Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu thực hành vẽ tranh sáp ong.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu thực hành vẽ tranh sáp ong.

“Họa sĩ” bản làng truyền đi tình yêu thổ cẩm

Những triền núi quanh năm mây phủ ở Sin Suối Hồ (Lai Châu), vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện với văn hóa truyền thống đã truyền cảm hứng cho các cô trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu trong hành trình khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo: nghề vẽ sáp ong trên vải của người H’Mông Hoa.

Không chỉ làm đẹp cho bản làng, những sản phẩm sáng tạo như tranh tường, đồ lưu niệm, váy áo thời trang... từ nghệ thuật vẽ sáp ong và nhuộm chàm ngày càng mang diện mạo tươi mới và rực rỡ, theo chân du khách đi khắp muôn phương.

Sức sống mới của nghệ thuật dân gian

Chợ phiên Sin Suối Hồ diễn ra mỗi thứ bảy hằng tuần, mang đến những trải nghiệm văn hóa thú vị cho khách du lịch. Trong nắng sớm dịu mát miền núi cao, ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ giữa phiên chợ tấp nập, chị Trần Thu Hà, một du khách Hà Nội, tỉ mẩn vẽ bức tranh sáp ong của riêng mình với sự hỗ trợ của nữ sinh Đỗ Ngọc Huyền và nghệ nhân Sùng Thị Mẩy.

“Ban đầu tôi hơi ngại vì chưa bao giờ tập vẽ, nữa là vẽ trên chất liệu đặc biệt thế này. Nhưng nhờ các bạn học sinh và nghệ nhân hướng dẫn rất dễ hiểu, tôi đã tạo được những nét đầu tiên. Thật kỳ diệu khi thấy hoa văn mình vẽ nổi bật trên nền vải lanh”, chị Hà vui vẻ chia sẻ. Workshop vẽ sáp ong ở chợ phiên Sin Suối Hồ ra đời từ tháng 7/2024, là một sáng kiến của cô giáo Nguyễn Thanh Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật - Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu, cùng các học sinh của mình. Với khoản chi phí dễ chịu chỉ từ 50 nghìn đồng trở lên tùy kích cỡ, du khách sẽ được cung cấp vải, bút vẽ, sáp ong để thực hành, sau đó mang tác phẩm về. Tại đây cũng có không gian trưng bày sản phẩm thủ công như túi xách, mũ, khẩu trang, lót ly, thú nhồi bông... và đặc biệt là những bộ áo dài, quần áo nam nữ với thiết kế hiện đại, dễ ứng dụng.

Cô giáo quê Phú Thọ đồng thời cũng là một họa sĩ đã gắn bó với Lai Châu gần 20 năm qua. Yêu núi rừng và yêu nghệ thuật, cô giáo Thanh cùng hai học trò Vũ Thị Minh Thư và Đỗ Ngọc Huyền quyết tâm thực hiện dự án “Ứng dụng kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông Hoa tại bản Sin Suối Hồ để sáng tác các tác phẩm hội họa”. Trong nhiều tháng, nhóm cô trò đến bản Sin Suối Hồ để “học nghề” từ các nghệ nhân, trong đó người già nhất là bà Giàng Thị Vang đã 84 tuổi.

Khát vọng cho tương lai

Những nỗ lực của các cô trò, với sự giúp đỡ của đồng bào đã mang lại Giải ba cho dự án tại Cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025. Hành trình gìn giữ và lan tỏa kỹ thuật vẽ sáp ong nhuộm chàm không chỉ là câu chuyện của cô Thanh và các học trò, mà còn là niềm hy vọng về việc phát triển bền vững văn hóa bản địa.

Thời gian qua, Câu lạc bộ Mỹ thuật với hơn 20 thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu di sản đến cộng đồng. Những bức tranh vẽ bằng sáp ong trên vải bông sau khi nhuộm chàm trở thành những tác phẩm mỹ thuật độc đáo và giàu tính ứng dụng trong thời trang, nội thất. Đề tài được thể hiện cũng khá phong phú, đậm bản sắc vùng cao, như vẻ đẹp phong cảnh núi non, chân dung đồng bào dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống, cảnh lao động, cảnh sinh hoạt cộng đồng, lễ hội… Sản phẩm từ tranh vẽ sáp ong trên vải được triển lãm tại trường và các sự kiện văn hóa của tỉnh, được đưa đi ngày hội giao lưu ở Hải Phòng, Đà Nẵng… Các “họa sĩ” là học sinh và người dân địa phương tham gia cũng nhận được thù lao từ công việc này, tuy mới là bước đầu song cũng mang đến nguồn động viên không nhỏ.

Theo cô Thanh, các hoạt động đa dạng song đều cần tập trung vào 3 yếu tố chính là hỗ trợ nghệ nhân, đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn và giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của di sản dân tộc. Chẳng hạn như workshop ở chợ phiên Sin Suối Hồ là một kênh tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống khá ổn định với lượng khách du lịch đều đặn. “Mỗi sản phẩm là một câu chuyện”, cô Thanh chia sẻ. “Khi du khách mua những chiếc khăn tay, túi xách hay tham gia trải nghiệm vẽ tranh sáp ong, họ không chỉ mang về một món đồ mà còn là một phần văn hóa, một phần ký ức của bản làng”.

Tích cực tận dụng lợi thế của công nghệ, cô giáo và các em còn thành lập 1 trang Facebook, 1 kênh TikTok để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật vẽ sáp ong nhuộm chàm ở người H’Mông Hoa Lai Châu đến người xem trong nước, quốc tế. “Chúng tôi không chỉ muốn giữ gìn văn hóa mà mong thế hệ trẻ hiểu, yêu và tự hào về di sản của mình,” cô Thanh nói.

Xem thêm