Đoàn công tác của Quân khu 5 và Công an vũ trang Gia Lai - Kon Tum cùng Ban lãnh đạo lâm thời khu Đông Bắc Campuchia tại Ja Boóc - Đắc Tô - Gia Lai - Kon Tum. (Hàng trước và bên trái: 1. Đại tá Phan Thái Vân; 2. Thiếu tướng Trần Tiến Cung; 3. Đại tướng Bun Thoong; 4. Đại tướng Soi Keo; 5. Thiếu tướng Trần Đình Dũng).
Đoàn công tác của Quân khu 5 và Công an vũ trang Gia Lai - Kon Tum cùng Ban lãnh đạo lâm thời khu Đông Bắc Campuchia tại Ja Boóc - Đắc Tô - Gia Lai - Kon Tum. (Hàng trước và bên trái: 1. Đại tá Phan Thái Vân; 2. Thiếu tướng Trần Tiến Cung; 3. Đại tướng Bun Thoong; 4. Đại tướng Soi Keo; 5. Thiếu tướng Trần Đình Dũng).

Kể mãi câu chuyện ân tình

Một sớm hè, hàng chục người lớn tuổi từ các làng của xã Cà Chôn, huyện Vân Sai, tỉnh Ratanakiri, Campuchia nhờ con cháu đưa về trung tâm huyện để gặp lại cố nhân - những người đến từ mảnh đất ân tình đã chở che họ trong những năm tháng chạy khỏi sự truy đuổi của Pôn Pốt.

1. Đã tròn 50 năm kể từ ngày họ thoát khỏi “kiếp nạn” diệt chủng, có bao nhiêu câu chuyện mà những người trong cuộc muốn chia sẻ nhưng không thể kể hết bởi rào cản của ngôn ngữ, nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được tình cảm đong đầy mà những người dân nơi đây dành cho các vị khách quý của mình, cho nhân dân và bộ đội Việt Nam.

Trong lúc chờ khách, ông Pati Tham, làng Cà Chôn dưới chỉ con rạch rộng chảy về phía đông kể rằng, 50 năm trước, vào những ngày cuối năm 1975, họ đã nương theo dòng chảy để đến biên giới Việt Nam, tìm cho bản thân và gia đình mình một con đường sống. “Lúc đó... chúng tôi mới 14, 15 tuổi, Pôn Pốt giết lúc đầu là chú tôi, rồi sau đó là những người khác. Cả gia đình tôi và người trong làng bàn nhau chạy về Việt Nam thôi, ở đây mình không sống được đâu. Thế là chạy luôn, trâu, bò hay khoai, gạo gì cũng bỏ hết, cứ bám dòng nước, vượt rừng mà đi. Thật may mắn, sang đến xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum, nay là xã Mo Rai thuộc tỉnh Quảng Ngãi) là biết mình không phải chết rồi, đã vậy Việt Nam còn cho gạo, cho thức ăn, muối…”, ông Pati Tham kể.

Còn Trung tướng Moong Theng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu I, Quân đội Hoàng gia Campuchia cũng cảm khái: “Từ cuối năm 1974, nhân dân vùng Ratanakiri chúng tôi bắt đầu bị Khmer Đỏ chia cắt thành những “công xã” tập trung, truyền bá tư tưởng chống Việt Nam, những người có quan hệ thân thiết với Việt Nam dần bị thanh trừng. Tình thế đó buộc chúng tôi phải tập hợp một số cán bộ, quân nhân ở tỉnh Ratanakiri chạy sang Việt Nam lánh nạn. Chúng tôi đến Việt Nam gần như không có gì mang theo. Các bạn Việt Nam lúc đó cũng khó khăn mà nhưng đã hào phóng mở cả một kho gạo cấp cho gần 4.000 người để cứu đói. Sau khi thành lập làng, chính quyền Việt Nam đã giúp đỡ hàng tạ thóc giống, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất và đặc biệt là chia sẻ đất để làm nương rẫy. Quê hương thoát khỏi nạn diệt chủng, chúng tôi cũng thành đạt, con cái trưởng thành, có công việc và tham gia xây dựng đất nước hôm nay là nhờ vào Việt Nam”.

