Thị trường lao động vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Thị trường lao động vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thị trường lao động chịu nhiều áp lực

Bên cạnh những tín hiệu được coi là khởi sắc như số người được giải quyết việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm…, thị trường lao động vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức như lực lượng lao động dôi dư trong quá trình tinh giản bộ máy của nhà nước, những bất ổn của kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Hơn 100 nghìn lao động được giải quyết việc làm

Sau nhiều năm thất nghiệp, mới đây, thông qua phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm (do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và UBND phường Từ Liêm phối hợp tổ chức), anh Nguyễn Văn Vỹ ở xã Đan Phượng, Hà Nội đã tìm được vị trí nhân viên kinh doanh ở một công ty chuyên về vật liệu xây dựng.

Anh Vỹ cho biết: “Trước đây, tôi tìm kiếm thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội, nhưng phần lớn là thông tin ảo và cũng không có nhiều cơ hội phù hợp nguyện vọng. Khi đến dự phiên giao dịch việc làm, tôi thấy thông tin tuyển dụng phong phú, đa dạng, lại rất đáng tin cậy. Tôi đã trực tiếp gặp gỡ nhà tuyển dụng và sau khi trao đổi thì đã được tuyển dụng”.

Trong khi đó, ông Lê Thành Trung ở phường Dương Xá, Hà Nội lại phấn khởi cho biết: Nhờ được vay 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để đầu tư canh tác vườn bưởi nên đã giải quyết được việc làm cho một lao động thất nghiệp và tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

“Với diện tích canh tác lớn như gia đình tôi, nếu không được vay vốn từ ngân hàng thì rất khó khăn trong đầu tư, phát triển sản xuất. Nếu phải đi vay ngoài với lãi suất cao hơn, thu nhập chắc chắn sẽ giảm đi, còn nếu không vay thì lại không đầu tư sản xuất được. Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thật sự hữu ích với người dân”, ông Trung nói.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tìm được việc làm thông qua các giải pháp giải quyết việc làm hiệu quả của thành phố Hà Nội. Theo thông tin của Sở Nội vụ Hà Nội, trong năm tháng đầu của năm 2025, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 105.000 lao động, đạt 62,3% kế hoạch năm và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động tạo việc làm được thúc đẩy qua nhiều kênh: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp tạo việc làm cho 34.000 người với tổng số tiền giải ngân đạt 1,7 tỷ đồng. Hoạt động tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm cũng đem lại hiệu quả, giúp 12.900 người tìm được việc làm mới. Đáng chú ý, có hơn 56.000 người lao động có việc làm thông qua các hình thức giới thiệu từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mô hình khởi nghiệp. Riêng tháng 5/2025, thành phố đã giải quyết việc làm cho 17.044 người lao động.

Trong quý II, thị trường Hà Nội có dự báo, tăng cường tuyển dụng với khoảng 100.000 - 120.000 lao động thuộc các lĩnh vực, ngành nghề. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội cho hay, quý II là thời điểm các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua công tác dự báo có thể thấy, thị trường Hà Nội đang có nhu cầu tuyển dụng từ 100.000 - 120.000 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất dệt may, da giày. Tiếp đến là nhóm lĩnh vực ngành nghề về công nghệ số, chuyển đổi số, công nghệ thông tin với các vị trí như kỹ sư lập trình phần mềm, các công việc liên quan đến hoạt động quản trị mạng, kỹ sư thiết kế AI...

Ngoài ra, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong lĩnh vực này là dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực nhóm ngành về tài chính, bất động sản, thương mại điện tử, logistics…

Theo ông Thành, có rất nhiều cơ hội việc làm, vị trí việc làm đa dạng để người lao động có những lựa chọn phù hợp cho bản thân mình trong thời gian tới. “Với các vị trí việc làm khác nhau thì có những yêu cầu khác nhau đến từ nhà tuyển dụng. Có nhiều vị trí có thể tuyển dụng lao động trẻ, có những vị trí yêu cầu cụ thể về kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức hay trình độ làm việc xoay quanh vị trí việc làm. Có những vị trí tuyển dụng đòi hỏi về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, khả năng làm việc hay việc ứng dụng công nghệ. Cơ hội việc làm cho người lao động nói chung và lực lượng lao động trẻ nói riêng trong thời gian tới là rất nhiều, người lao động có thêm lựa chọn để tìm kiếm cho mình những vị trí việc làm phù hợp kiến thức, trình độ của bản thân”, ông Vũ Quang Thành cho hay.

