Đây cũng được coi là cơ hội để y tế cơ sở chuyển mình, đổi thay một cách căn bản và toàn diện để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Cơ bản duy trì, giữ nguyên trụ sở
Theo Bộ Y tế, việc bố trí sắp xếp cơ bản duy trì, giữ nguyên trụ sở, nhà đất, cơ sở hạ tầng hiện có của các cơ sở y tế các cấp để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân theo địa bàn, khu vực. Việc sắp xếp trụ sở, nhà đất, cơ sở hạ tầng phải phù hợp với phương án bố trí, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp đã được phê duyệt.
Bộ cũng nêu rõ ở giai đoạn đầu, các cơ sở có thể tận dụng và thích ứng. Cụ thể, căn cứ vào điều kiện trụ sở, giao thông, phương tiện đi lại, hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, địa phương có thể bố trí tiếp tục sử dụng các cơ sở này để phục vụ hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó lựa chọn hoặc bổ sung cơ sở nhà, đất mới làm nơi điều hành chính, bảo đảm thuận lợi và đồng bộ trong việc điều hành chung của chính quyền địa phương mới.
Bộ Y tế nêu rõ phương án sắp xếp cơ sở y tế cấp tỉnh. Với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện sáp nhập, Bộ đề nghị rà soát, thống kê toàn bộ trụ sở, cơ sở vật chất và tài sản hiện có của các cơ sở y tế cấp tỉnh trong phạm vi quản lý. Đồng thời đánh giá mức độ phù hợp của hạ tầng hiện tại với yêu cầu hoạt động và quy mô dân số của đơn vị hành chính mới.
Đối với cơ sở y tế cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) trước đây: Bộ Y tế yêu cầu việc sắp xếp các cơ sở y tế cấp huyện được thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng để phù hợp với mô hình quản lý mới theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời bảo đảm tính liên tục và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ y tế cho người dân.
Xây dựng kế hoạch sử dụng hiệu quả các tài sản công này, bao gồm cả việc nâng cấp, cải tạo hoặc điều chuyển để bảo đảm không gây xáo trộn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế và phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Các cơ sở y tế hiện có giữ nguyên trụ sở, nhà đất tiếp tục duy trì hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền để bảo đảm tính liên tục trong cung cấp dịch vụ y tế nhằm chăm sóc sức khỏe người dân.
Đối với trạm y tế xã, phường, Bộ Y tế nêu rõ tập trung củng cố, tăng cường năng lực cho các trạm y tế hiện có tại các đơn vị hành chính mới được hình thành sau sáp nhập. Ưu tiên sử dụng các cơ sở trạm y tế hiện có phù hợp để duy trì hoạt động y tế tại các địa bàn sáp nhập, bảo đảm người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ y tế ban đầu. Trong trường hợp có nhiều trạm y tế tại cùng một đơn vị hành chính cấp xã mới, ưu tiên lựa chọn nơi có vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất tốt nhất làm cơ sở chính.
Các cơ sở còn lại địa phương rà soát để bố trí tiếp tục hoạt động, đáp ứng yêu cầu với chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để duy trì và mở rộng mạng lưới tiếp cận dịch vụ, phục vụ tốt nhất cho người dân. Trường hợp cần thiết, xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm diện tích cho cơ sở chính từ các cơ sở dôi dư sau sắp xếp để bảo đảm phù hợp yêu cầu và chức năng, nhiệm vụ mới.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, kết hợp công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng phục vụ người dân.
Cần lộ trình để đáp ứng nhiệm vụ mới
Hà Nội là địa phương đầu tiên có quyết định thành lập trạm y tế trực thuộc UBND xã theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. TP Hà Nội sắp xếp các trạm y tế cũ thành một trạm y tế cấp xã mới và có các điểm y tế tại xã cũ để phục vụ người dân.
Ngay sau khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, người dân xã Yên Lãng, TP Hà Nội có cảm nhận đặc biệt về sự đổi mới khi bác sĩ ở tuyến huyện cũ đã được tăng cường về xã, đồng thời việc cấp phát thuốc vẫn được duy trì như trước. Bà Nguyễn Thị Huệ (72 tuổi), người dân xã Yên Lãng cho biết: “Lần đầu tiên đi khám bệnh sau khi sáp nhập xã mới, tôi cũng cảm thấy có sự thay đổi. Đó là việc khám bệnh nhanh hơn, các y bác sĩ nhiệt tình hơn. Họ mời chúng tôi vào, đo huyết áp, khám bệnh nhanh chóng hơn so với bình thường. Hôm nay là ngày đầu tuần, đông người đến khám nhưng bác sĩ vẫn rất nhiệt tình, chu đáo dặn dò về uống thuốc cẩn thận. Chúng tôi rất yên tâm và phấn khởi”.
