Vừa qua, vụ hỏa hoạn tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TP Hồ Chí Minh) khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ nhỏ. Nguyên nhân ban đầu: chập điện tại một căn hộ tự đấu nối dây điện. Nhưng cái chết đau lòng ấy không chỉ do một sợi dây điện gây ra. Nó là kết quả của nhiều năm cơi nới, bịt bùng, lồng sắt, chuồng cọp và cả sự thờ ơ của hệ thống quản lý.
Chỉ sau một đêm, những công trình “bảo vệ an ninh” ấy bỗng trở thành những chiếc bẫy tử thần. Và cũng chỉ sau một đêm, cư dân đổ xô thuê thợ tháo dỡ, tháo nhanh như thể chỉ cần gỡ là xóa được nỗi sợ. Nhưng nỗi sợ ấy, liệu sẽ ở lại được bao lâu?
Thực ra, ai cũng biết lồng sắt ban-công là nguy hiểm. Ai cũng biết khi lửa bùng lên, không có lối thoát, chỉ có chết cháy. Nhưng “biết” không đồng nghĩa với “làm”. Người ta vẫn đua nhau cơi nới, đóng kín lối thoát hiểm bằng những tấm tôn, khung sắt, mái hiên chắp vá. Tất cả nhân danh “chống trộm” và “mở rộng diện tích sinh hoạt”. Còn chính quyền thì hoặc là không biết, hoặc biết nhưng làm ngơ, hoặc cũng chỉ dừng lại ở "vận động, tuyên truyền".
Nỗi đau cư xá Độc Lập gợi nhớ tới vụ cháy tại chung cư mini trên phố Khương Hạ (Hà Nội) hồi tháng 9/2023 làm 56 người chết, và gần đây nhất là vụ cháy trên đường Trung Kính làm 14 người tử vong…
Những khu nhà tập thể cũ, những chung cư mini mọc lên chằng chịt ở các đô thị lớn là sản phẩm của quy hoạch tạm bợ, buông lỏng quản lý, xây dựng vô tội vạ. Nơi ở của hàng trăm người không có nổi một thang thoát hiểm thứ hai. Cử tri Hà Nội từng đề nghị được phép xây thang phụ, chính quyền lại bảo “khó thực hiện do vướng quy định”. Khó vì sai từ gốc, sai từ khi cho phép mọc lên những công trình không bảo đảm an toàn tối thiểu. Và cái “khó” ấy đang giết dần giết mòn lòng tin và mạng sống.
Sau mỗi vụ cháy, các báo cáo, hội thảo, chỉ đạo lại được phát đi với… “tốc độ ánh sáng”. Nào là tăng cường kiểm tra, nào là nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng cháy chữa cháy, nào là hướng dẫn người dân làm lối thoát hiểm phụ… Nhưng bao nhiêu phần trăm những lời nói ấy biến thành hành động cụ thể, hiệu quả lâu dài? Bao nhiêu lối thoát hiểm phụ thật sự được làm đúng, đạt chuẩn? Và ai chịu trách nhiệm nếu không?
Chúng ta không thể tiếp tục “mất bò mới lo làm chuồng”. Không thể chỉ tháo dỡ lồng sắt sau mỗi vụ cháy, như một nghi thức tẩy rửa tội lỗi. Cái cần tháo dỡ là tư duy “làm cho có”, “quản lý theo phong trào”. Cái cần xây lại là một hệ thống giám sát xây dựng và phòng cháy, chữa cháy có răng, có móng vuốt, chứ không phải con hổ giấy chỉ biết kêu gào sau hậu họa.
Người dân có lỗi, nhưng lỗi lớn hơn là của những người có quyền và không làm hết trách nhiệm. Chừng nào còn coi chuồng cọp là "việc nhà người ta", chừng nào còn để các công trình cơi nới mọc lên rồi mới dỡ sau thảm họa, thì chừng đó chúng ta vẫn thi thoảng lại đón nhận những tin rất buồn...