Hồ Than Thở là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng của xứ Đà Lạt cũ (thuộc tỉnh Lâm Đồng). Từ những ngày đầu tiên có mặt ở vùng đất cao nguyên, qua các tài liệu và sự lưu truyền trong dân gian địa phương, chúng tôi đã được tiếp cận “Huyền thoại hồ Than Thở” với câu chuyện tình rất đỗi bi thương, giữa tướng quân Hoàng Tùng và người tình Mai Nương của mình.
Hồ Than Thở và chuyện tình “Hoàng Tùng-Mai Nương”
Hồ Than Thở nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6 km về phía đông. Thắng cảnh này nằm giữa một rừng thông và không gian đẹp. Mặt nước hồ luôn trong xanh phẳng lặng. Phía bắc của hồ có một đôi cây thông quấn vào nhau, rất lạ. Từ lâu, hồ Than Thở được gắn với những câu chuyện về tình yêu tan vỡ. Cả hai câu chuyện đều liên quan đến những cái chết tự tử vì tình.
Hồ Than Thở xưa chỉ là một vùng nước nhỏ, người Cơ Ho Lạch gọi là Tơ nô Pang đờng (ao nước lớn của tổ tiên). Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt hình thành nên hồ rộng như ngày nay, đặt tên là Lacdes Soupirs với nghĩa “hồ có tiếng rì rào”. Theo tư liệu lịch sử, năm 1956, dựa trên đề xuất của ông Nguyễn Vĩ, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ, hồ được đổi từ tên tiếng Pháp ra tên tiếng Việt là hồ Than Thở. Từ năm 1975, hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ này đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990. Năm 1997, giới chức địa phương cho phép Công ty Du lịch Thùy Dương, một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh trồng rừng, nạo vét hồ, chống bồi lắng và xây dựng các khu vui chơi giải trí nhằm bảo toàn và khai thác thắng cảnh. Năm 1999, hồ được Nhà nước công nhận là danh thắng cấp quốc gia.
Trong quá trình trích lục, chúng tôi tìm hiểu từ các tài liệu chính thống như cuốn sách “Di tích, danh lam, thắng cảnh Lâm Đồng” (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng xuất bản), “Truyền thuyết và danh lam, thắng cảnh Lâm Đồng” (Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng xuất bản), Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng và một số tài liệu khác đều dẫn chung một nội dung huyền thoại về hồ Than Thở. Huyền thoại kể rằng, thắng cảnh này gắn với câu chuyện tình của tướng quân Hoàng Tùng và nàng Mai Nương, người tình của ông.
Sách “Di tích, danh lam, thắng cảnh Lâm Đồng” viết: “Chuyện kể vào thế kỷ 18, đôi trai gái này yêu nhau thắm thiết, thường ngày họ hò hẹn nhau ra khu đồi thông bên hồ nước ở đây tâm sự. Nhưng một hôm, nghe theo tiếng gọi của người anh hùng áo vải Quang Trung, chàng trai Hoàng Tùng đã chia tay người yêu, lên đường tham gia nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh. Trong lúc ở nhà mong đợi người yêu trở về cầu hôn thì bất ngờ Mai Nương nhận được tin Hoàng Tùng tử trận. Tin dữ đã khiến nàng vô cùng đau đớn và tuyệt vọng. Vì tình yêu, Mai Nương đã quyết tự vẫn theo người mình yêu và mộ nàng được chôn bên bờ hồ. Nhưng cuộc đời nghiệt ngã, ít lâu sau Hoàng Tùng thắng trận trở về tìm gặp Mai Nương thì hay người yêu đã chết. Hoàng Tùng đau buồn và nguyện ở vậy trọn đời giữ trọn mối tình chung thủy. Nhưng mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Hoàng Tùng đau buồn vì vận nước và tình riêng nên đã nhảy xuống hồ chết theo nàng Mai Nương. Dân gian còn cho rằng, tiếng thông reo ở hồ này rất bi thương như khóc than cho đôi bạn tình Mai Nương và Hoàng Tùng nên người đời đặt tên là hồ Than Thở…”.
Có lẽ cũng dẫn theo các tài liệu trên, trang Web nổi tiếng về du lịch (iVivu-cẩm nang du lịch) và rất nhiều báo và tạp chí cũng đã trích dẫn lại câu chuyện này. Các hướng dẫn viên du lịch cũng theo đó mà kể lại cho du khách với một vài thêm bớt. Bên cạnh đó, tại khu vực hồ Than Thở còn truyền câu chuyện có thật kể về anh Vũ Minh Tâm cùng cô Lê Thị Thảo yêu nhau tha thiết, nhiều ngày tháng hò hẹn, thề nguyền bên hồ nhưng không đến được với nhau do gia đình phản đối. Cô gái ra hồ Than Thở tự vẫn vào một chiều tháng 3/1956. Chàng trai đi lính và chết trận, được bạn bè đưa thi thể về Đà Lạt chôn cạnh mộ của Thảo và làm cho hai người một tấm bia chung. Sau năm 1975, cha mẹ Tâm đã bốc mộ anh về quê. Tại khu du lịch hồ Than Thở hiện nay vẫn còn ngôi mộ đôi khắc mộ chí Vũ Minh Tâm và Lê Thị Thảo, được tôn tạo và du khách vẫn thường thăm viếng…
Một huyền thoại hoàn toàn thiếu căn cứ
Chúng tôi đã xem lại kỹ “huyền thoại” về hồ Than Thở với câu chuyện tình có kết thúc đau khổ của chàng Hoàng Tùng và tình nữ Mai Nương. Xin khẳng định ngay, đây là một “huyền thoại” hoàn toàn ngụy tạo, không có căn cứ. Chúng tôi đồ rằng, câu chuyện này được một ai đó trong thời hiện đại đã “bịa” ra theo một motif quen thuộc về chuyện tình bi lụy “yêu nhau say đắm-không thành-tìm đến cái chết”, một motif có tính phổ biến ở nhiều danh thắng trên khắp cả nước. Câu chuyện, nhìn chung là có chút ly kỳ, mùi mẫn. Tuy nhiên, cái phi lý của câu chuyện chính là mâu thuẫn với căn cứ thực tiễn-tức bối cảnh lịch sử của “huyền thoại” này.