172.jpg
Thiếu tướng Trần Đình Dũng (bên trái) và Đại tá Diệp Xuân Cung (bên phải) thăm gia đình cố Đại tướng Bun Thoong.

2. Rồi đoàn khách cũng đến, đó là già làng A Nghinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (nay là xã Rờ Cơi thuộc tỉnh Quảng Ngãi) nơi có 12 ngôi làng người Campuchia đến lánh nạn từ năm 1975 đến 1982, trong đó có những người dân ở xã Cà Chôn dưới, huyện Vân Sai. Cùng với già A Nghinh còn có Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Đại tá Diệp Xuân Cung, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai và Cựu chiến binh Đào Trọng Phồn. Họ là những chiến sĩ thuộc tổ công tác Ja Boóc, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Gia Lai - Kon Tum (nay là BĐBP tỉnh Gia Lai và BĐBP tỉnh Quảng Ngãi) được giao ổn định đời sống, huấn luyện chiến đấu cho người dân Ja Boóc thời kỳ đó.

Cái nóng hầm hập của cao nguyên đông bắc Campuchia và sự bất đồng ngôn ngữ không khiến câu chuyện của những cựu chiến binh và người dân hai nước bớt đi niềm hạnh ngộ. Bởi họ có cùng một ký ức chia ngọt sẻ bùi dưới chân núi Chư Mo Ray, nơi có tán rừng Ja Boóc và có những năm tháng kề vai sát cánh trên chiến hào chống kẻ thù chung. Thời điểm ấy, nhận được tin báo của trinh sát ngoại tuyến, Bộ Tư lệnh CANDVT (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP) đã báo cáo xin ý kiến cấp trên vấn đề người Campuchia chạy nạn qua biên giới. Sau khi nhận được chỉ thị của Đảng ủy công an Trung ương, CANDVT Gia Lai - Kon Tum tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận, giúp bà con tạm cư từ chân đèo Ngọc Vin đến ngầm sông Sa Thầy.

Thiếu tướng Trần Đình Dũng nhớ lại: “Ja Boóc khi đó có hơn 2 nghìn người lớn tuổi và hơn 2 nghìn trẻ em, có bốn đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và 49 đảng viên Campuchia. Tổ công tác đã phối hợp với xã Rờ Cơi hình thành bộ khung lãnh đạo của làng, giúp bà con ổn định đời sống và lựa chọn đội ngũ cán bộ để thành lập 1 trung đoàn gồm 5 tiểu đoàn bộ đội Campuchia. Tháng 10/1977, Ủy ban Khởi nghĩa đông bắc Campuchia được thành lập bao gồm 5 tỉnh Stung Treng, Ratanakiri, Mondukiri, Kratie, Preah Vihear, chúng tôi đã đưa họ trở về nước để hỗ trợ xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia”.

Ông Bun Lâm, Thượng nghị sĩ tại Thượng viện Campuchia nói tiếng Việt rất tốt: “Khi được cán bộ Biên phòng Việt Nam cho qua biên giới, chúng tôi biết mình đã sống. Anh Dũng, anh Cung, anh Vân và nhiều bộ đội khác ngày huấn luyện vũ trang cho các thanh niên để chờ ngày trở về chiến đấu giải phóng quê nhà Ratanakiri, đêm canh trực bảo vệ dân lành. Đồn Biên phòng còn cấp cho các làng vũ khí để có thể tự vệ trong trường hợp Khmer Đỏ đột nhập. Sau hơn hai năm luyện tập dưới tán rừng Ja Boóc, cùng với các khu vực tị nạn khác nằm dọc biên giới Gia Lai - Kon Tum, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Ratanakiri cũng chính thức công khai hoạt động và lên kế hoạch về nước chiến đấu”.

