng lập chương trình Ngày hội Việt phục. Sau thành công của chương trình, anh đã có cuộc trò chuyện với Thời Nay về những cảm xúc sau buổi trình diễn.

Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ sự ra đời của “Bách hoa bộ hành”?

Vũ Đức: “Bách hoa bộ hành” ra đời từ mong muốn phục hồi và lan tỏa vẻ đẹp của Việt phục, những bộ trang phục từng hiện diện trong đời sống người Việt xưa, nhưng dần bị lãng quên. Chúng tôi quan niệm rằng, di sản không chỉ để trưng bày trong tủ kính, mà còn phải được sống giữa đời thường. Từ hoạt động diễu hành tự phát đầu tiên vào năm 2022, đến nay, sau 5 mùa tổ chức, “Bách hoa bộ hành” đã trở thành một ngày hội văn hóa quy mô toàn quốc, nơi những tà áo truyền thống lại một lần nữa bước ra phố, sống động và rực rỡ như xưa.

PV: Những trang phục đó được nghiên cứu và hiện thực hóa cụ thể như thế nào?

Vũ Đức: Trang phục được chúng tôi phân khối theo dạng thức (như áo giao lĩnh, nhật bình, áo dài ngũ thân) và chức năng (triều phục, tế phục, thường phục). Mỗi bộ đều dựa trên tư liệu lịch sử, nghiên cứu mỹ thuật, chất liệu và phong cách triều đại. Chúng tôi hợp tác với các nhóm thực hành cổ phục, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và đơn vị phục dựng chuyên sâu, để bảo đảm tính thẩm mỹ và xác tín của từng trang phục.

Có những bộ mất hàng tháng trời để hoàn thành. Nhưng đó là cái giá xứng đáng để nối nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại. Bên cạnh đó, cùng với ban tổ chức, chúng tôi còn có những cá nhân và tập thể đăng ký tham gia đồng hành, hưởng ứng ngày hội cộng đồng đặc sắc này.

PV: Để kết nối một đoàn nam thanh nữ tú hùng hậu đến Huế trình diễn, chắc hẳn là một quá trình gian nan?

Vũ Đức: Chúng tôi có các bạn yêu mến cổ phục từ cả miền bắc, miền nam, lặn lội hàng trăm cây số, tự lo liệu mọi chi phí để đến Huế với ước mong chỉ để được “đi một bước cùng cổ phục tại đất thần kinh”. Sự kết nối đó vượt qua địa lý và điều kiện cá nhân là minh chứng cho sức sống của văn hóa truyền thống trong lòng người trẻ hôm nay.

182.jpg
“Bách hoa bộ hành” đã trở thành một ngày hội trình diễn cổ phục quy mô toàn quốc. Ảnh: MINH AN

PV: Theo anh, sự khác biệt giữa trình diễn nhiều nơi khác và với Huế là gì?

Vũ Đức: Từng bước chân qua cầu Trường Tiền, qua Trường Quốc Học, dưới những bóng cổ thụ đôi bờ sông Hương như một cuộc tìm lại ký ức. Ở Huế, không gian và trang phục như hòa làm một. Đó là một trải nghiệm rất riêng, rất sâu lắng. Khi Việt phục hiện diện tại Huế, đó không còn là tái hiện mà là hồi sinh nền văn hóa trang phục dễ dàng kiểm chứng nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, “Bách hoa bộ hành” tại Huế còn là một phần của Tuần lễ áo dài cộng đồng, nằm trong Festival Huế 2025 càng gia tăng chiều sâu văn hóa cho sự kiện.

PV: Không đơn thuần là cuộc diễu hành, chương trình có thông điệp gì muốn gửi gắm trong câu chuyện bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông để lại, cụ thể ở đây là áo dài truyền thống?

Vũ Đức: Chúng tôi mong muốn cổ phục không chỉ là hoài niệm, mà là lựa chọn của hiện tại. Khi người trẻ khoác lên mình trang phục truyền thống và tự hào bước đi trên phố, đó là lời khẳng định: Văn hóa không bao giờ cũ. “Bách hoa bộ hành” cũng luôn nỗ lực đưa cổ phục đến gần hơn đời sống, qua truyền thông, giáo dục và các hình thức tương tác cộng đồng, để giá trị xưa luôn sống trong trái tim hôm nay.

PV: Anh có nhận xét gì về đề án “Huế - Kinh đô áo dài” mà địa phương này đang triển khai?

Vũ Đức: Cá nhân tôi, đây là một định hướng rất có ý nghĩa, phù hợp với lịch sử và lợi thế của Huế. Khi một thành phố không chỉ tôn vinh di sản mà còn có chính sách cụ thể để gìn giữ, phát triển đó là cách tạo nên bản sắc riêng. Với nhóm tổ chức, Huế xứng đáng là “kinh đô áo dài” không chỉ của miền trung mà là của cả nước.

PV: Vậy“Bách hoa bộ hành” sẽ sớm quay trở lại Huế để cùng chung tay quảng bá áo dài truyền thống?

Vũ Đức: Chúng tôi không xem Huế là một điểm đến, mà là một người bạn đồng hành. “Bách hoa bộ hành” sẽ còn quay lại nếu mọi người còn đón nhận, để không chỉ diễu hành, mà còn để lắng nghe, đồng hành và cùng làm giàu thêm không gian văn hóa truyền thống nơi đây. Như chủ đề “Việt phong hội tụ” của năm 2025, chúng tôi tin Huế là nơi mọi tinh hoa có thể tìm thấy nhau.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Xem thêm