Ở thế giới số của năm 2025, khi công nghệ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong đời sống và nhiều người “ngại” đọc tới mức đưa văn bản cho trí tuệ nhân tạo AI tóm tắt, vẫn có những người đam mê tìm kiếm, sưu tầm sách cổ.
Với họ, mỗi trang sách xưa không chỉ để đọc, mà còn như một nhánh rễ cắm sâu vào lịch sử văn hóa của dân tộc.
Kỳ 1: Nghề chơi cũng lắm công phu
Nói về chơi sách cổ, những người yêu sách sẽ nhớ ngay đến học giả Vương Hồng Sển cùng cuốn “Thú chơi sách” được ấn bản lần đầu năm 1960. Đó được xem như kim chỉ nam, sách gối đầu giường cho những người đam mê sách, khi cụ Vương Hồng Sển thử tìm cách định nghĩa về thú chơi sách, những loại người đam mê sách và bàn luận thêm các khía cạnh khác của thú phong lưu này.
“Khô máu” vì sách
Cụ Vương Hồng Sển trích lời Leo Larguier để nói về lý do tại sao lại yêu sách - hay là “những người bạn” chẳng khác tri kỷ: “Tôi có bằng hữu đủ hạng người và thuộc đủ các nước. Bạn không khi nào phiền nhiễu tôi, và một khi tôi hỏi han điều gì, vẫn có câu trả lời túc trực. Có bạn nhắc tôi những dĩ vãng êm đềm năm cũ, có bạn chỉ tôi những huyền diệu trong vũ trụ hiện thời”.
“Bạn dạy tôi sống cho phải đường, bạn dạy tôi chết cho phải cách. Trong những bước đời éo le, bối rối, tôi đều có thể trông cậy vào y, và những người bạn quý ấy chỉ cầu xin có được một chỗ yên tĩnh, nhỏ gọn trong vuông phòng thanh nhã của tôi, là đủ hài lòng”.
Ngay cả khi đi tản cư năm 1946, niềm đam mê sách của Vương Hồng Sển vẫn không bị dập tắt bởi những khó khăn bộn bề của thời cuộc. Khi đang tản cư ở làng Chắc-Đốt (sau thuộc Gia Hòa, tỉnh Sóc Trăng cũ, hiện là xã Gia Hòa, TP Cần Thơ mới), ông vô tình bắt gặp một cụ già người Miên gánh hai giỏ tre lớn đựng đầy sách vở chữ Hán ở đằng xa.
Chỉ kịp nhìn thấy hai chữ “Thi tập”, ông vội vã đuổi theo và nài mua bằng được bộ “Vĩ dã thi tập” của Tuy Lý Vương với giá năm đồng bạc. Nhưng cho đến mãi sau này, Vương Hồng Sển vẫn nuối tiếc “sao lúc đó không xuất ra mươi lăm đồng bạc mua luôn hai gánh sách của Miên-già” và e sợ “nhiều tài liệu quý báu nay đã theo khói thuốc hút của một gã ngu-phu biến mất!”.
Câu chuyện thú vị kể trên của Vương Hồng Sển lại là cơ duyên bao hậu bối mơ mà chẳng được. Đó là thừa nhận của nhà báo Yên Ba, một người chơi sách có tiếng tại Việt Nam với bộ sưu tập “Tam Quốc diễn nghĩa” lên đến hơn 400 bản, với những bản in thậm chí có tuổi đời hơn cả thế kỷ.
Ông Yên Ba chia sẻ: “Chơi sách cũ phải thật sự đam mê sách, đam mê những giá trị xưa cũ và vẻ đẹp của những cuốn sách. Nhiều người lúc đầu mua rất ghê, mua nhiều, mua bạo, nhưng một thời gian đã chán. Thứ hai là phải có hiểu biết, có kiến thức. Không có hiểu biết thì chơi rất nông cạn, không có sự mở mang, không có sự thăng tiến trong bộ sưu tập. Thứ ba quan trọng không kém là tiền. Chuyện đồng nát đi qua nhà, lấp ló cuốn sách, mở ra ôi kỳ thư tuyệt thế vô song không bao giờ xảy ra ở thời đại hiện nay. Bây giờ sưu tầm sách phải có mối, quen biết, chịu khó lăn lộn và rất nhiều tiền”.
