Chính quyền cần tự vệ tốt hơn

Dư luận bức xúc với hiện tượng vừa mới sáp nhập tỉnh, thành phố, xã, phường, đi vào vận hành chính quyền 2 cấp, đã lại xuất hiện ngay những thông tin lừa đảo.

Trước đó, trong quãng thời gian chuẩn bị cho sáp nhập, vận hành, cũng đã tràn lan nhiều cuộc gọi, nhắn tin, thông báo… với các mục đích xấu. Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, giả làm công an, cán bộ của chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện việc tư vấn, làm lại giấy tờ, xử lý hồ sơ. Chúng yêu cầu người dân cung cấp thông tin, số tài khoản, căn cước công dân, chuyển khoản…, từng bước đưa nạn nhân vào tròng.

Đáng băn khoăn khi thời gian qua, dù đã được tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều thì không ít người do nhẹ dạ hay bất cẩn, vẫn bị lừa mất những khoản tiền lớn. Ngoài ra, rất đáng phẫn nộ về sự sa sút của đạo đức xã hội, nhân phẩm con người. Giữa những công dân trong cùng một địa phương hay đất nước, giữa những con người với nhau trong một đời sống, lại có nhiều kẻ sẵn sàng lừa lọc người khác, lấy tiền, lấy sự tức giận, đau khổ của người khác để thỏa mãn nhu cầu kiếm chác, no đủ của mình.

Mới đây và thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã lên tiếng mạnh mẽ, tuyên chiến và mong triệt tiêu những tội ác trong hành vi làm thuốc giả, thực phẩm giả… Đó thật sự là những hành động làm hại con người. Tội lừa đảo như trên nhắc tới cũng chính là cái ác, đáng bị lên án, trừng phạt. Cùng với lừa đảo, các đối tượng phạm pháp còn có tội mạo danh cơ quan, cán bộ nhà nước hay đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân để thực hiện hành vi xấu, gây hoang mang, suy giảm niềm tin trong xã hội đối với bộ máy công quyền, với các cơ quan, cán bộ thật-chính danh. Do đó, sự vi phạm của các đối tượng này ở mức độ nhiều trong một; khi bị phát hiện, chứng minh thủ đoạn, cần bị xử lý với nhiều tội khác nhau theo quy định pháp luật.

Nhưng điều quan trọng là phải phát hiện thì mới có thể xử lý, giảm bớt mầm lừa đảo. Bên cạnh việc cảnh báo liên tục, hướng dẫn người dân cách phát hiện những hành vi xấu thì các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng cần chú trọng nhiều hơn trong việc phòng, chống nguy cơ bị mạo danh; sớm phát hiện những kẻ lừa đảo và phối hợp ngay với cơ quan an ninh hay đơn vị công nghệ để tấn công, triệt phá hành vi mạo danh, lừa đảo.

Không chỉ người dân, mà chính quyền và các đơn vị, tổ chức cần phải tự vệ, bảo vệ mình một cách tích cực, nhanh nhạy, quyết liệt hơn.

Xem thêm