Để hỗ trợ cho bạn, phía Việt Nam cũng đã quyết định thành lập Đoàn 578 sang cố vấn về mặt quân sự, chính trị cho Ủy ban Khởi nghĩa Đông Bắc Campuchia. Vừa chiến đấu vừa học hỏi, nhiều thanh niên lúc ở Ja Boóc cầm súng còn chưa thạo đã nhanh chóng trở thành những người chỉ huy đảm lược trên chiến trường. Trong số gần 1.000 người trở về chiến đấu giải phóng dân tộc, có tới hơn 100 người đã trở thành cán bộ nòng cốt của chính quyền cách mạng Campuchia như Đại tướng Bun Thoong, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia; Đại tướng Soi Keo, Nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Campuchia; ông Khăm Len, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, ông Bun Lâm, Thượng nghị sĩ tại Thượng viện Campuchia. Hay các ông Xô Keo, Thao Chuông và một số người khác trở thành Hạ nghị sĩ, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng của 5 tỉnh đông bắc Campuchia.

3. Trở lại Campuchia hôm nay, niềm vui trọn vẹn với những người lính biên phòng năm ấy khi họ chứng kiến những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên ở Ja Boóc đã trưởng thành và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, góp sức mình xây dựng Campuchia, và vui hơn khi có một thế hệ trẻ không quên nghĩa tình trong quá khứ. Ông Thoong Sa Van, Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân Campuchia, tỉnh trưởng tỉnh Mondukiri, Vương quốc Campuchia là một trong số hàng trăm đứa trẻ được sinh ra và có thời thơ ấu bên dòng sông Sa Thầy.

Ông Thoong Sa Van xúc động nói: “Đây là lịch sử mà chúng tôi luôn khắc ghi. Nếu ai muốn biết đất nước Việt Nam thân yêu xinh đẹp như thế nào thì có thể hỏi chúng tôi, hoặc hỏi các cô, chú, anh, chị thời chạy nạn lúc đó sẽ hiểu rõ và sẽ cảm thấy yêu hơn đất nước Việt Nam. Bố tôi luôn dặn con cháu rằng, gia đình mình là những người may mắn còn sống phải biết tri ân và trân trọng những công ơn của những anh hùng đã quên mình anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân huyện Sa Thầy đã nhường đất đai, san sẻ lương thực cho chúng tôi ngày đó. Tôi cho rằng nếu không có ngày đó như vậy, thì không có chúng tôi như ngày hôm nay. Tôi sẽ luôn khắc ghi và hy vọng thanh niên thế hệ sau luôn nhắc nhớ đến công ơn của các cựu quân tình nguyện Việt Nam”.

Câu chuyện ân tình của những cán bộ và người dân Ratanakiri và Gia Lai, Kon Tum năm xưa đã và đang được viết tiếp bằng sự chung tay của những người trẻ trên những cánh rừng biên giới. Những đồn biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Ngãi, Gia Lai kết nghĩa “Đồn - Đại đội hữu nghị, biên giới bình yên” với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đã trở thành một “điểm sáng” về đối ngoại quốc phòng trên biên giới. Dự án trồng cao su dọc biên giới Campuchia của Binh đoàn 15 đã tạo thu nhập cho hàng nghìn người dân hai bên biên giới. Những hoạt động giao lưu hữu nghị giữa thanh niên các địa phương cũng tạo thêm nhiều dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ giữa các địa phương, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Ngày đó, trước khi lên đường trở về để chiến đấu giải phóng quê hương, ông Bun Thoong đã dắt cậu con trai mới hai tuổi đến gặp Trung úy Phan Thái Vân khi ấy, gửi gắm: “Ngày mai tôi về nước chiến đấu. Nếu tôi có mệnh hệ gì, nhất định anh phải nuôi cháu, xin được lấy tên anh để đặt cho cháu”. Nhưng nhờ sự che chở, giúp đỡ của nhân dân và những người lính CANDVT Việt Nam, gia đình ông Bun Thoong đã an toàn và trở về Campuchia.

Xem thêm