Hướng dẫn tri thức, kỹ năng số cho người cao tuổi.
Hướng dẫn tri thức, kỹ năng số cho người cao tuổi.

“Đỡ tay” người già vào thế giới số

Không bục giảng, chẳng giáo trình nhưng đầy hiệu quả, các lớp học chuyển đổi số dành cho người cao tuổi giữa lòng Hà Nội đang lan tỏa từ một chi bộ khu dân cư. Được chỉ dẫn từ những thao tác nhỏ, các cụ ông, cụ bà bắt đầu làm chủ công nghệ, mở hướng đi cho phong trào “bình dân học vụ số”.

Người già… đi học

Giữa trưa hè tháng 7, Hà Nội nắng như đổ lửa. Căn phòng chừng hai chục m2 ở số 91, ngõ 68 phố Xuân Thủy, phường Cầu Giấy cũng “nóng” với những tiếng thảo luận, hỏi han. Lớp học “Chuyển đổi số và AI cho người cao tuổi” quy tụ các ông, bà tuổi 70, 80. Không bảng, không giáo trình, vài chiếc ghế nhựa, mỗi người chỉ một chiếc điện thoại thông minh và tinh thần ham học. Những ngón tay run run chạm vào màn hình, ánh mắt chăm chú đến từng thao tác. “Tôi học mà quên cả thời gian. Trước kia chỉ biết gọi điện, giờ biết đặt lịch khám, tra cứu thông tin, cảnh báo lừa đảo... Ai ngờ, tuổi già đi học lại háo hức đến vậy!”, ông Nguyễn Văn Tông (75 tuổi) cười sau cặp kính lão.

Người đứng lớp là ông Đinh Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9, nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Không soạn giáo án, ông chọn cách “cầm tay chỉ việc”, truyền đạt theo đúng tinh thần “học cái cần, học cái gần, học để vui”. Từ mở Zalo, đặt lịch khám bệnh, tìm tuyến xe bus, đến làm quen với TikTok, Facebook, ChatGPT…, mọi thao tác đều được hướng dẫn theo cách giản dị, sinh động và gần gũi. Ông Dương Sơn Thạc, Chi hội trưởng Cựu chiến binh khu dân cư chia sẻ: “Chúng tôi học thứ mình cần, học xong lại dạy cho vợ, bạn bè. Đơn giản, dễ hiểu nên ai cũng thích”.

Chỉ sau 3 tháng, lớp đã tổ chức được 10 khóa, mỗi khóa 3 buổi học, mỗi buổi vài chục người. Từ đây, hàng trăm lượt người cao tuổi đã được trang bị kỹ năng công nghệ cơ bản. Không gian học linh hoạt, khi ở nhà văn hóa tổ dân phố, khi lại mượn tạm phòng khách nhà dân. Thầy giáo là bí thư chi bộ, trợ giảng là sinh viên, cán bộ, cư dân trẻ, thậm chí là chính những học viên cũ quay lại hướng dẫn người mới.

Tiếng lành đồn xa, lớp sau đông hơn lớp trước. Không chỉ cư dân khu dân cư số 9 phường Cầu Giấy, người từ tận Ngọc Thụy, Long Biên như bà Nguyễn Thị Thu (60 tuổi) cũng tìm sang học. “Đường xa, nhưng vợ chồng tôi vẫn đèo nhau sang vì biết tiếng lớp học. Giờ tôi đã biết gọi video, không còn sợ bị lừa trên mạng nữa”, bà Thu cho biết.

Lan tỏa “điểm chạm số” từ chi bộ

Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, được khẳng định trong Nghị quyết 52-NQ/TW và Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nhưng để việc chuyển đổi số trở thành hành động cụ thể, cần những mô hình sát dân, kiên trì, nhất là với nhóm đối tượng đặc thù như người cao tuổi. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, ông Đinh Ngọc Sơn đã chọn một hướng bắt đầu từ chính những người tưởng đã… qua tuổi học.

Ông Sơn nhìn nhận: “Người già càng cần học. Học không phải để đuổi theo người trẻ, mà để không bị tụt lại. Họ thiếu kỹ năng, ngại công nghệ, dễ bị tổn thương nếu không được đồng hành. Tôi đề xuất mở lớp miễn phí, lấy đảng viên cao tuổi làm nòng cốt. Mỗi ngõ nhỏ là một không gian học. Chuyển đổi số không chỉ là kéo wifi về xóm, mà là mở cánh cửa để người già bước vào thế giới số bằng sự tự tin và chủ động”.

Không chỉ có đảng viên, mô hình còn huy động lực lượng trẻ tham gia. Bạn Kiều Diễm Hương, sinh viên Trường Quản trị và Kinh doanh HSB, Đại học Quốc gia Hà Nội kể: “Em đọc trên Facebook thấy thầy Sơn chia sẻ về lớp học và mong muốn có tình nguyện viên. Lúc đầu chỉ định hỗ trợ kỹ thuật, nhưng rồi bị cuốn vào lúc nào không hay. Mỗi lần thấy các ông bà gọi video được cho con cháu, có cụ rớm nước mắt vì vui mừng, em lại thấy được tiếp thêm động lực”.

Cùng tinh thần đó, chị Dương Mỹ Duyên, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, chia sẻ: Mình đến lớp không chỉ để hướng dẫn, mà còn để học cách lắng nghe và sống chậm lại. Chính từ những kết nối giản dị ấy, một hệ sinh thái học tập cộng đồng đã dần hình thành, người học trước hướng dẫn người sau, lớp trước tiếp sức lớp sau. Nhiều ông bà sau khi tham gia lớp lại trở thành động lực nâng cao kiến thức số cho chính con cháu mình. Tình thân giúp rút ngắn khoảng cách thế hệ, biến chuyển đổi số thành hành trình chung.

Khởi đầu từ một lớp học nhỏ giữa lòng Thủ đô, mô hình “bình dân học vụ số” đã chạm đến điều cốt lõi: Chuyển đổi số không bắt đầu từ thiết bị, mà từ con người, với sự quan tâm, sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng. Để không ai bị bỏ lại phía sau, các cấp ủy, chính quyền cần chủ động kiến tạo môi trường học tập thân thiện, khuyến khích các mô hình linh hoạt tại cơ sở, hỗ trợ tình nguyện viên mang tri thức số đến với những người chung quanh. Khi mỗi người dân, ở bất cứ lứa tuổi nào, đều có cơ hội tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số trở thành nhu cầu tự nhiên của cộng đồng, đó cũng là lúc một xã hội số toàn dân, toàn diện và nhân văn thật sự thành hình.

Đồng chí Lâm Văn Thảo, Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy phường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất mở rộng mô hình ra toàn phường, nhất là tại các khu tái định cư, nhà ở xã hội, nơi tập trung nhiều người già, người yếu thế để mỗi tổ dân phố, mỗi chi bộ cần trở thành một điểm chạm số. Và để công nghệ không còn là rào cản, mà là cây cầu nối tới cuộc sống tốt hơn”.

Xem thêm