Tiềm ẩn nhiều thách thức

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc thì thị trường lao động hiện tại cũng phải chịu áp lực từ lao động dôi dư trong quá trình tinh giản bộ máy của nhà nước. Các chuyên gia về nhân lực dự đoán, thị trường này sẽ có những biến động và bị tác động mạnh bởi số lượng hơn 100.000 người mất việc. Những biến động đó không chỉ ở khu vực công tinh giản biên chế, mà ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp tư nhân phải cắt giảm nhân sự để tái cấu trúc bộ máy.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và xã hội, thị trường lao động được dự đoán sẽ có những bất ổn và biến động khá lớn do chính sách tinh giản trong khu vực nhà nước, rồi cơ cấu, điều chỉnh ở các cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị. Với số lượng cả trăm nghìn người mất việc sẽ tạo ra tác động mạnh tới thị trường lao động. Bởi hiện nay, số người thất nghiệp của cả nước đã chạm mức hơn một triệu người.

Trong công cuộc tinh giản lần này, không phải tất cả mọi người đều thất nghiệp, mà chỉ là tạm thời rời khu vực này để sang khu vực khác. Dự đoán sẽ có những tác động ban đầu tương đối lớn, tương đối mạnh với thị trường lao động. Về lâu dài, tác động ấy có thể sẽ được giảm đi nhiều vì nhóm rời khỏi khu vực nhà nước có nhiều người có kiến thức, kỹ năng, có một phần hỗ trợ của Nhà nước, hy vọng họ sẽ đóng góp được những thành tựu đáng kể cho khu vực ngoài nhà nước.

Theo ông Vũ Quang Thành, với người lao động bị mất việc, khó khăn đầu tiên trong thời gian này có thể là một khoảng thời gian tạm thời thất nghiệp, phải nỗ lực tìm kiếm cho mình một công việc mới. Nếu ai có ý định chuyển đổi nghề nghiệp thì cần nghiên cứu thật kỹ định hướng nghề nghiệp, các định hướng về lĩnh vực ngành nghề, nơi đang có nhu cầu tuyển dụng và sử dụng nhiều lao động trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, phải tiếp tục rèn luyện, tự bồi dưỡng, trau dồi, nâng cao khả năng kiến thức của bản thân để việc tiếp cận với thị trường lao động ngoài nhà nước được nhanh và tốt hơn.

“Với một số lao động có tuổi thì có thể trang bị thêm cho mình kiến thức về công nghệ, kiến thức về AI, ứng dụng AI trong các vị trí việc làm, hay những kiến thức chung về công nghệ để ứng dụng vào các vị trí việc làm cụ thể. Bên cạnh đó, nếu người lao động có xu hướng chuyển đổi lĩnh vực nghề nghiệp mới cũng cần xác định rõ và tìm hiểu thật kỹ các lĩnh vực nghề nghiệp có xu hướng tuyển dụng và sử dụng nhiều lao động trong thời gian tới. Từ đó có hướng chuyển đổi công việc và tìm những công việc phù hợp nhất cho bản thân mình”, ông Vũ Quang Thành đưa ra lời khuyên.

Còn theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, đây có thể coi là cơ hội tốt của thị trường lao động cả nước khi được “bổ sung” một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, chuyên môn cao, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cho nền kinh tế.

“Lao động thuộc khu vực nhà nước có ưu điểm là sự chỉn chu, tinh thần trách nhiệm, am hiểu quy trình hành chính, kinh nghiệm xử lý công việc bài bản và có tính hệ thống. Tuy nhiên, khi chuyển sang khu vực tư, hiệu quả công việc được đo lường bằng kết quả rõ ràng và thường đi kèm áp lực về thời gian. Do đó, người lao động cần thay đổi, nỗ lực rèn luyện để thích ứng môi trường làm việc mới; cải thiện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để tương tác hiệu quả hơn với đối tác; sẵn sàng thay đổi và thử nghiệm các phương pháp làm việc mới cũng như mở rộng tư duy để thích nghi với môi trường làm việc đa dạng”, bà Hương nói.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tăng cường công tác dự báo thị trường lao động, mở rộng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo lại cho người lao động bị mất việc. Thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch việc làm, phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm kiếm cơ hội phù hợp; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp cận vốn ưu đãi cho người lao động tự tạo việc làm và phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ tại địa phương… từ đó tăng hiệu quả giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Xem thêm