Từ góc nhìn Foklore học, nếu tạm coi câu chuyện này là văn học dân gian thì với thuộc tính truyền miệng, chuyện kể này khá thành công ở khía cạnh phổ biến. Còn xét theo tính nguyên hợp, có nghĩa là văn học dân gian thường gắn liền với bối cảnh lịch sử, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cộng đồng, nó không chỉ là văn học mà còn là một phần của văn hóa, thì đây là một “huyền thoại” phản lại hoàn toàn những yếu tố đó.
Trên cơ sở đó, nếu “sắp xếp” Hoàng Tùng là một trong những tùy tướng của Hoàng đế Quang Trung xung trận đánh đuổi quân Mãn Thanh xâm lược thì niên đại của câu chuyện thuộc vào thế kỷ 18. Sử ghi lại: Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã hành binh ra bắc và ngày mồng 5 Tết, quân Tây Sơn đã đánh tan 20 vạn quân Thanh. Từ sử liệu này, rõ ràng sự xuất hiện của Hoàng Tùng-Mai Nương là hoàn toàn phi lý. Tên gọi nhân vật nam và nhân vật nữ rõ ràng là để định danh người Kinh (Việt). Trong khi đó, vào thế kỷ 18, hoàn toàn chưa hề có cộng đồng cư dân Việt nào sinh sống ở cao nguyên Lang Bian, thì làm sao mà có người trở thành tùy tướng của Quang Trung? Còn nếu là người dân tộc thiểu số được đặt tên theo kiểu Việt hóa thì cũng hết sức phi lý. Vào thời điểm đó, anh em nhà Tây Sơn chỉ kết nối với cộng đồng người Ba Na vùng Tây Sơn thượng đạo chứ chưa hề có sợi dây liên hệ nào với cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao nguyên Lang Bian!...
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được nói rõ thêm về sự liên hệ giữa người Kinh và đồng bào thiểu số cao nguyên Lang Bian. Theo thư tịch cũ, người Việt đầu tiên tiếp xúc với rìa thấp của cao nguyên này là chí sĩ Nguyễn Thông (1862-1867). Ông là một trung thần yêu nước triều Nguyễn và là một thi nhân đã trèo đèo lội suối đến vùng La Ngư, nơi giáp giới với xứ Đà Lạt sau này. Là mệnh quan triều đình, Nguyễn Thông được giao trọng trách khảo sát địa giới, dân tình. Nhưng cũng là một chí sĩ của phong trào kháng Pháp, lên với cao nguyên, ý đồ của ông là lập một căn cứ địa bí mật hòng quy tụ nghĩa sĩ gần xa cùng chống kẻ thù chung.
Mãi tận đến tháng 6/1893, sau cuộc thám hiểm lần thứ ba của nhà bác học người Thụy Sĩ mang quốc tịch Pháp Alexandre Yersin, từ đệ trình của ông về việc hình thành đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt, được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chấp thuận, thì mới bắt đầu hình thành những cộng đồng cư dân người Việt đầu tiên ở xứ sở này. Lịch sử hình thành các cộng đồng dân cư Đà Lạt ghi nhận, thời điểm 1901, có khoảng một chục người Việt đầu tiên đến đây sinh sống. Rồi tiếp đó, những làng, ấp người Việt được hình thành tại Đà Lạt như làng Đa Lạc (trước năm 1920), ấp Tân Lạc và ấp Xuân An (năm 1920), ấp Đa Lợi và làng Đa Phú (trước năm 1930)… Nếu căn cứ theo bối cảnh lịch sử về sự có mặt của cộng đồng cư dân người Việt tại Đà Lạt (cao nguyên Lang Bian) thì tướng quân Hoàng Tùng và người tình Mai Nương của ông (nếu có) đã đến đây sớm so với những người đồng tộc hơn hai thế kỷ. Theo logic đó thì “cặp đôi” này mới chính là những “nhà thám hiểm” có mặt trước cả Nguyễn Thông và Yersin!?...
Trước một “huyền thoại” tồn tại bấy lâu và lưu truyền một cách phi lý nhưng vẫn được cố tình chấp nhận, chúng tôi nêu lên vài ý kiến và mong được cộng đồng nhìn nhận lại. Ngõ hầu, chúng ta loại trừ sự “ngụy tạo” xuất phát từ động cơ nào đó. Thanh lọc một câu chuyện bịa đặt thiếu căn cứ cũng nhằm nâng cao giá trị của danh thắng nổi tiếng này; nhất là hiện nay, khu du lịch hồ Than Thở đang được “hồi sinh” bằng một dự án quy mô lớn mang tên Công viên Hoa và Ánh sáng Delight Park Đà Lạt.