Cùng với duy trì hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân thì công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát an toàn thực phẩm, tiêm chủng vẫn được các trạm y tế tiếp tục triển khai. Quyền lợi của người bệnh vẫn được bảo đảm không có gì thay đổi.
Theo hướng dẫn tạm thời của TP Hà Nội cũng như dự thảo Thông tư của Bộ Y tế về chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế, trong giai đoạn tới sẽ có những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Với cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã, phường có quy mô dân số gấp nhiều lần so với trước đây, khó khăn đặt ra lúc này không chỉ là thiếu nhân lực mà còn là trình độ chuyên môn.
Bác sĩ Phạm Đăng Quân, Trạm trưởng Y tế xã Ngọc Hồi, TP Hà Nội nói: “Với 41 cán bộ của chúng tôi, có người trình độ chuyên môn tốt nhưng cũng có những cán bộ chưa đáp ứng được các vị trí mới. Thí dụ, trạm y tế mới sẽ phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau như phòng hành chính, phòng xây dựng - kế hoạch, khoa khám bệnh, khoa phòng bệnh, phòng dân số, phòng bảo trợ xã hội. Do vậy, con người sẽ từng bước học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, từng lĩnh vực. Nếu như vậy, chúng tôi phải cần có lộ trình từ 2-3 năm để đáp ứng nhiệm vụ”.
Bác sĩ Bùi Chí Thuật, Trạm trưởng Y tế xã Yên Lãng, TP Hà Nội cho rằng: “Hiện tại, chúng tôi đáp ứng được công tác khám, chữa bệnh cấp ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, để khám chuyên sâu thì chúng tôi chưa có bác sĩ chuyên khoa sâu, chuyên khoa lẻ để thu hút thêm được bác sĩ về với trạm y tế và gần dân hơn. Vì thế, về cơ chế, chính sách thu hút nhân tài cần bổ sung để địa phương có thể thu hút được nhân lực. Chúng tôi có kiến nghị, thay đổi chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế tuyến xã. Hiện tại, một đêm trực của chúng tôi chỉ có 25 nghìn đồng là rất thấp!”.
Với việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có sự xáo trộn và vấp phải một số khó khăn ban đầu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là cơ hội để y tế cơ sở chuyển mình, đổi thay một cách căn bản và toàn diện để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bác sĩ Phạm Đăng Quân, Trạm trưởng Y tế xã Ngọc Hồi cho rằng: “Mô hình trạm y tế mới của Hà Nội là một mô hình rất hay và mô hình này sẽ sát dân, gần dân, quan tâm đến dân và chăm lo sức khỏe cho chính người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo chỉ đạo chung của thành phố chăm sóc sức khỏe người dân đúng thời gian, đúng định kỳ, kể cả công tác khám cấp cứu và cấp thuốc bảo hiểm để người dân không phải đi xa và phục vụ người dân thuận tiện nhất, hiệu quả nhất tại cộng đồng. Tiếp tục có kế hoạch, lộ trình nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng đồng bộ công tác chuyển đổi số, liên quan đến phần mềm quản lý công việc. Có như vậy, chúng ta mới đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ cũng như tập thể khoa, phòng”.
Bác sĩ Bùi Chí Thuật, Trạm trưởng Y tế xã Yên Lãng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ của tuyến chăm sóc sức khỏe cấp ban đầu. Sắp tới là việc tăng cường quản lý các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ bệnh án điện tử cho người dân trên địa bàn để bảo đảm mọi dữ liệu, thông tin về sức khỏe của người dân được quản lý một cách đầy đủ. Đối với trạm y tế, chúng tôi đề xuất, bổ sung thêm nhân lực về các chuyên khoa, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị y tế. Về cơ sở hạ tầng, có một số trạm y tế đã có máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, còn một số trạm y tế thì chưa có thì đề nghị bổ sung thêm hoặc đầu tư thêm máy X Quang”.
Với sự chủ động và triển khai đồng bộ, quyết liệt hiện tại, các trạm y tế xã, phường theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Hà Nội đã được thành lập và vẫn duy trì tốt các hoạt động, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh không bị ngắt quãng. Đây là bước ngoặt để các trạm y tế chuyển mình và thật sự trở thành địa chỉ gần gũi, tin cậy với người dân.