Giới chơi sách cổ Việt Nam có tiếng là chịu chi và “chịu chơi”. Từ thời cụ Vương Hồng Sển, thú chơi này đã mang tính “đốt tiền” khi cụ từng hãnh diện giới thiệu mình sở hữu 26 bản “Truyện Kiều” và 11 bản “Lục Vân Tiên”. Để có chúng, cụ thậm chí đã bán đi nhiều tài sản khác để theo đuổi.
Ngày nay, tinh thần “khô máu” ấy vẫn tiếp diễn. Giới chơi sách Việt Nam vẫn kể giai thoại về việc anh Bùi Thành Phương (biệt danh Phương “cụ”) từng mua lại cả nhà sách chỉ để sở hữu một cuốn sách quý. Anh hiểu rằng nếu mình hỏi riêng, giá trị cuốn sách sẽ bị đội lên và bị nhiều tay chơi sách khác nhòm ngó nên quyết định móc hầu bao, dù rằng số tiền không hề nhỏ.
Chơi sách cổ ở Việt Nam không dành cho tất cả. Kể cả khi đã sở hữu đam mê, kiến thức và duyên, những người chơi sách vẫn gặp thêm những “kiếp nạn” mang tên mối mọt và thời tiết - đặc biệt ở miền bắc. Mỗi năm, những tháng nồm ẩm lại trở thành kẻ thù truyền kiếp của những trang giấy cũ, khi chỉ cần một đợt ẩm kéo dài cũng đủ khiến cả tủ sách quý giá bị hư hại. Nhiều trường hợp, chỉ một lần quên bật máy hút ẩm hay mở cửa sổ quá lâu là phải ngậm ngùi vĩnh biệt hàng chục cuốn sách bạc triệu.
Để đối phó với những “kiếp nạn” này, mỗi nhà sưu tập lại có những phương án khác nhau. Nhà báo Yên Ba học mẹo “hạt tiêu rang khô xong cho vào bít tất mỏng hoặc vải xô, buộc lại, đặt vào các tủ sách”. Nhà báo Trần Anh Tú (bút danh Dương Tiêu) sống tại Hà Nội lại chia sẻ: “Lý tưởng nhất là phải có phòng riêng, bật điều hòa và hút ẩm 24/24. Nhưng điều kiện không cho phép thì cũng đành chịu, bởi đó là việc rất tốn kém”.
Anh Nguyễn Ngọc Long (biệt danh Long “chuối”) nổi tiếng trong giới chơi sách nhờ sở hữu không dưới mười vạn cuốn sách. Người ta không lạ gì cảnh anh tới phố Hàng Chiếu để mua túi nylon chuyên dụng, đơn vị tính bằng … hàng chục cân để về tỉ mẩn bọc từng cuốn sách. Để quản lý bộ sưu tập, anh thậm chí còn lập file excel ghi rõ từng đề mục, vị trí từng cuốn sách.
Có tìm hiểu về thú chơi sách cổ tại Việt Nam mới thấy quả đúng như cụ Nguyễn Du từng viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu!”.
Những kẻ “ngược dòng”
Thời điểm giữa những năm 2000, khi mạng xã hội chưa phổ biến và việc mua bán sách cũ vẫn chỉ quanh quẩn ở các hiệu sách vỉa hè, một diễn đàn trực tuyến đã âm thầm trở thành cái nôi của giới chơi sách cổ tại Việt Nam: diễn đàn Sachxua.net.
“Sách Xưa” từng là địa chỉ giao lưu, trao đổi sách cũ, chia sẻ kiến thức, khoe tủ sách, giới thiệu phát hiện quý hiếm và cùng nhau lý giải nguồn gốc từng bản in cổ. Rất nhiều tay chơi sách cổ có tiếng hiện nay từng là thành viên gắn bó của diễn đàn này.
Diễn đàn hoạt động đỉnh cao trong khoảng một thập niên, trước khi chững lại cùng với sự bùng nổ của Facebook. Nhưng di sản mà nó để lại vẫn còn nguyên giá trị, khi chính nơi đây đã tạo nên thế hệ đầu tiên của giới chơi sách cổ hiện đại - những người không chỉ coi sách cũ là đồ vật sưu tầm, mà là một phần sống động của lịch sử in ấn và văn hóa đọc Việt Nam. Và những thành viên cùng nhau hoạt động sôi nổi trên diễn đàn ngày ấy vẫn đồng hành ngày hôm nay trên con đường sưu tầm sách và dành cho nhau sự tôn trọng đặc biệt.
Anh Trần Anh Tú chia sẻ: “Xét về trình độ chơi sách, mình chỉ ở “hạng ruồi” thôi. Nhưng trên hành trình sưu tầm sách cổ, mình may mắn quen biết được nhiều anh em trong giới, những người thật sự yêu sách và được giúp đỡ rất nhiều. Có nhiều điều mình không biết, mình có thể hỏi các anh Tạ Thu Phong hay anh Yên Ba và tiếp cận được với tri thức nhanh hơn. Nhiều khi gặp những yêu cầu khó từ bạn bè như tìm một tờ báo cũ đúng ngày đúng tháng, hay một nghiên cứu sinh nghiên cứu luận án cần tra cứu tài liệu xưa thậm chí không có trong thư viện, thì may mắn hỏi anh em bằng hữu lại giải quyết được”.
“Khác với hình dung của nhiều người, rằng giới chơi sách cổ sẽ giữ khư khư sách cho riêng mình và không bao giờ cho mượn, những đàn anh sưu tầm sách báo cũ lại luôn sẵn sàng chia sẻ. Họ không chỉ chia sẻ con chữ, mà còn chia sẻ tri thức và cả cách hiểu, cách tìm kiếm sách để mọi người cùng có khả năng tiếp cận”, anh Tú nói.
Trong kỷ nguyên số, tưởng như mọi thứ đều có thể dễ dàng tìm thấy chỉ sau vài thao tác trên Google. Nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể tra cứu được trên mạng một bài báo viết cách đây hơn nửa thế kỷ, hay đối chiếu, so sánh một bản Truyện Kiều xuất bản thời Pháp thuộc với bản in thời hiện đại xem có sự khác biệt nào không.
Đó là lúc cần sự hiện diện của những cuốn sách cũ, như một sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, để dòng chảy văn hóa lịch sử không khi nào bị đứt đoạn. Khi thế giới thông tin ngày càng theo đuổi xu hướng số hóa, vẫn cần những ký ức được lưu trữ bằng chất liệu vật lý. Không ai biết chính xác một tờ báo cũ hay một cuốn sách mỏng in thời Đông Dương sẽ trở nên cần thiết vào lúc nào: cho một nhà nghiên cứu, một đạo diễn phim tài liệu, hay một sinh viên đang làm khóa luận.
Nhưng chỉ cần nó còn được lưu giữ, quá khứ vẫn còn một cơ hội để được lắng nghe, để lên tiếng và soi chiếu hiện tại. Nhờ những người yêu sách cổ, những kẻ “ngược dòng” thời đại và tìm thấy niềm khoái lạc trong những trang giấy ố vàng xưa cũ.
Trong bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” dựa trên cuốn sách cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, có một điểm đến được nhắc tới nhiều lần: thư viện của ông Giáo Dưỡng - ông ngoại của nhân vật Phúc. Chính tại đây, Phúc đã đưa người thầm thương trộm nhớ tới để nàng lựa chọn sách, và vẻ mặt của cô nữ sinh Miền khi nhìn thấy bộ sưu tập sách chẳng khác gì bắt gặp một kho báu.
Chi tiết nhỏ ấy tưởng chỉ như một điểm nhấn lãng mạn trong một câu chuyện tuổi mới lớn, nhưng lại gợi lên một thứ tình cảm sâu xa: cảm giác choáng ngợp và tôn kính khi đứng trước một tủ sách cũ được gìn giữ trọn vẹn. Mỗi cuốn sách trong thư viện ông Dưỡng không chỉ là vật chứa chữ nghĩa, mà còn là đại diện cho ký ức, tri thức và cả tâm hồn của con người.
(Còn nữa)